Kịp thời phát hiện cứu bé 5 tuổi bị đột quỵ não do bệnh Moyamoya

Duy Tính
Duy Tính
23/03/2021 12:40 GMT+7

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM tiếp nhận nhiều trẻ được gia đình đưa vào viện trong nhiều tình huống khác nhau có liên quan đến đột quỵ: từ tê, yếu tay chân cho đến hôn mê sâu.

Sáng 23.3, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thông tin về việc cứu sống một bệnh nhi bị đột quỵ não. Đó là bệnh nhi N.T.T.N (nữ, 5 tuổi, ngụ Đắk Nông).
Chị T., mẹ bệnh nhi cho biết, cách đây 1 năm, bé đang đi học thì khóc, chân và nửa người bên phải bị yếu, cô giáo phát hiện gọi cho gia đình nhưng sau đó tình trạng này của bé hết.
Sau đó bé tái diễn tình tình trạng như vậy 1 - 2 lần nữa nên gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khám và phát hiện hiện bé bị mắc bệnh Moyamoya, hẹp, dị dạng mạch máu não 2 bên, một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Bệnh nhi đã được mổ bắt cầu mạch máu. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định.
Theo bác sĩ, Moyamoya là bệnh lý gây ra bởi tình trạng viêm vô căn gây tắc dần hệ động mạch cảnh trong (động mạch chính cấp máu nuôi não). Theo thời gian, não bệnh nhân sẽ bị tổn hại do quá trình thiếu máu, cuối cùng dẫn đến tử vong. May mắn, bệnh có thể được điều trị bằng vi phẫu.
Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau, trong đó có: nối bắt cầu mạch máu trong và ngoài não. Bệnh nhân sẽ được xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh lý gây tăng đông máu, chụp cộng hưởng từ (MRI) não, chụp mạch máu não xóa nền (DSA). Nếu đã được chẩn đoán xác định, bệnh nhân sẽ được lên kế hoạch phẫu thuật. Trước thời điểm phẫu thuật, bệnh nhân sẽ uống các loại thuốc chống huyết khối. Quá trình phẫu thuật đòi hỏi đội ngũ gây mê chuyên sâu, theo dõi liên tục và sát sao lượng máu tưới lên não. Phẫu thuật được thực hiện dưới kính hiển vi để phóng to, giúp khâu nối những mạch máu siêu nhỏ.
Bác sĩ khuyến cáo, khi nhận thấy các dấy hiệu sau thì cần nghĩ đến trẻ có thể bị đột quỵ não: Đau đầu kéo dài, tái phát nhiều lần; động kinh nhưng không liên quan sốt; yếu, tê hoặc dị cảm ở mặt, tay hoặc chân; rối loạn thị giác; khó nói hoặc chậm hiểu hơn thông thường; xuất hiện những vận động không chủ ý; suy giảm nhận thức.
Theo bác sĩ, mọi người thường quan niệm rằng, đột quỵ hay tai biến mạch máu não là bệnh chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, rất ít khi gặp ở trẻ con, đó là quan niệm sai lầm và vô cùng tai hại. Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ được gia đình đưa vào bệnh viện trong nhiều tình huống khác nhau có liên quan đến đột quỵ: từ tê, yếu tay chân cho đến hôn mê sâu. Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em như: bất thường mạch máu não bẩm sinh, hậu quả tình trạng nhiễm trùng hoặc do bệnh tự miễn… Phần lớn trong số này, nếu được chẩn đoán sớm, đúng và xử trí kịp thời sẽ đem lại kết quả tốt, hạn chế nhiều di chứng về sau. Một trong số đó là bệnh Moyamoya. Tỷ lệ trẻ mắc bệnh Moyamoya gây đột quỵ thường gặp là 9/1000.000 trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.