Ông Shvets và nhóm nhà phân tích của ông cho hay: “Trừ khi cái vòng luẩn quẩn này được phá vỡ, cuộc khủng hoảng tài chính hoặc ít nhất là đợt sụt giảm mạnh sẽ là kết quả cuối cùng không thể tránh khỏi”.
Về quan điểm, vấn đề nợ của Trung Quốc dễ hiểu, theo trang Business Insider. Để phát triển nền kinh tế, chính phủ và ngân hàng trung ương Trung Quốc phải mở tín dụng hào phóng cho tất cả loại hình doanh nghiệp. Nhiều trong số này là “doanh nghiệp nhà nước”, vốn thường lỗi thời, ít khả năng cạnh tranh hoặc được giữ vì yếu tố chính trị nhiều hơn là nhu cầu kinh tế. Các công ty “xác sống” nói trên tồn tại chủ yếu để trả nợ. Song với thời gian, một vài trong số này vỡ nợ, hoặc không có khả năng trả hoàn toàn khoản đã vay.
Cho đến gần đây, câu chuyện trên mới là vấn đề vì kinh tế Trung Quốc từng phát triển mạnh mẽ đến mức làm lu mờ tỷ lệ nợ xấu. Nền kinh tế phát triển tỷ lệ thuận với nợ, lên đến gần 35.000 tỉ USD hay tương đương gần 350% GDP.
Nếu có quá nhiều doanh nghiệp không trả được nợ, các ngân hàng tư nhân sẽ ngại cho vay thêm. Khi điều này xảy ra, Trung Quốc có thể rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính vì cạn kiệt thanh khoản. Quy mô của các khoản nợ có nguy cơ cũng rất lớn. Thêm vào đó, vì kinh tế Trung Quốc là động lực lớn cho kinh tế toàn cầu, một cuộc khủng hoảng có thể lây lan đến các thị trường trên thế giới.
Dù trường hợp trên chưa xảy ra, song ông Shvets cho biết Trung Quốc phải sớm thoát khỏi vòng tròn nợ luẩn quẩn. Tỷ lệ nợ xấu Đại lục lên đến 20%, tương đương khoảng 1.000 tỉ USD.
Ông Shvets viết: “Việc gia tăng nợ chủ yếu xảy ra trong khu vực doanh nghiệp và phần lớn trong số đó là ở các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh. Theo báo cáo Ổn định Tài chính mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 590 trên tổng số 2.871 doanh nghiệp phi tài chính được khảo sát đang có nguy cơ. Quy mô của các doanh nghiệp nhà nước nhỏ và chưa lên sàn khiến IMF kết luận rằng khoản vay có nguy cơ trên bảng cân đối của các ngân hàng thương mại Trung Quốc có thể vượt qua 1.300 tỉ USD”.
Ông Shvets cho biết thêm hiện Đại lục không thể tìm ra cách giải quyết vấn đề như họ đã từng hồi thập niên 1980, 1990, vì kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại và dân số thì già đi. Có quá ít nhân công mới trong nền kinh tế có thể tạo ra đủ giá trị để phát triển GDP nhằm trang trải các khoản nợ.
Nếu Trung Quốc không giải thoát chính họ khỏi chiến lược đầu tư lấy nợ làm nhiên liệu, nước này sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tín dụng trong nước hay rơi vào thập niên mất mát theo kiểu Nhật Bản, với tăng trưởng sụt giảm nhanh chóng. Kinh tế Nhật Bản vào cuối những năm 1980 từng trông rất ổn, chỉ trước khi họ sụp đổ không lâu.
Bình luận (0)