Sáng nay 23.5, tại trụ sở TAND tỉnh Bắc Giang, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Vi Văn Phượng (55 tuổi, trú tại H.Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) về tội giết người, sau gần 4 năm kể từ phiên sơ thẩm hồi tháng 8.2019.
Vụ án này kéo dài đã 11 năm, ông Phượng 3 lần bị tuyên án tử hình với cáo buộc giết mẹ ruột là cụ Nguyễn Thị Vui (sinh năm 1926) và liên tục kêu oan.
Bị cáo khai bị ép cung, điều tra viên khẳng định không
Để phục vụ xét xử, hội đồng xét xử (HĐXX) triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên và giám định viên của giai đoạn sơ thẩm, nhằm làm sáng tỏ các tình tiết buộc tội đối với bị cáo. Trong số này, giám định viên vắng mặt.
Theo nội dung vụ án, khi mới bị bắt giữ, ông Vi Văn Phượng có một số lời khai thừa nhận giết mẹ ruột, nhưng sau đó liên tục kêu oan. Giải thích việc từng nhận tội, bị cáo cho rằng bị cơ quan điều tra dọa bắt con trai để gây sức ép, bị điều tra viên ép cung, đánh đập.
Năm 2016, khi quyết định hủy 2 bản án (đều tuyên ông Phượng tử hình) để điều tra lại, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đề nghị làm rõ 7 vấn đề, trong đó có hay không việc bị cáo bị ép cung.
Tại tòa hôm nay, dù không thể trả lời nhiều câu hỏi do "vụ án xảy ra đã lâu nên không còn nhớ", ông Phượng tiếp tục kêu oan. HĐXX hỏi về các lời khai nhận tội, bị cáo vẫn cho rằng do sợ và bị ép cung.
Được gọi lên đối chất ngay sau đó, điều tra viên của Công an tỉnh Bắc Giang nhiều lần khẳng định không có chuyện đánh đập hay ép cung bị cáo. "Việc hỏi cung đảm bảo đúng quy định, quá trình hỏi khách quan, ban đầu bị cáo khai báo thành khẩn, phù hợp với các tài liệu thu thập được", điều tra viên nói và nhấn mạnh "được đào tạo kiến thức bài bản" nên bảo đảm không có việc nhục hình như bị cáo khai.
Đáng chú ý, hồ sơ vụ án cho thấy, thời điểm mới bị bắt, ông Phượng khai sát hại mẹ vào khoảng 9 giờ sáng 5.10.2012 nhưng ít ngày sau lại thay đổi thành 11 giờ. Cả luật sư và đại diện viện kiểm sát đều đặt vấn đề vì sao lại có sự thay đổi lời khai như vậy.
Trả lời, điều tra viên cho biết đã ghi lời khai của bị cáo khách quan, đúng quy định, việc thay đổi là phụ thuộc vào suy nghĩ của bị cáo và bị cáo phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
HĐXX hỏi thêm một số tình tiết liên quan đến hiện trường tại thời điểm xảy ra vụ án, tuy nhiên điều tra viên giải thích do vụ án xảy ra đã 11 năm, rất lâu rồi, nên không thể nhớ chi tiết, chính xác.
Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 23.5
Nhân chứng thay đổi lời khai
Quyết định giám đốc thẩm năm 2016 còn nêu, bị cáo Phượng được hàng xóm, bạn bè đánh giá là người sống tình cảm, có hiếu với mẹ. Bị cáo có vay vàng của mẹ và đã trả cách thời điểm xảy ra vụ án nhiều ngày. Thế nhưng, lời khai trong hồ sơ lại thể hiện bị cáo do bức xúc lâu ngày, đi làm vất vả còn phải chăm mẹ già mù lòa, khi trả vàng bị nói là vàng giả… nên nảy sinh ý định sát hại mẹ.
Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nhận định những tình tiết trên cho thấy căn cứ để xác định động cơ phạm tội của bị cáo còn mâu thuẫn, cần làm rõ hơn.
Tại tòa, ông Phượng thừa nhận vay vàng của mẹ và đã trả lại; nhưng phủ nhận chuyện 2 mẹ con cãi nhau, cũng không có việc mẹ bị cáo phàn nàn về "vàng giả", bởi thực tế cụ Vui mắt rất kém nên không thể nhìn rõ.
Một tình tiết quan trọng khác: tòa triệu tập ông Lăng Đức Mạnh (trú cùng địa phương) với tư cách nhân chứng. Ông Mạnh được xác định là người cùng đi làm thuê với bị cáo Phượng trong ngày xảy ra vụ án.
Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày xảy ra vụ án, ông Phượng mặc 2 áo, gồm áo sơ mi bên ngoài và áo phông bên trong. Khi gây án, bị cáo cởi áo sơ mi, chỉ mặc áo phông. Gây án xong, bị cáo cởi bỏ áo phông dính máu nạn nhân rồi mặc lại áo sơ mi. Tuy nhiên, ông Phượng khẳng định ngày xảy ra án mạng chỉ mặc duy nhất chiếc áo sơ mi.
Cho lời khai về tình tiết này, giai đoạn đầu, ông Mạnh cho hay ông Phượng chỉ mặc một áo, nhưng về sau và tại tòa hôm nay lại thay đổi thành mặc 2 áo. Luật sư, đại diện viện kiểm sát cùng hỏi vì sao có sự thay đổi như vậy, ông Mạnh nói lời khai hiện tại là chính xác.
Ngoài chiếc áo, ông Mạnh còn thay đổi lời khai về mốc thời gian mà ông Phượng có mặt tại một địa điểm liên quan đến vụ án, và cũng khẳng định lời khai sau là đúng.
Trước sự thay đổi theo hướng bất lợi cho bị cáo, luật sư liền đặt vấn đề: vụ án xảy ra đã 11 năm, thông thường càng gần thời điểm gây án thì sẽ càng nhớ chính xác, ngay cả điều tra viên và bị cáo cũng nhiều lần nói không thể nhớ vì đã quá lâu, thế nhưng nhân chứng này lại có xu hướng ngược lại, khi càng về sau lại nhớ chính xác hơn ban đầu?
Chiều nay, tòa tiếp tục làm việc.
3 lần bị tuyên tử hình với cáo buộc giết mẹ
Theo nội dung vụ án, cụ Nguyễn Thị Vui bị mù lòa, sống chung với vợ chồng ông Phượng từ năm 2003. Năm 2009, do kinh tế khó khăn, con trai và vợ ông Phượng đi xuất khẩu lao động. Để có tiền lo chi phí, ông Phượng vay mượn nhiều người, trong đó vay của cụ Vui đôi bông tai 1,5 chỉ vàng.
Sau đó, ông Phượng bị cho là bức xúc trước việc cụ Vui nhiều lần đòi nợ nên nảy sinh ý định giết mẹ để trút gánh nặng.
Ngày 2.10.2012, bị cáo ra tiệm vàng mua đôi bông tai 1,5 chỉ để trả cho cụ Vui. Hai ngày sau, cụ Vui có hỏi: "Mày trả tao vàng giả à?", bị cáo càng thêm bực tức.
Trưa 5.10.2012, ông Phượng đi làm về nhà, thấy cụ Vui nằm ngủ trên giường liền đi vào góc buồng lấy con dao quắm, chém nạn nhân tử vong.
Tháng 4.2013, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Phượng mức án tử hình. Tại tòa, ông Phượng kêu oan, cho rằng bị điều tra viên ép cung, dọa bắt hết con cái vào tù nên mới nhận tội.
4 tháng sau, TAND tối cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm. Ông Phượng tiếp tục kêu oan, tố bị ép cung. Dù vậy, tòa phúc thẩm vẫn y án tử hình.
Tháng 11.2016, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao họp phiên giám đốc thẩm, quyết định hủy toàn bộ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại.
Tháng 8.2019, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa sơ thẩm lần 2, tiếp tục tuyên ông Phượng mức án tử hình về tội giết người. Bị cáo lại kháng cáo kêu oan.
Bình luận (0)