Ngày 6.11, UBND tỉnh Kon Tum cho biết đã ra văn bản yêu cầu giải quyết dứt điểm việc các thủy điện chậm đền bù cho người dân.
Người dân bị ảnh hưởng bởi việc xây thủy điện nhưng chủ đầu tư thủy điện chậm đền bù cho dân |
ĐỨC NHẬT |
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Công thương rà soát, chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi xây dựng thủy điện.
Trước mắt yêu cầu nhà đầu tư thủy điện Đắk Psi 2 hỗ trợ cho dân bị ảnh hưởng theo đúng cam kết.
Ngoài ra, UBND tỉnh Kon Tum cũng giao Sở Công thương tỉnh này phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát và chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Trước mắt, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Công thương yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương hỗ trợ kinh phí cho người dân ở xã Tê Xăng, H.Tu Mơ Rông bị ảnh hưởng do xây dựng thủy điện Đắk Psi 2 theo đúng cam kết.
Sở Công thương Kon Tum cho biết, hiện đơn vị đang giao phòng chuyên môn phối hợp các huyện để rà soát, xem còn vướng mắc ở dự án nào thì sẽ xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Người dân gặp khó khăn khi chủ đầu tư không thực hiện lời hứa
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, dự án thủy điện Đăk Psi 2 được xây dựng tại xã Tê Xăng, có công suất 3,4 MW với tổng mức đầu tư 131 tỉ đồng. Dự án được xây dựng từ tháng 6.2019, dự kiến hoàn thành, bắt đầu sản xuất, kinh doanh cung cấp dịch vụ từ quý 3 năm 2023.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, thủy điện Đăk Psi 2 còn nợ tiền đền bù, hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ ngừng sản xuất của 36 hộ dân xã Tê Xăng với tổng số tiền hơn 1,4 tỉ đồng.
Theo UBND xã Tê Xăng, việc nợ tiền đền bù ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con. Đến nay người dân vẫn phải sống trong cảnh khó khăn khi chủ đầu tư không thực hiện lời hứa như ban đầu.
Ngoài ra còn nhiều thủy điện khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng chậm đền bù cho dân. Trong đó thủy điện Đắk Psi 5, thủy điện Đắk Psi bậc 1 và Đắk Psi bậc 2 được xác định đã gây ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu của người dân xã Đắk Psi, H.Đắk Hà, vào năm 2020.
Sở Công thương tỉnh Kon Tum đã nhiều lần yêu cầu các chủ đầu tư thủy điện đền bù; và ra văn bản nếu các chủ đầu tư không phối hợp bồi thường, đơn vị này sẽ đề nghị xem xét thu hồi giấy phép hoạt động của nhà máy thủy điện.
Tuy nhiên, đến nay việc đền bù cho người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Bình luận (0)