Có cầu nhưng phải lội suối
Cây cầu treo nối thôn 5 (xã Kon Đào, H.Đăk Tô) với khu sản xuất bên kia suối Đăk Rnghe hư hỏng từ vài năm trước. Cầu chưa được sửa nên khi đi canh tác, sản xuất, người dân thôn 5 phải lội suối.
Có 2 ha đất ở khu sản xuất bên kia suối, bà Y Mới (58 tuổi, ở thôn 5) hằng ngày phải lội suối đi làm. "Lội qua suối nguy hiểm lắm nhưng không biết đi đường nào. Nếu trời mưa to, nước lên cao, không ai dám lội qua. Mùa thu hái, bà con phải cõng gùi mì, cà phê lội suối đem về nhà", bà Y Mới kể.
Ghi nhận của PV ngày 31.5, cây cầu treo ở thôn 5 dài hơn 40 m, dây cáp, dây thép lan can đã gỉ sét. Mặt cầu ở một số đoạn bị bong tróc, trơ lại khung gỗ.
Cây cầu hư hỏng, người dân thôn 5 phải lội suối đi làm
ĐỨC NHẬT
Cầu treo đi qua khu sản xuất tại làng Đăk Lung (xã Kon Đào) cũng xuống cấp nghiêm trọng. Trụ cầu bằng gỗ đã mục nát, nối hai bên thành cầu là hai sợi dây sắt bị gỉ. Mặt cầu chắp vá bằng những thân gỗ, tre tạm bợ. Cầu chỉ dành cho người đi bộ, còn xe máy phải lội nước.
Cầu treo bắc qua suối Đăk Sing nối liền con đường duy nhất đến khu sản xuất gần 50 ha của 40 hộ dân ở thôn Đăk Lung. Vào mùa mưa, khi nước dâng cao không thể chạy xe qua suối, người dân phải liều mình đi qua cầu để canh tác, thu hoạch.
Cầu treo đi qua khu sản xuất ở Đăk Lung xuống cấp nghiêm trọng
ĐỨC NHẬT
Theo ông Nguyễn Thành Triệu, Phó chủ tịch UBND xã Kon Đào, trên địa bàn có 3 cầu treo dân sinh đều đã xuống cấp. Các cây cầu này phục vụ cho khoảng 100 hộ dân canh tác trên 200 ha cà phê, cao su, rừng, lúa.
"Trong các buổi tiếp xúc với HĐND tỉnh, cử tri thôn Đăk Lung đã có ý kiến. Sau đó, UBND H.Đăk Tô cử đoàn công tác xác minh, tuy nhiên do kinh phí chưa bố trí được nên chưa thể xây cầu", ông Triệu cho hay.
"Cầu năm một"
Tại thôn Đăk Tăng (xã Ngọc Tụ, H.Đăk Tô), cây cầu tre tạm bắc ngang suối Đăk Rơ Nga cũng là lối duy nhất để người dân đến khu sản xuất rộng hơn 70 ha.
Cầu dựng tạm bằng tre, dài hơn 30 m. Người dân dùng dây thép, dây vải để gắn những thân tre lại với nhau. Cầu tạm nên năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão, lại bị cuốn trôi.
Ông A Giáo (67 tuổi, ở thôn Đăk Tăng) cho biết, mỗi ngày đều phải qua bên kia suối để tới vườn cà phê. Cầu tạm chỉ có người đi bộ, xe máy đi được, mà cũng chỉ phục vụ trong mùa nắng. Đến mùa mưa, nước lũ dâng cao cuốn trôi cây cầu, dân làng phải góp tiền làm cầu mới.
Trụ cầu và thành cầu được buộc lại với nhau bằng dây thép hoen gỉ, thậm chí là dây vải
ĐỨC NHẬT
"Cầu ở đây là cầu năm một. Cứ qua mùa mưa thì lại phải làm cầu khác. Trong làng có 50 hộ, mỗi hộ góp khoảng 200.000 đồng để mua vật liệu, tre nứa làm lại cầu. Chúng tôi mong muốn có cầu nhỏ kiên cố để người dân đi lại mùa mưa đỡ vất vả", ông A Giáo cho hay.
Cây cầu tạm làm bằng tre, gỗ chỉ có thể phục vụ đi lại trong mùa khô
ĐỨC NHẬT
Ông Nguyễn Thành Luân, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Tụ cho biết, trên địa bàn có hai cây cầu bị hư hỏng, xuống cấp. Đầu tháng 5 vừa qua, trận mưa đầu mùa khiến một cây gỗ lớn ngã đổ đè, gây hư hỏng cầu treo thôn Kon Pring. Cây cầu này phục vụ việc đi lại, canh tác ở khu sản xuất rộng 140 ha của 114 hộ dân thôn Kon Pring.
Cầu bắc qua suối Đăk Rơ Nga tại thôn Đăk Tăng cũng chỉ là cầu tạm. Mùa mưa lũ, cây cầu này thường xuyên bị nước cuốn trôi. Không có cầu, bà con phải đi đường vòng dài hơn 5 km. Người dân nhiều lần kiến nghị nhưng địa phương không đủ kinh phí để xây dựng cầu.
H.Đăk Tô đang rà soát lại số lượng cầu treo, cầu dân sinh hư hỏng để lên phương án sửa chữa, nâng cấp
ĐỨC NHẬT
Ông Nguyễn Công Nhật, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng H.Đăk Tô cho biết, địa phương đang yêu cầu các xã thống kê, rà soát những cây cầu dân sinh xuống cấp, hư hỏng. Từ đó lên phương án sửa chữa, nâng cấp nhằm phục vụ việc đi lại, đảm bảo an toàn cho người dân khi mùa mưa bão đang đến.
Bình luận (0)