Theo Bloomberg, giá dầu đi lên giữa lúc giới giao dịch đinh ninh rằng chính sách “bơm dầu không phanh” đã được thực hiện từ năm 2014 sẽ tiếp tục. Trong hai ngày đàm phán tại Algiers, thủ phủ Algeria, nhóm nước giàu dầu thô đồng ý sản xuất 32,5 triệu thùng/ngày, theo một đại biểu giấu tên. Ngưỡng sản xuất trên ít hơn gần 750.000 thùng/ngày so với mức trong tháng 8.
Thỏa thuận này sẽ có ảnh hưởng vượt ra ngoài vòng tròn OPEC. Nó làm sáng triển vọng của ngành công nghiệp năng lượng, là tín hiệu lạc quan cho từ các hãng lớn như Exxon Mobil đến các hãng khoan dầu đá phiến của Mỹ. Nền kinh tế của các nước giàu dầu như Nga, Ả Rập Xê Út cũng được thúc đẩy. Tuy vậy, với người tiêu dùng, đây là tin chẳng mấy vui.
“Việc cắt giảm rõ ràng là dấu hiệu tăng giá. Điều quan trọng hơn là người Ả Rập Xê Út có vẻ đang trở về với giai đoạn quản lý thị trường”, Mike Wittner, người đứng đầu nghiên cứu thị trường dầu thô tại Societe Generale ở New York (Mỹ) cho biết.
Thỏa thuận cũng báo hiệu giai đoạn mới trong quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Iran, hai cái tên đối đầu về chính sách kể từ năm 2014 và gặp căng thẳng ở Syria, Yemen. Thỏa thuận cho thấy rằng Tehran và Riyadh, với nước Nga, Algeria và Qatar làm trung gian, có thể vượt qua những khác biệt vốn từng đánh chìm thỏa thuận đặt trần cho sản lượng dầu hồi đầu năm nay.
Giá dầu Brent tăng lên khoảng 6,5%, đến mức 48,96 USD/thùng vào rạng sáng nay 29.9 ở London (Anh). Cổ phiếu hãng dầu khí đại chúng lớn nhất thế giới Exxon Mobil tăng 4,2% - mức tăng trong ngày lớn nhất từ tháng 2 qua.
OPEC là các nước bơm 40% lượng dầu thế giới. Trong cuộc họp ở Algiers, Nga có tham dự nhưng không tham gia vào thỏa thuận của OPEC. Nước này sản xuất dầu với mức kỷ lục thời hậu Xô Viết, bơm 11,1 triệu thùng/ngày trong tháng 9.
tin liên quan
Iran, Ả Rập Xê Út tăng bơm dầu trước thềm cuộc họp OPECẢ Rập Xê Út và Iran đang tăng sản xuất ngay trước cuộc họp quan trọng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), thời điểm các nước thành viên thảo luận về việc đóng băng sản lượng.
Bình luận (0)