Tiền hoàn thuế bị 'bốc hơi'

23/05/2016 06:00 GMT+7

Các doanh nghiệp 'ngã ngửa' khi biết từ 1.7 tới, nhiều trường hợp sẽ không được hoàn thuế giá trị gia tăng, đồng thời 80% tiền hoàn thuế của doanh nghiệp sẽ bị 'bốc hơi' theo quy định thuế mới.

Ngày 6.4.2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 đã thông qua luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, luật Quản lý thuế và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2016. Luật số 106 được coi là bước tiến mạnh mẽ trong tiến trình cải cách, tăng tính khả thi trong tuân thủ...
Theo đó, luật đã cắt bớt phần điều kiện được hoàn thuế. Cụ thể bỏ quy định “DN có số lũy kế thuế GTGT âm sau 12 tháng hoặc sau 4 quý thì được hoàn thuế”. So với Luật thuế GTGT 2008, đây là một bước cải tiến khi DN có thể được hoàn thuế không kèm điều kiện thời gian như trên. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định hướng dẫn luật này theo hướng, DN sẽ không được hoàn thuế với bất kỳ trường hợp nào, ngoại trừ đang trong giai đoạn đầu tư và xuất khẩu, mà số thuế âm sẽ tiếp tục mang sang các kỳ sau hoặc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Doanh nghiệp chậm nộp thuế 90 ngày trở lên cơ quan thuế đã cưỡng chế nhiều biện pháp, từ trích tiền từ tài khoản ngân hàng, kê biên tài sản, thu hồi hóa đơn... thì cơ quan thuế cũng cần phải công bằng, không thể chiếm dụng vốn của doanh nghiệp. Thiệt hại cho doanh nghiệp ai là người gánh chịu? Chưa kể, điều này còn có thể làm sứt mẻ lòng tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh
Ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty kế toán Đồng Hưng
“Bốc hơi” 80%
Theo ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty kế toán Đồng Hưng, việc hạch toán số thuế GTGT chưa khấu trừ hết vào chi phí được trừ thuế TNDN là quy định không hợp lý, vì hai sắc thuế này khác nhau. Thứ hai, luật đã bỏ điều kiện, nhưng nghị định lại thêm vào và lái sang hướng không cho hoàn thuế? Quy định cũng đẩy phần bất lợi cho DN, vì nếu đem thuế GTGT trừ với chi phí thuế TNDN, DN sẽ bị mất đến 80% tiền hoàn thuế của họ. Cụ thể, theo cách tính cũ, DN có doanh thu 100 tỉ đồng trong năm và số thuế GTGT được hoàn là 5 tỉ đồng, chi phí được trừ là 50 tỉ đồng, tính ra DN nộp 10 tỉ đồng thuế TNDN (50 tỉ nhân với 20% thuế suất). Vì có được 5 tỉ đồng hoàn thuế, nên DN chỉ phải bỏ ra thêm 5 tỉ đồng nữa là đủ số tiền nộp thuế TNDN. Còn với quy định mới, DN hạch toán số thuế GTGT 5 tỉ đồng vào chi phí được trừ (100 tỉ doanh thu trừ 50 tỉ chi phí, trừ thêm 5 tỉ thuế GTGT), tính ra họ sẽ phải bỏ ra tổng cộng 9 tỉ đồng để nộp thuế TNDN, tăng 4 tỉ đồng so với trước đây. “Như vậy, cách tính mới sẽ gây sốc nhiều DN khi 80% tiền hoàn thuế của họ sẽ bị bốc hơi”, ông Tiến nói.
Tổng giám đốc một công ty trong ngành nông nghiệp (đang bị “treo” hàng chục tỉ đồng tiền hoàn thuế) cũng cho rằng bản chất việc được hoàn thuế “tiền tươi thóc thật” khác hẳn với các hình thức khấu trừ khác. “Thực tế, những DN lớn có doanh số thuế GTGT cả trăm tỉ đồng một tháng, quy ra một năm hơn 500 triệu USD. Tiền hoàn thuế bốc hơi có thể khiến DN hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất vì không có lợi, tiền hàng thanh toán giữa các đối tác không đúng hạn, thiếu hụt dây chuyền, có thể dẫn đến vỡ nợ hàng loạt”, ông phân tích.
Không những vậy, theo luật số 106, DN có số thuế GTGT đầu vào âm liên tục 12 tháng do có hàng tồn kho, sẽ không còn được hoàn thuế GTGT như trước đây. Quy định này khiến DN như ngồi trên đống lửa. Ông Đinh Công Khương, Giám đốc Công ty thép Khương Mai, cho biết thép là một trong những ngành hàng đặc thù, từng DN tùy khả năng thường trữ hàng 2 - 3 tháng, thời gian mua hàng ở nước ngoài về mất thêm 2 tháng nữa. “Chẳng lúc nào hàng tồn kho hết được vì DN phải liên tục gối đầu. Quy định này sẽ càng làm DN khó khăn hơn, vì ngành thép "ngậm" vốn lớn, DN nào cũng đi vay NH, chi phí tài chính càng nặng nề hơn”, ông Khương lo lắng.
Không nên “vẽ đường” chiếm dụng vốn doanh nghiệp
Bà Trần Lệ Thu, đại diện Công ty TNHH Hòa Thuận, cho hay số thuế GTGT hoàn lại đến nay của công ty khoảng 39 tỉ đồng. Từ 2 tuần trước, cơ quan thuế báo tin đã có quyết định hoàn thuế, nhưng bà chờ mãi vẫn chưa thấy chuyển đến công ty. Bà đến hỏi thì được biết, từ nay mọi quyết định hoàn thuế từ Cục Thuế TP.HCM đều phải được chuyển ra Tổng cục Thuế rà soát lại. “Trước không có, nay tại sao lại đẻ thêm thủ tục phức tạp, kéo dài thời gian làm DN mệt mỏi?”, bà Thu bức xúc.
Theo giải thích của một quan chức Bộ Tài chính, thuế GTGT rất dễ bị gian lận, bị chiếm đoạt qua hoàn thuế và khấu trừ thuế. Vì vậy, việc sửa đổi luật Thuế GTGT lần này ngoài việc cải cách thủ tục hành chính, còn hướng đến mục tiêu ngăn chặn tình trạng chiếm đoạt ngân sách qua hoàn thuế. Chính vì vậy, ngành thuế đã siết lại quy định hoàn thuế. Tuy nhiên, theo ông Chung Thành Tiến, trên thực tế khi triển khai các văn bản hướng dẫn luật đã phát sinh nhiều trường hợp mà cơ quan, đơn vị khi soạn thảo đã áp đặt ý kiến chủ quan của mình vào văn bản, dẫn đến nội dung có thể sai lệch theo quy định của luật, mà phần lớn là theo chiều hướng có lợi cho phía soạn thảo. Dự thảo nghị định này sẽ gây bất lợi lớn cho hoạt động DN. “Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 15.3.2016, cơ quan thuế đã cưỡng chế thu được trên 2.900 tỉ đồng tiền nợ thuế năm 2015 chuyển sang. DN chậm nộp thuế 90 ngày trở lên cơ quan thuế đã cưỡng chế nhiều biện pháp, từ trích tiền từ tài khoản ngân hàng, kê biên tài sản, thu hồi hóa đơn… thì cơ quan thuế cũng cần phải công bằng, không thể chiếm dụng vốn của DN. Thiệt hại cho DN ai là người gánh chịu? Chưa kể, điều này còn có thể làm sứt mẻ lòng tin của DN vào môi trường kinh doanh”, ông nói.
Theo luật sư Trần Xoa, Công ty luật Minh Đăng Quang, thuế GTGT là tiền thuế DN tạm nộp trước cho nhà nước trong từng khâu trong quá trình lưu thông hàng hóa. DN phải được trả lại một phần để xoay vòng đồng vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Cơ quan thuế không nên “vẽ đường” chiếm dụng vốn DN. Nhất là trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh, không tăng phí, lệ phí, thuế, thì những quy định này có thể làm nản lòng DN.
Giảm 16.000 tỉ đồng/năm
Ngành thuế tính toán, với quy định này, số tiền hoàn thuế giảm trong một năm vào khoảng 16.000 tỉ đồng. Tính sơ bộ với mức lãi suất vay bình quân 10%/năm, DN phải trả lãi khoảng 1.600 tỉ đồng/năm và ngày thêm nặng gánh chi phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.