Ngày 15.10, ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND H.Đăk Hà (Kon Tum) xác nhận trên địa bàn vừa có 2 giáo viên bị lừa đảo qua mạng. Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.
Bị lừa vì tham gia bình chọn ca sĩ
Theo đơn trình báo của bà H.T.T.S (giáo viên Trường THPT Trần Quốc Tuấn), khi bà tìm việc làm thêm trên mạng xã hội thì biết đến một trang bình chọn ca sĩ.
Ngày 9.10, bà S. tham gia đăng ký vào trang này. Nhiệm vụ bà S. phải thực hiện là nộp tiền vào ứng dụng để đổi điểm bình chọn cho ca sĩ. Sau mỗi lần bình chọn, bà S. sẽ nhận lại số tiền hoa hồng theo quy định.
Ban đầu, bà S. nộp 300.000 đồng, sau đó số tiền bình chọn lớn dần, lên đến 100 triệu đồng.
Sau khi nộp 100 triệu đồng, nhưng không nhận được tiền hoa hồng, bà S. liền liên hệ với kẻ lừa đảo yêu cầu trả lại tiền. Kẻ lừa đảo yêu cầu bà S. phải nộp hơn 220 triệu đồng thì mới trả lại số tiền đã nộp. Qua trao đổi, kẻ lừa đảo nói sẽ cho mượn 50 triệu đồng, còn bà S. phải nộp hơn 170 triệu đồng.
Vì không có tiền, bà S. phải vay để nộp 170 triệu đồng vào tài khoản trên với mong muốn lấy lại tiền đã nộp trước đó. Tuy nhiên, sau khi bà S. nộp xong, nhóm lừa đảo cho biết bà S. nộp sai với tên đăng ký ban đầu nên cần nộp thêm hơn 275 triệu đồng để được thanh toán lại 800 triệu đồng.
Đến lúc này bà S. mới nhận ra mình bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo về sự việc.
Qua điều tra ban đầu, chỉ trong ngày 9.10, bà S. 7 lần nộp tiền vào tài khoản của nhóm lừa đảo tổng cộng gần 320 triệu đồng. Bà S. được 5 lần nhận lại hoa hồng, trong đó thấp nhất 50.000 đồng, cao nhất 2,355 triệu đồng.
Mạo danh công an lừa đảo tiền tỉ
Ngoài bà H.T.T.S, một giáo viên khác ở Đăk Hà cũng đã đến cơ quan công an trình báo về việc bị lừa đảo qua mạng 1,1 tỉ đồng.
Cụ thể, ngày 5.10, một người gọi cho ông L.V.L (50 tuổi, giáo viên Trường THCS thị trấn Đăk Hà) và tự xưng là Nguyễn Văn Tài, trung úy công an tỉnh Kon Tum.
Sau khi xác minh số CCCD của ông L., Tài nói có người đánh cắp thông tin trên để mở tài khoản ngân hàng, buôn bán ma túy bất hợp pháp tại Hà Nội. Tài cho biết cơ quan công an đã thu giữ được rất nhiều heroin và tài khoản ngân hàng 20 tỉ đồng.
Khi ông L. đề nghị sẽ đến làm việc với công an huyện thì Tài cho hay đây là chuyên án của "Bộ Công an" không giao cho địa phương. Do đó, Tài nối điện thoại với người mạo danh ở "Bộ Công an" và đề nghị ông L. khai báo.
Sau đó, người tự xưng đang công tác ở "Bộ Công an", xác minh thông tin thân nhân như nghề nghiệp, tên tuổi của vợ, con, nơi làm việc, diện tích cà phê, thu nhập của gia đình ông L.
Nhóm người này cho ông L. biết nếu muốn minh oan thì nộp ít nhất 1 tỉ đồng vào tài khoản và sẽ được trả lại sau 3 ngày. Nếu số tiền này ông L. đi vay, thì "Bộ Công an" hỗ trợ trả lãi. Nếu không có tiền nộp, ông L. sẽ bị bắt, báo Sở GD-ĐT đình chỉ công việc, niêm phong tài sản...
Để không ảnh hưởng đến người thân trong gia đình cũng như được minh oan, ông L. đã vay mượn 1,1 tỉ đồng gửi vào tài khoản của nhóm lừa đảo. Khi vợ ông L. biết chuyện đã khuyên ông L. đến cơ quan công an để trình báo sự việc.
Theo thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kon Tum, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 50 trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tổng số tiền thiệt hại hơn 26 tỉ đồng. Nguyên nhân dẫn đến bị lừa đảo là do ý thức cảnh giác của người dân chưa cao.
Bình luận (0)