KTNN kiến nghị xử lý hàng trăm tỉ đồng chương trình nông thôn mới 13 tỉnh, thành

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/09/2023 08:31 GMT+7

Qua kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại Bộ NN-PTNT và 13 địa phương, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 145,728 tỉ đồng.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình) giai đoạn 2021 - 2025 tại Bộ NN-PTNT và 13 địa phương trên cả nước.

13 địa phương được kiểm toán gồm: Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Phước, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Kết quả kiểm toán cho thấy còn nhiều bất cập, thiếu sót trong quản lý sử dụng nguồn vốn đầu tư cho chương trình cần được chấn chỉnh.

KTNN kiến nghị xử lý hàng trăm tỉ đồng chương trình nông thôn mới 13 tỉnh, thành - Ảnh 1.

Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới 2025 có tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước 196.332 tỉ đồng

CHINHPHU.VN

KTNN chỉ rõ, Bộ NN-PTNT chưa lập kế hoạch Chương trình giai đoạn 5 năm gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính làm cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ giao kinh phí sự nghiệp giai đoạn 5 năm trong cơ cấu vốn ngân sách T.Ư cho các cơ quan chủ quản Chương trình.

Đến nay, Bộ NN-PTNT chưa nhận được dự toán chi cũng như số liệu quyết toán dự toán ngân sách được giao cho chương trình mục tiêu quốc gia của các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương.

Theo KTNN, tồn tại này đã làm ảnh hưởng đến việc theo dõi, tổng hợp số liệu dự toán giao cho các cấp ngân sách và công tác quyết toán phần dự toán ngân sách nhà nước giao cho các chủ Chương trình. 

Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc cơ quan chủ trì Chương trình (là Bộ NN-PTNT) không có đủ cơ sở thực hiện lập báo cáo tổng hợp tình hình kinh phí, quyết toán kinh phí của Chương trình để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội theo quy định.

Tại 13 địa phương được kiểm toán, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chưa đạt so với chỉ tiêu, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Qua kết quả kiểm toán còn cho thấy, nguồn vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho Chương trình nhưng đã hết nhiệm vụ chi chưa được các địa phương rà soát, nộp trả ngân sách cấp trên theo quy định.

Cũng theo KTNN, các dự án đầu tư tại các địa phương được kiểm toán cho thấy, còn một số tồn tại trong việc xác định tổng mức đầu tư dự án; công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán còn sai sót về khối lượng, chưa phù hợp với các quy định làm tăng giá trị dự toán đã được phê duyệt là 15,1 tỉ đồng.

Cạnh đó, công tác quản lý, thực hiện nghiệm thu, thanh toán tại nhiều dự án vẫn có sai sót về xác định khối lượng, đơn giá, kết quả kiểm toán kiến nghị giảm 10,46 tỉ đồng.

Kiến nghị xử lý tài chính hơn 145 tỉ đồng

Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 145,728 tỉ đồng. Trong đó, thu hồi nộp ngân sách các khoản chi sai quy định 46,3 triệu đồng; thu hồi kinh phí thừa 36,724 tỉ đồng; giảm thanh toán 6,597 tỉ đồng; bố trí vốn ngân sách địa phương hoàn trả cho chương trình 102,360 tỉ đồng.

KTNN cũng kiến nghị xử lý khác 307,259 tỉ đồng. Trong đó, chủ yếu là điều chỉnh không tổng hợp vào quyết toán kinh phí của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 298,932 tỉ đồng.

Với 13 tỉnh được kiểm toán, KTNN kiến nghị phải chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình HĐND tỉnh, thành phố ban hành cơ chế lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình theo quy định hiện hành giai đoạn 2021 - 2025.

Cạnh đó, kiểm tra, rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu các nguồn vốn đã đầu tư cho Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 (năm 2021, 2022) của địa phương.

KTNN cũng kiến nghị tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án trong Chương trình đảm bảo bố trí vốn thực hiện đầu tư đúng nội dung, đối tượng và bố trí nguồn vốn phù hợp với quy định Chương trình giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với Bộ NN-PTNT, KTNN kiến nghị cần phối hợp với các bộ, ngành chủ trì các nội dung thành phần của Chương trình xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình, thống nhất chỉ tiêu phấn đấu, nhiệm vụ cụ thể hàng năm dự kiến giao cho từng bộ, cơ quan T.Ư và các địa phương thực hiện.

Phối hợp với các địa phương thực hiện Chương trình rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu các nguồn vốn đã đầu tư cho Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 (năm 2021, 2022) của tỉnh, thành phố đảm bảo tính chính xác, có căn cứ để đánh giá, tổng hợp số liệu cho công tác quyết toán kinh phí của Chương trình.

Theo Nghị quyết 25 năm 2021 của Quốc hội, Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tổng kinh phí là 196.332 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách T.Ư là 39.632 tỉ đồng; vốn ngân sách địa phương là 156.700 tỉ đồng.

Nghị quyết cũng yêu cầu, trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách T.Ư để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.