Gạo không thương hiệu
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2012, xuất khẩu gạo được 7,72 triệu tấn, đạt hơn 3,5 tỉ USD, tăng gần 8,3% về số lượng nhưng lại giảm 1,98% về trị giá so với năm 2011. Nói cách khác, năm nay chúng ta xuất khẩu nhiều hơn năm ngoái hơn 60.000 tấn gạo nhưng lượng tiền thu về lại ít hơn khoảng 70 triệu USD. Có tới 53% gạo xuất khẩu của Việt Nam có phẩm chất trung bình và thấp. Chính vì vậy, dù số lượng xuất khẩu nhiều nhưng giá trị không cao.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, phần lớn người trồng lúa có quy mô rất nhỏ. Tại ĐBSCL có khoảng 4 triệu hộ trồng lúa. Nếu tính quy mô trung bình một hộ 4,4 nhân khẩu, có 30% lợi nhuận từ làm lúa giữ lại, lợi nhuận bình quân là 230 USD/người/năm tương đương 3,8 triệu đồng/người/năm hoặc 316.250 đồng/người/tháng. Mức này dưới cả ngưỡng nghèo hiện nay 400.000 đồng/người/tháng.
Ông Đoàn Xuân Hòa - Phó cục trưởng Cục Chế biến, thương mại, nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) - phân tích: “Có hai lý do quan trọng khiến người nông dân nghèo. Thứ nhất, giá trị gia tăng trên sản phẩm hạt gạo còn quá thấp. Thứ hai và cũng là lý do quan trọng nhất, quy mô sản xuất của người nông dân rất nhỏ. Mặc dù tính là nông dân làm lúa lợi nhuận đến 30%, nhưng mỗi gia đình chỉ làm một vài công đất (1 công = 1.000 m2) thì cũng chẳng ăn thua”. Trên thực tế, việc đảm bảo người dân trồng lúa có lợi nhuận tối thiểu 30% có lúc, có nơi không thực hiện được. Theo VFA, dù xuất khẩu loại gạo gì thì Việt Nam cũng chỉ xuất khẩu hàng xá, đóng bao, chưa hề có thương hiệu.
|
Bao giờ có ?
Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nghiên cứu chiến lược phát triển thương mại (nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương) nhận định: “Là một nước xuất khẩu, Việt Nam nên quan tâm đến kim ngạch tức số tiền thu về được bao nhiêu mới là điều quan trọng. Xuất nhiều mà ngoại tệ thu lại được chẳng bao nhiêu thì cũng không có ý nghĩa gì”. Nhiều chuyên gia cho rằng trong khi chúng ta chỉ có 3,8 triệu ha đất lúa và sẽ tiếp tục giảm vì quá trình đô thị hóa thì Thái Lan có đến 10 triệu ha đất lúa, do đó việc đứng đầu thế giới về số lượng gạo xuất khẩu chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Việt Nam không nên tiếp tục chạy theo số lượng mà cần quan tâm đến những vấn đề thiết thực hơn để nâng cao chất lượng hạt gạo, xây dựng thương hiệu để tăng giá trị hạt gạo.
Thực tế là việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt bao nhiêu năm qua vẫn chưa làm được. Ai cũng biết cần hoạt động theo chuỗi liên kết. Nhà khoa học sẽ đưa ra quy trình sản xuất GAP, huấn luyện nông dân, hợp tác xã làm theo quy trình đó, giúp giảm lượng phân bón, lúa giống ít đi, ít sâu bệnh… và sẽ cho gạo chất lượng tốt. Từ đó, doanh nghiệp thu mua lúa tươi, sấy, rồi xay xát, đăng ký thương hiệu, và bán giá cao hơn. Nhưng từ biết tới làm được là cả một khoảng cách xa vời.
Ông Huỳnh Văn Thòn - TGĐ Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) - tâm sự: “Ai cũng biết Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Thái Lan, nhưng về mức sống, người nông dân của ta không sánh được với họ mặc dù nông dân của ta chăm chỉ, cần cù không kém. Thậm chí đất ở vùng ĐBSCL điều kiện sản xuất còn tốt hơn, vậy tại sao không có mức thu nhập ngang bằng? Nông dân ta từ lâu đã phải cam chịu cảnh “trúng mùa, dội chợ, rớt giá”. Và điều trăn trở lớn nhất trong tâm trí tôi suốt hai mươi năm qua: hạt gạo Việt Nam chưa có thương hiệu, mãi là… hạt gạo làng ta”. Từ trăn trở này, AGPPS là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Doanh nghiệp không chỉ ổn định được vùng nguyên liệu với số lượng lớn, chất lượng gạo đồng đều, không qua nhiều khâu trung gian, mà qua đó còn giải quyết được hai vấn đề lớn, đó là ổn định giá cả và người nông dân thu lợi. Hiện AGPPS đã triển khai mô hình này trên 20.000 ha và dự kiến năm 2013 sẽ đạt từ 100.000 - 200.000 ha tại 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL. Bình quân mỗi tỉnh có từ 10.000 - 20.000 ha. Tuy nhiên, những mô hình như thế hiện tại vẫn còn quá ít.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nhận định: “Để nâng cao giá trị gạo XK, vấn đề tiêu thụ lúa gạo cần được xem xét giải quyết từ gốc, tức là ngay từ khâu sản xuất, bảo quản, tạm trữ, chế biến lúa gạo hàng hóa. Do vậy, cần tổ chức thực hiện quy hoạch sản xuất vùng lúa hàng hóa, canh tác theo hướng chuyên canh với giống lúa phẩm cấp cao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, để nâng chất lượng”.
Tổng cục Hải quan: Việt Nam xuất siêu 780 triệu USD Hôm qua 16.1, Tổng cục Hải quan công bố tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong cả năm 2012. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 114,57 tỉ USD, tăng 18,2% và nhập khẩu là 113,79 tỉ USD, tăng 6,6%. Như vậy trong năm qua, hàng hóa cả nước xuất siêu 780 triệu USD (năm 2011 nhập siêu 9,84 tỉ USD). Bên cạnh nhiều nhóm hàng nhập khẩu giảm như xăng dầu, phân bón các loại, ô tô… thì một số nhóm hàng trong năm qua nhập khẩu lại gia tăng mạnh về số lượng hoặc giá trị như điện thoại các loại và linh kiện nhập khẩu 5,04 tỉ USD (tăng 85,3% so với năm 2011); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có tổng trị giá nhập khẩu lên 13,1 tỉ USD (tăng 67%); sắt thép các loại với 7,6 triệu tấn (tăng 3%); chất dẻo nguyên liệu nhập khẩu gần 2,74 triệu tấn, trị giá đạt 4,8 tỉ USD (tăng 7,1% về lượng và tăng nhẹ 0,9% về trị giá so với năm 2011)... Mai Phương |
Quang Thuần - Chí Nhân
Bình luận (0)