Kỳ 3: Thủ lĩnh thanh niên Dương Đức Hiền

31/08/2015 06:05 GMT+7

Giữa thập niên 40 của thế kỷ 20, nổi lên gương mặt một nhà trí thức trẻ: Dương Đức Hiền. Vị Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đông Dương ấy như người huynh trưởng dẫn đường cho lớp lớp sinh viên tin theo.

Giữa thập niên 40 của thế kỷ 20, nổi lên gương mặt một nhà trí thức trẻ: Dương Đức Hiền. Vị Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đông Dương ấy như người huynh trưởng dẫn đường cho lớp lớp sinh viên tin theo.

Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền (1916 - 1963)
Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền (1916 - 1963)
Dương Đức Hiền mất sớm, năm 1963 ở tuổi 47 vì một khối u trong não. Nhưng tên ông vẫn luôn được những cựu sinh viên đương thời nhắc đến với tấm lòng trân trọng.
Người viết đã được nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nguyên Phó tổng thư ký Hội Nhà văn VN và ông Nguyễn Văn Hướng (tức Trần Vĩnh Uy), nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc VN kể cho nghe về người thủ lĩnh thanh niên sinh viên mà ở tuổi gần thế kỷ họ vẫn không thể quên.
Hội trưởng của Tổng hội Sinh viên Đông Dương
Ông Nguyễn Văn Hướng nhớ lại: “Anh Dương Đức Hiền đã được nhiều người biết đến. Sôi nổi, nhiệt tình tham gia và xúc tiến các hoạt động yêu nước của sinh viên, học sinh những năm 1940”.
Vào học Trường đại học Luật Đông Dương năm 1937, tốt nghiệp năm 1940, nhưng Dương Đức Hiền không ra làm việc với chính quyền Pháp thực dân thuộc địa. Ông ở lại trường với tư cách sinh viên cao học, để tiếp tục hoạt động trong giới sinh viên. Trong hai năm học (1942 - 1944), Dương Đức Hiền chính thức trở thành người hội trưởng có tiếng của Tổng hội Sinh viên Đông Dương.
Tổng hội Sinh viên và Dương Đức Hiền đã tổ chức cho tuổi trẻ và anh chị em sinh viên đi về thăm các di tích lịch sử đấu tranh giữ nước dựng nước của tổ tiên... Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh cho rằng: “Các bạn tắm tuổi trẻ của mình vào ngọn nguồn trong lành của đất nước, được học thêm nhiều bài học yêu nước”.
Dương Đức Hiền là người đề xướng cho tổng hội mở nhiều cuộc nói chuyện nhằm nâng cao trình độ hiểu biết văn hóa lịch sử cho anh chị em sinh viên và thanh niên trí thức. Đặng Ngọc Tốt nói về Con đường thanh niên, rồi nói về Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Ngọc Minh về Trận chiến Bạch Đằng, Huỳnh Văn Tiểng về Mục đích Tổng hội sinh viên, Vũ Đình Liên về Ngoảnh nhìn lại giang sơn, Nguyễn Đình Thi về Tính dân tộc trong ca dao Việt Nam, Xuân Diệu về Sinh viên với tiếng Việt...
Các bài hát yêu nước của các sinh viên Lưu Hữu Phước, Hoàng Gia Lịch, Nguyễn Thành Nguyên... ra đời trong niềm tin yêu vô hạn của toàn dân và của anh chị em thanh niên. Sinh viên hành khúc (Này sinh viên ơi đứng lên đáp lời sông núi) xung quanh ngày tổng khởi nghĩa, thay đổi một đôi lời nhỏ, đã thành bài hát Tiếng gọi thanh niên đầy tự hào của dân tộc; rồi Bạch Đằng Giang, Đi hội đền Hùng, Ải Chi Lăng, Hận sông Gianh, Việt nữ gọi đàn, Thiếu nữ Việt Nam, Khải hoàn ca, Người xưa đâu tá, Hồn tử sĩ, Ta cùng đi, Suối Lồ Ô, Lên đàng, phần nhạc vở ca kịch Tục lụy của Thế Lữ...
Nơi thao diễn của tuổi trẻ
Dương Đức Hiền cùng các bạn tâm huyết nhất trong tổng hội đã động viên sinh viên sáng tác những vở kịch lịch sử và dựng lên ở sân khấu các TP lớn những vở kịch yêu nước, đã làm sôi động tinh thần và ý thức của đông đảo người xem thuộc mọi lứa tuổi, gây tiếng vang khắp ba kỳ. Các vở có thể kể là Đêm Lam Sơn, Nợ Mê Linh, Hội nghị Diên Hồng của Huỳnh Văn Tiểng, hoạt cảnh Sinh viên qua các thời đại, vở ca kịch Tục lụy của Thế Lữ...
Ông Dương Đức Hiền và vợ - nhà báo Thanh Thủy (Tết 1958) - Ảnh: Dương Thanh Mai
Ông Dương Đức Hiền và vợ - nhà báo Thanh Thủy (Tết 1958) - Ảnh: Dương Thanh Mai
Dương Đức Hiền là một trong những người quyết tâm nhất ở việc mở các trại thanh niên và sinh viên: trại Bằng Trì, gần Sầm Sơn (1941), trại Tương Mai, gần Hà Nội (1942), trại Khương Hạ, gần Hà Nội (1943), trại Suối Lồ Ô ở Nam bộ (1943).
Những hoạt động của trại làm cho sinh viên làm quen với lao động chân tay (cày cuốc, khuân vác, lội bùn...) để tự rèn luyện. Cùng với đó là các hoạt động tìm hiểu nông thôn và các vấn đề của nông thôn; khám bệnh và phát thuốc cho nhân dân; tổ chức các cuộc nói chuyện cho dân làng nghe để lôi cuốn thanh niên địa phương vào hoạt động truyền bá vệ sinh, truyền bá quốc ngữ, mục đích sâu xa hơn nữa là tuyên truyền yêu nước...
Vì vậy, viết về trại Bằng Trì trên Báo Thanh Nghị tháng 8.1941, cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Phan Anh đã ví von đây “là nơi thao diễn của tuổi trẻ, cần lao, chân đạp đất, đầu đội trời, rèn đúc tính tình, chí khí...”.
Đôi vợ chồng duy nhất dự Quốc dân Đại hội
Tháng 8.1945, Dương Đức Hiền và vợ ông - bà Thanh Thủy, là đôi vợ chồng duy nhất đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào. Tại đây, Dương Đức Hiền được cử vào Ủy ban Dân tộc giải phóng.
Ngày 28.8.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội, cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng (một số đảng viên Đảng Cộng sản chuyển công tác khác) thành Chính phủ lâm thời với 13 bộ. Dương Đức Hiền được cử làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Ngày 1.1.1946, Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời. Trong Chính phủ có mở rộng thêm một số thành viên của Việt Quốc và Việt Cách tham gia.
14 bộ lúc này có một số bộ trưởng thay đổi, nhưng Bộ Thanh niên vẫn do Dương Đức Hiền phụ trách. Hai tháng sau, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến với 10 bộ được thành lập sau kỳ bầu cử Quốc hội. Bộ Thanh niên giải thể, Dương Đức Hiền làm Tổng giám đốc Nha Thanh niên và Thể dục (thuộc Bộ Quốc gia giáo dục), là giám đốc đầu tiên Trường Cán bộ thể dục VN. Một lần nữa, ông trở thành người tổ chức và lãnh đạo đầu tiên cơ quan thể dục thể thao T.Ư (từ tháng 4.1946)...
Dương Đức Hiền sinh ngày 16.9.1916 trong một gia đình tiểu viên chức, sớm có tinh thần yêu nước, chống thực dân. Quê thôn Linh Quy, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Ông là đại biểu Quốc hội khóa I - II (1946 - 1963); Ủy viên Ủy ban Thường trực Quốc hội khóa I và khóa II; Tổng thư ký sáng lập Đảng Dân chủ VN (1944 - 1957); Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Liên Việt (nay là MTTQ VN)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.