Từ khi trở về Việt Nam, Phạm Duy có thói quen ngồi cà phê vào mỗi sáng thứ bảy hằng tuần trên đường Ngô Đức Kế (TP.HCM). Nhiều người bạn thương mến ông biết được nên vẫn thường ghé qua hàn huyên tâm sự, dĩ nhiên là không thể vắng mặt thi sĩ Phạm Thiên Thư.
Cuối năm 2011, Phạm Thiên Thư cùng vợ đến dự đám cưới Duy Cường - con trai thứ của Phạm Duy - tại một nhà hàng sang trọng ấm cúng. Nhạc sĩ lúc ấy hãy còn khỏe mạnh và rất linh hoạt. Ông ngồi cạnh Giáo sư Trần Văn Khê, song thi thoảng có đứng dậy đi tới phía bàn Phạm Thiên Thư cười nói vui vẻ. Cuối tiệc, khi khách khứa đã vãn, ba người họ ngồi chung lại với nhau, trao đổi một vài câu chuyện giản dị. Nếu như Phạm Duy là người ăn nói hào sảng thì Phạm Thiên Thư lại mang cốt cách của người tu sĩ thâm trầm, dáng vẻ khoan thai. Hình ảnh ba mái đầu bạc thân tình bên nhau khiến người ta không khỏi xúc động. Trước lúc chào ra về, Phạm Thiên Thư còn gửi tặng “người tình già” tập thơ Thiền mới nhất của mình.
|
Khoảng nửa năm sau, nhạc sĩ Phạm Duy bị một trận bệnh nặng khi tham gia đêm nhạc ở Hà Nội. Từ đấy, ông không còn đủ sức ngồi cà phê vào mỗi sáng thứ bảy nữa. Hằng ngày, ông mắc đi châm cứu ở nhà bác sĩ Trương Thìn nên các cuộc gặp gỡ bạn bè cũng dần thưa thớt. Riêng Phạm Thiên Thư vẫn đều đặn hoặc tới nhà, hoặc gọi điện thoại hỏi thăm Phạm Duy. Họ như chưa từng lãng quên nhau trong cuộc đời, dù thời gian đã làm những bước chân già nua ngày càng trở nên nặng nhọc. Một lần nọ trên giường bệnh, đang nằm lim dim nghe kể về đêm nhạc Tình ca của Tùng Dương có cô ca sĩ khách mời Nguyên Thảo trình diễn bài Đưa em tìm động hoa vàng hay lắm, Phạm Duy liền ngẫu hứng vừa nhịp chân vừa cất lời hát (nói hát nhưng thực tế là thì thào, vì sức ông bấy giờ quá yếu):
“Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi
Chim ơi chết giữa cội hoa
Tiếng kêu rơi rụng giữa ngân hà
Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu”
Về mối lương duyên dẫn đưa mình vào đạo ca, Phạm Duy đã viết:
“Sau vụ Tết Mậu Thân, tức là khoảng 1969 - 1970, giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn bị dao động trước những biến cố của đất nước, có chủ trương trở về nguồn. Cơ sở văn nghệ hoặc tập san đều chọn những tên thấm nhuần tinh thần về nguồn: An Tiêm, Ca Dao, Giữ Thơm Quê Mẹ... Trong văn có Lý Chánh Trung với cuốn Tìm Về Dân Tộc, có Người Việt Đáng Yêu của Doãn Quốc Sĩ... Trong nhạc có nhóm Tiên Rồng, nhóm Nguồn Sống và có tôi với nhạc tập Dân Ca và cuốn Biên khảo về dân nhạc.
Về nguồn, nghĩa là về với mình - về với loại nhạc của cõi tâm - thì tôi muốn thăng hoa mọi thứ lên. Lúc đó cũng có nhiều người muốn làm như tôi, ví dụ như Phạm Thiên Thư. Anh là một nhà sư trẻ (đạo danh Tuệ Không), có một đàm trường - kiểu đàm trường Viễn Kiến của Nguyễn Đức Quỳnh - để bạn bè tới nói chuyện văn nghệ. Tất cả đều rất trẻ nhưng cung cách của họ giống như các ông cụ non. Tuy nhiên khi đàm luận với nhau, họ không có gì là lúng túng hết. Họ rất ung dung và họ cũng rất già dặn trong tâm hồn, bởi vì họ già trước tuổi. Khi phải sống dưới biết bao nhiêu đe dọa (đi lính chẳng hạn), cũng như trong hoàn cảnh kinh tế sa sút, họ chỉ còn có cách trốn vào một đàm trường, vào một cái vỏ trong đó họ có thể ung dung ngồi nói chuyện thi phú, nói chuyện tư tưởng, những chuyện nhẹ nhàng bên trong với nhau, không lý gì đến chuyện bên ngoài và không cần phải ai biết đến họ.
Sự gặp gỡ của tôi với Phạm Thiên Thư - mà thi sĩ gọi là của một ngọn núi và một đám mây - là nhờ ông Nguyễn Đức Quỳnh. Vào năm 1971, ông Quỳnh bị ung thư dạ dày và vào nằm trong bệnh viện cho hai bác sĩ Phạm Biểu Tâm và Trần Ngọc Ninh cứu chữa. Ngày tôi tới thăm ông tại bệnh viện thì gặp Phạm Thiên Thư ở đó. Và chúng tôi yêu mến nhau ngay.
Sau đó, chúng tôi gặp nhau gần như hằng ngày. Gặp tu sĩ Tuệ Không kiêm thi sĩ Phạm Thiên Thư là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc của tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca. Phạm Thiên Thư đưa cho tôi tập thơ Ðưa em tìm động hoa vàng hay bài thơ Gọi em là đóa hoa sầu... để tôi phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại. Ðối với tôi lúc đó, hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng thật là mát mẻ và rất cần thiết. Bài Ðưa em tìm động hoa vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, và ta chỉ cần có ba đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng... Ðể làm gì? Không phải chỉ để nhớ nhau mà chính ra là để ẩn náu vậy”. (Trích Vang vọng một thời - mùa hè, 2012).
Bài Ðưa em tìm động hoa vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, và ta chỉ cần có ba đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng... Ðể làm gì? Không phải chỉ để nhớ nhau mà chính ra là để ẩn náu vậy |
Hiếu Dũng - Ngân Vi
>> Đêm nhạc tri ân nhạc sĩ Phạm Duy
>> Bên cầu biên giới của Phạm Duy được phép phổ biến
>> Ý Lan nức nở hát nhạc Phạm Duy
>> Nhạc sĩ Phạm Duy: 93 tuổi chưa phải là già
>> Phát hành 4 album nhạc Phạm Duy
>> Phạm Duy dị với Bích Khê
Bình luận (0)