'Hãy giúp lao động Mỹ. Hãy thông qua TPP'

19/09/2016 21:06 GMT+7

Bài viết dưới đây là góc nhìn của Michael R. Bloomberg và Thomas J. Donohue. Ông Michael R. Bloomberg là cựu Thị trưởng thành phố New York, nhà sáng lập kiêm chủ sở hữu phần lớn Bloomberg LP, công ty mẹ hãng tin Bloomberg.

Hillary Clinton và Donald Trump đều cho hay họ sẽ phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp ước thương mại giữa Mỹ và 11 nước khác được chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama ký kết tham gia vào tháng 2 qua. Song quan điểm của họ không quá quan trọng, vì vấn đề này có thể chẳng bao giờ tới được bàn của tổng thống Mỹ kế tiếp. Việc Quốc hội Mỹ xem xét vấn đề trên bị trì hoãn đã lâu. Quốc hội nên biểu quyết về TPP, và thông qua nó trước khi năm nay kết thúc.
Tâm lý chống thương mại khiến chuyện các ứng viên phản đối TPP trở nên hợp thời. Song giữa lúc hai nhóm “thanh nhạc” cánh trái và phải thi nhau ủng hộ nhiều biện pháp bảo hộ, đa phần người Mỹ - trong đó gồm phần đông các cá nhân ủng hộ hai đảng và những người trung lập - tin rằng thương mại nhiều hơn là tốt cho kinh tế Mỹ. Đó cũng là quan điểm của gần như toàn bộ chuyên gia kinh tế và phần lớn cộng đồng doanh nghiệp, nông nghiệp.
Thương mại toàn cầu mở ra nhiều thị trường mới cho các doanh nghiệp Mỹ, tạo cơ hội mới giúp họ phát triển. Thực tế, Mỹ có thặng dư thương mại tích lũy trong hàng hóa sản xuất với 20 đối tác thỏa thuận thương mại. Chúng ta từ lâu còn có thặng dư thương mại toàn cầu với các sản phẩm dịch vụ và nông nghiệp. Tuy nhiên, bạn sẽ chẳng biết thế nếu chỉ nghe các ứng viên tổng thống.
Thương mại cũng giảm chi phí hàng hóa cho người tiêu dùng Mỹ. Nếu không có thương mại, tất cả mọi thứ chúng ta mua, từ áo quần đến đồ điện tử, sẽ đột nhiên đắt hơn nhiều. Lần cuối cùng bạn nghe một ứng viên tổng thống nói rằng bạn sẽ mua tạp hóa và đồ lót với giá đắt hơn là khi nào?
Mỹ sẽ không bao giờ trở lại làm thủ đô sản xuất kỹ năng thấp của thế giới. Việc cố gắng lấy lại danh hiệu đó bằng cách khởi động từ thương mại, xây dựng các biện pháp bảo hộ sẽ là khó khăn. Nền kinh tế của thời đại thập niên 1950 đã qua và không bao giờ trở lại. Điều này xảy ra vì công nghệ nhiều hơn thương mại.
Bức ảnh chụp tháng 6.2015 khi Tổng thống Mỹ Barack Obama được bao quanh bởi nội các và các nhà lập pháp, ngồi ký luật gồm quyền xúc tiến thương mại nhanh cho phép ông đàm phán các hiệp ước thương mại, trong đó có TPP AFP
Hầu hết việc làm ngành sản xuất mất đi trong hai thập niên qua là vì tự động hóa đẩy lùi chúng, không phải thương mại. Vì ngày càng nhiều hàng hóa, dịch vụ được mua trên mạng, tiếp cận với thị trường nước ngoài là điều cần thiết với các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có những nhà sản xuất ngày càng phụ thuộc vào thị trường ngoại quốc để hỗ trợ việc làm nội địa. Đơn cử, xuất khẩu ô tô của Mỹ tăng hơn gấp đôi từ năm 2009 đến năm 2014, chạm mốc 2 triệu xe hơi và xe tải lần đầu tiên trong năm 2014. Các lô hàng ô tô mác “Made in the USA” xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 10 lần trong cùng giai đoạn. Nếu không có tăng trưởng xuất phát từ thương mại khi ấy, sẽ còn nhiều người Mỹ trong ngành sản xuất và các ngành khác thất nghiệp.
Thách thức chúng ta đối mặt ngày nay là tìm cách tạo thêm công ăn việc làm lương cao, bảo đảm người Mỹ có tay nghề và được đào tạo đủ để tìm được việc. Những công việc như trên có xu hướng phụ thuộc nguyên liệu, lao động và khách hàng từ thị trường nước ngoài. Phá vỡ rào cản với các thị trường này, điều mà TPP sẽ làm, là cần thiết cho tương lai nước Mỹ trong kinh tế thế giới.
Hẳn nhiên, lợi ích thương mại nói chung là nhỏ đối với những ai đang chịu đau đớn vì mất việc làm do nhà máy của họ dời hoạt động ra nước ngoài. Các quan chức được chọn mặt gửi vàng có thể và nên làm nhiều hơn để giúp những lao động trên, song phản đối TPP không phải là cách. Những chính trị gia đổ lỗi tăng trưởng kinh tế chậm chạp cho thương mại chỉ đơn thuần là điều hướng sự chú ý ra khỏi thất bại của họ trong việc đối phó với các vấn đề lớn kìm chân doanh nghiệp.
Bắt buộc, phần đông mạnh mẽ những cử tri ủng hộ mở rộng thương mại phải đôn đốc các thành viên Quốc hội thông qua TPP trong năm nay, quy trách nhiệm về chuyện mất công ăn việc làm cho họ nếu họ không thông qua được hiệp định. Quay lưng với TPP sẽ giúp các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, có thêm lợi thế cạnh tranh, giành thương mại và việc làm. Thực tế, dù chúng ta đã nghe được nhiều từ chiến dịch tranh cử, Trung Quốc vẫn sẽ nhận món quà rất lớn từ chuyện người đóng thuế Mỹ mất việc làm, thu nhập cùng cơ hội trong nhiều năm tới. Điều đó sẽ làm yếu khả năng của Mỹ trong việc gây ảnh hưởng lên các vấn đề an ninh, chính trị quốc gia.
Mỹ luôn là nước mạnh nhất, chứ không phải là yếu đi, kể từ khi chúng ta lèo lái thay đổi toàn cầu. TPP đem đến thử nghiệm quan trọng cho câu hỏi: Liệu thời đại Mỹ dẫn đầu có thể tiếp tục hay không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.