Xuất khẩu Trung Quốc hưởng lợi nhờ chính sách của ông Donald Trump

10/12/2016 20:56 GMT+7

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề thương mại, song chương trình nghị sự kinh tế của ông có thể đem lại thất vọng vì nó giúp tăng giá USD.

Đồng USD mạnh hơn, tăng giá nhờ đồn đoán về kế hoạch tăng chi tiêu tài khóa và cơ sở hạ tầng của ông Donald Trump đã và đang giúp ích cho xuất khẩu Trung Quốc đến Mỹ. Số lô hàng cập cảng Mỹ tăng 8,1% trong tháng 11 so với cách đây một năm, kết thúc bảy tháng giảm liên tiếp.
Các mục tiêu chính sách của ông Trump đang thúc đẩy dự báo cho rằng lãi suất Mỹ và USD sẽ đi lên nhanh hơn, gây sức ép nhiều hơn cho nhân dân tệ và tăng cường khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Đại lục. Các lô hàng chuyển ra nước ngoài mạnh hơn cũng sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế lớn nhất châu Á dễ dàng xoay sở với kích thích kinh tế trong nước, vốn hạ nhập khẩu và tăng thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Đây là yếu tố mà Tổng thống Mỹ đắc cử thường nhắm đến.
“Chính sách kinh tế của ông Trump dường như có thể chỉ gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Nếu USD chỉ đơn giản là duy trì sức mạnh của nó, việc này sẽ dẫn đến thâm hụt thương mại gia tăng và các nhà xuất khẩu Đại lục sẽ là bên hưởng lợi lớn”, Andrew Polk, nhà nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại hãng tư vấn Medley Global Advisors cho biết.
Tổng số lô hàng giao ra nước ngoài của Trung Quốc, vốn giảm 19 trong 23 tháng qua, tăng 0,1% tháng 11 so với một năm trước vì nhân dân tệ yếu hơn kích thích khách mua ngoại. Nội tệ Đại lục giảm giá 10% so với USD kể từ khi được phá giá vào tháng 8.2015.
Kịch bản cơ bản có thể xảy ra là xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng trong năm sau vì nhân dân tệ suy yếu và nhu cầu Mỹ mạnh hơn, chuyên gia về kinh tế châu Á Tom Orlik thuộc Bloomberg Intelligence nhận định. Tính bằng USD, ông Orlik ước tính kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc tăng 5% trong năm 2017, đảo ngược mức giảm 7% trong năm nay.
Cùng lúc, chi tiêu mà Trung Quốc dùng để củng cố kinh tế phát triển trong năm nay đã và đang giúp họ bán được hàng hóa ở nước ngoài. Nhập khẩu tăng 6,7% tháng trước và đây là mức tăng cao nhất trong hai năm. Lý do là vì nhu cầu nguyên liệu thô từ đồng cho đến quặng sắt đều mạnh. Điều này để thặng dư thương mại với Mỹ ở mức 23,2 tỉ USD và thặng dư thương mại nhìn chung ở mức 44,6 tỉ USD.
Hiện tại giới hoạch định chính sách Đại lục đang dần rời bàn đạp kích thích kinh tế để cố kiềm chế giá nhà đất tại các thành phố lớn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng thắt chặt thanh khoản một cách chọn lọc để hạn chế rủi ro tài chính sau khi nợ tăng vọt đến gần 250% GDP.
Tiềm năng mạnh lên cho xuất khẩu Trung Quốc vì nhập khẩu yếu đi có thể đẩy ông Trump vào thế khó hơn khi ứng xử với quốc gia châu Á trong năm 2017. Nhà kinh tế về châu Á - Thái Bình Dương Alicia Garcia Herrero thuộc hãng Natixis ở Hồng Kông cho biết: “Tăng chi cơ sở hạ tầng và tăng trưởng mạnh hơn sẽ đẩy cao thâm hụt tài khoản vãng lai Mỹ, không chỉ với Trung Quốc. Trục trặc thương mại sẽ gia tăng nhiều nơi”.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể là yếu tố khác thêm lửa cho sức mạnh USD. Giới đầu tư hiện đánh giá có 100% khả năng giới hoạch định chính sách Mỹ tăng lãi suất chuẩn trong cuộc họp diễn ra vào ngày 13 và 14.12 sắp tới.
Chuyên gia David Dollar ở Viện Brookings, Washington (Mỹ) cho hay: “Kế hoạch giảm thuế của ông Trump có thể tăng giá USD và tăng thâm hụt ngân sách, thương mại. Một số lợi ích từ chương trình kích thích kinh tế của ông sẽ tràn qua Trung Quốc, có thể thổi bùng căng thẳng thương mại”.

tin liên quan

Trung Quốc sẽ thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Chiến thắng của ông Donald Trump dường như là thiệt hại cho Trung Quốc. Song liệu thực tế có phải thế? Bài viết của nhà báo hãng tin Bloomberg Michael Schuman sống ở Bắc Kinh (Trung Quốc) sẽ gợi ý câu trả lời giúp bạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.