Dù súng đạn ngự trị ngay trước nhà người dân song không ít chính khách lại xem đó là một nhân tố để vận động hành lang chính trị. Các nhóm lợi ích thì khỏi phải nói, càng gia tăng cơ hội tiêu thụ vũ khí.
Sự bất lực của Obama
Đến nay, sau nhiều vụ xả súng kinh hoàng, vẫn không một sắc luật nào nối tiếp cho đạo luật cấm buôn bán 19 loại súng tấn công được Tổng thống Bill Clinton ký vào năm 1994.
Khi đó, đạo luật này cũng vấp phải phản ứng gay gắt của đảng Cộng hòa và Hiệp hội Súng quốc gia (National Riffle Association of America - NRA).
|
NRA vốn là một tổ chức có xuất phát điểm ôn hòa do thợ săn và những người thích súng lập ra vào năm 1871. Nhưng cũng như nhiều tổ chức phi chính phủ khác, NRA lại có vai trò lớn lao trong lịch sử đương đại của Mỹ với xu hướng chính trị hóa. Với 4,3 triệu hội viên và được coi là đoàn thể có thế lực nhất ở nước này, tổ chức của súng đạn đó đã chi đến 10 triệu USD cho cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008. Theo thống kê của tờ The Washington Post, trong lần bầu cử quốc hội Mỹ vào năm 2012, 4/5 ứng viên do NRA ủng hộ đều trúng cử.
Thực ra, ông Barack Obama đáng được ghi nhận là một trong số hiếm hoi các tổng thống Mỹ dám đặt ra yêu cầu hạn chế sở hữu vũ khí trong dân chúng. Tuy vậy, những cố gắng của ông gặp nhiều thách thức khổng lồ. Thậm chí, giới chính trị Mỹ còn bình luận rằng bất cứ một chính khách nào dám mon men đến vấn đề kiểm soát súng đạn đều sẽ “tự sát chính trị”. Do đó, không quá khó hiểu khi chính Obama cũng chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu nào để loại súng đạn khỏi đầu óc người dân Mỹ. “Quan điểm của tổng thống là chúng ta có thể tiến hành các biện pháp nhất định để cách ly súng đạn khỏi tay những kẻ không nên có súng dưới các điều luật hiện hành”, người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney nói.
Cơ hội kinh doanh và bi kịch Mỹ
Bất chấp vô vàn khuyến cáo về sự phản tác dụng của việc sở hữu vũ khí, tỷ lệ người Mỹ phản đối lệnh cấm súng vẫn tăng từ 20% năm 1990 lên đến 54% năm 2010. Và cũng thật trớ trêu, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất súng đạn ở nước này lại tăng lên đều đặn bất chấp bối cảnh kinh tế suy thoái trầm trọng. Số liệu của FBI cho biết trong năm 2012, tổng lượng súng các loại bán ra lên tới 19,6 triệu khẩu, tăng đến 19% so với năm trước đó.
Cơ hội luôn nằm trong bất cứ hoàn cảnh suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế nào và còn tỷ lệ thuận với mức độ mất ổn định của xã hội. Trong bối cảnh lượng đơn đặt hàng trong nhiều lĩnh vực ở Mỹ luôn rơi vào cảnh bất ổn, ngành sản xuất súng đạn vẫn gia tăng bền vững. Theo Hiệp hội Thể thao bắn súng quốc gia Mỹ, doanh số súng đạn bán ra hằng năm ở thị trường nội địa đạt khoảng 4 tỉ USD. Hoạt động kinh doanh ngày càng nhộn nhịp giúp cổ phiếu của các công ty chế tạo súng đạn như Smith & Wesson Holding Corp và Stump Ruger & Co Inc. trở thành một trong những loại cổ phiếu thu hút nhất trên thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, các bệnh viện ở Mỹ lại tiếp nhận đến 100.000 ca thương vong mỗi năm do súng gây ra, trong đó có đến 30% thiệt mạng. Con số này bằng 30% tổng số lính Mỹ chết trong 2 cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên và Việt Nam. Chưa kể, khủng hoảng kinh tế đang dẫn đến bất ổn xã hội và gây lo ngại về nguy cơ súng đạn sẽ xuống đường theo chân người biểu tình.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua tiếp tục trao quyền lực cho đảng Dân chủ, vốn có truyền thống hạn chế súng đạn. Chỉ có điều, may mắn không phải lúc nào cũng tồn tại. Còn nhớ vào thời kỳ của Tổng thống George W.Bush, lệnh cấm 19 loại súng của Bill Clinton đã bị hủy bỏ, dành đất sống cho các nhóm lợi ích và nhóm quyền lực về sản xuất và xuất khẩu súng đạn. Vì thế, không có gì bảo đảm là sau 4 năm cuối cùng của Tổng thống Obama, tình hình hạn chế súng sẽ được cải thiện, nhất là khi đảng Cộng hòa sẽ có cơ hội trở lại Nhà Trắng.
Một số chuyên gia Mỹ đã thẳng thừng kết luận: văn hóa bạo lực, văn hóa súng và văn hóa chủ nghĩa cá nhân đã trở thành các bộ phận trong nền văn hóa đa nguyên ở nước này. Mà cái gì đã trở thành văn hóa thì rất bền vững, khó thay đổi. Bởi thế, có thể thấy còn lâu nước Mỹ mới kiểm soát súng một cách nghiêm nhặt. Đây là bi kịch của nền chính trị và văn hóa Mỹ.
Trẻ 7 tuổi mang súng đến trường Theo Reuters hôm qua, cảnh sát thành phố New York đang điều tra vụ một học sinh lớp 2 mang theo súng ngắn và đạn trong ba lô đến Trường tiểu học Wave Preparatory ở khu Queens. Cậu bé này còn đưa súng cho bạn cầm chơi. Sau khi phát hiện, nhà trường lập tức báo cảnh sát và không có sự cố nào xảy ra. Vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh dư luận Mỹ đang rất nhạy cảm về súng ống sau hàng loạt vụ thảm sát vừa qua cũng như những tranh cãi gay gắt về dự thảo các biện pháp kiểm soát vũ khí do Tổng thống Barack Obama công bố hôm 16.1. Lê Loan |
Viết Lê Quân
>> Súng đạn thách thức lịch sử của Mỹ
>> New York kiểm soát súng đạn
>> Súng đạn ở nước Mỹ
>> Tạm giữ nghi can tàng trữ súng, đạn, ma túy
>> Tàu chở hàng tàng trữ súng, đạn, rượu ngoại trái phép
>> 2 vụ tàng trữ súng, đạn
Bình luận (0)