Việc nâng cấp quy mô cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã phát sinh gần 188 ha, với trên 1.100 hộ dân của nhiều huyện, thị nằm dọc tuyến cao tốc bị ảnh hưởng, đặt ra “bài toán khó” cho tỉnh này về việc giải phóng mặt bằng (GPMB).
Trước tình thế đó, ngày 14.7, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã chính thức phát động chiến dịch 30 ngày đêm hoàn thành GPMB tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Chiến dịch 30 ngày đêm…
Trong số các địa phương có đường cao tốc đi qua, Đầm Hà là địa bàn có số hộ dân bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 300 hộ. Thế nhưng bằng cách tuyên truyền hiệu quả để tập hợp sức dân theo phương châm “khi việc khó có sức dân”, hàng trăm hộ dân đã đồng thuận bàn giao, nhà đất.
Dẫn chúng tôi đến khu tái định cư thôn Đồng Tâm (xã Dực Yên, H.Đầm Hà), ông Nguyễn Hồng Hải, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Dực Yên giới thiệu về 12 ngôi nhà mái ngói đỏ tươi nằm ngay mặt đường. Đây là các hộ có diện tích nhà trong diện giải phóng mặt bằng để thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Từ số tiền đền bù, các hộ đã xây nhà mới khang trang, ổn định cuộc sống.
Ông Hải cho biết, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi qua địa bàn với 5,6 km, xã đã tiến hành thu hồi 16,57 ha đất ở, đất trồng rừng, trồng cây ăn quả và đất nuôi trồng thủy sản của 177 hộ dân để bàn giao cho đơn vị thi công. Đáng chú ý trong số này có nhiều hộ dân tự nguyện giao nhà đất, thậm chí ngay cả khi công trình còn đang xây dựng dang dở.
Điển hình như ông Trần Văn Thành (xã Dực Yên, Đầm Hà) khi có toàn bộ diện tích đất cùng 2 ngôi nhà, trong đó 1 ngôi nhà vừa xây mới chưa kịp ở phải giải tỏa nhưng ông đã chủ động, tự nguyện bàn giao đất, tạo điều kiện cho đơn vị thi công.
Giống như ông Thành, gia đình ông Phạm Văn Vinh (thôn Tân Hà, xã Tân Bình, H.Đầm Hà) dù có tới có hơn 6.000 m2 đất trồng rừng nằm trong diện phải giải tỏa nhưng được chính quyền vận động, ông đã tự bàn giao cho địa phương trước khi có quyết định phê duyệt phương án bồi thường.
|
Chia sẻ về cách làm tại địa phương, ông Phạm Xuân Đài, Bí thư H.Hải Hà, cho biết địa phương cũng có gần 300 hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án, với hơn 26 ha đất thu hồi. Khi Tỉnh ủy phát động chiến dịch 30 ngày đêm, Hải Hà đã lập kế hoạch và chia làm 3 giai đoạn.
“Chúng tôi thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức cuốn chiếu. Theo đó, chính quyền kiểm đếm đến đâu là sẽ có mặt bằng đến đó để đảm bảo tiến độ và quyền lợi cho người dân. Nhưng hơn hết là sự đồng thuận của người dân và mong sớm có được tuyến cao tốc trong thời gian tới”, ông Đài nói.
…hoàn thành trong 15 ngày
Mở chiến dịch 30 ngày đêm nhưng Quảng Ninh chỉ thực hiện trong vòng 15 ngày. Tính đến cuối tháng 7, toàn bộ 1.186/1.186 hộ dân, doanh nghiệp nằm trong diện ảnh hưởng bởi dự án đã tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng. Không những thế quá trình triển khai còn vượt sự mong đợi khi hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng đều đồng thuận và tin tưởng vào cách làm của chính quyền.
|
“Từ nhiều năm trước Quảng Ninh đã từng mở chiến dịch Quang Trung giải phóng mặt bằng cho dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cùng nhiều dự án trọng điểm khác. Kinh nghiệm và cách làm sáng tạo chúng tôi đều có cả vì vậy, đó là lý do vì sao lần này tỉnh đã hoàn thành được việc giải phóng 188 ha phát sinh nói trên trước ngày 15.8”, ông Ký nói.
Cũng theo ông Ký, với chiến dịch 30 ngày đêm, tỉnh này đã tạo dựng được hình ảnh Quảng Ninh trong giai đoạn phát triển mới như là một địa phương điển hình trong công tác GPMB các dự án trong thời gian qua.
“Công tác GPMB những năm vừa qua của tỉnh Quảng Ninh được coi là một thương hiệu của tỉnh, là chìa khóa mở ra cánh cửa thu hút đầu tư, đồng thời khẳng định Quảng Ninh là nơi luôn gìn giữ sự thống nhất, đoàn kết giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân”, ông Ký nói.
Bình luận (0)