'Kỳ án' sát hại mẹ ruột kéo dài suốt 11 năm vẫn chưa có hồi kết

23/05/2023 08:33 GMT+7

Vụ án mạng xảy ra đã 11 năm, người đàn ông 3 lần bị tuyên án tử hình với cáo buộc sát hại mẹ ruột và liên tục kêu oan. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình từng ngồi ghế chủ tọa, quyết định hủy cả 2 bản án để điều tra lại.

Sáng nay 23.5, tại trụ sở TAND tỉnh Bắc Giang, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Vi Văn Phượng (55 tuổi, trú tại H.Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) về tội giết người. Vụ án này kéo dài đã 11 năm, ông Phượng 3 lần bị tuyên án tử hình với cáo buộc sát hại mẹ ruột và liên tục kêu oan. 

Gần đây nhất là phiên sơ thẩm hồi tháng 8.2019, ông Phượng bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên tử hình, và mãi đến nay - gần 4 năm, phiên phúc thẩm mới được mở (từng hoãn hồi tháng 8.2022).

'Kỳ án sát hại mẹ ruột' kéo dài suốt 11 năm vẫn chưa có hồi kết - Ảnh 1.

Bị cáo Vi Văn Phượng trong phiên tòa sơ thẩm lần hai, năm 2019

TUYẾN PHAN

Sát hại người mẹ mù lòa vì 1,5 chỉ vàng?

Theo hồ sơ, cụ Nguyễn Thị Vui (sinh năm 1926, mẹ ruột ông Phượng) bị mù lòa, sống chung với vợ chồng ông Phượng và được cả hai chăm sóc, nuôi dưỡng từ năm 2003. 

Đến năm 2009, do kinh tế eo hẹp, con trai cả và vợ ông Phượng lần lượt đi xuất khẩu lao động. Để có tiền lo chi phí, ông Phượng vay mượn nhiều người, trong đó vay của cụ Vui đôi bông tai 1,5 chỉ vàng.

Trong lúc nợ nần khó khăn, cụ Vui được cho là nhiều lần đòi lại số vàng đã cho con trai vay, khiến ông Phượng rất bực tức, nảy sinh ý định sát hại mẹ để trút gánh nặng gia đình.

Ngày 2.10.2012, ông Phượng ra tiệm vàng mua đôi bông tai 1,5 chỉ, đưa con trai út mang trả cho cụ Vui. Hai ngày sau, khi nói chuyện với ông Phượng, cụ Vui hỏi "mày trả tao vàng giả à?", làm cho bị cáo càng quyết tâm thực hiện ý định giết mẹ.

Trưa 5.10.2012, ông Phượng đi làm thuê về nhà, thấy cụ Vui nằm ngủ trên giường liền vào góc buồng lấy con dao quắm, chém nhiều nhát khiến mẹ tử vong. Gây án xong, bị cáo gọi điện cho cán bộ công an xã và người nhà, báo tin cụ Vui bị người khác giết.

Hai tuần sau, căn cứ kết quả khám nghiệm tử thi cùng các dấu vết hiện trường, cơ quan công an xác định ông Phượng là nghi phạm nên bắt giữ.

Tháng 4.2013, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo mức án tử hình. Ông Phượng kháng cáo. Tháng 8.2013, TAND tối cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, quyết định y án tử hình.

Tại cả 2 phiên tòa, ông Phượng đều kêu oan. Ông Phượng khai ban đầu nhận tội là vì cơ quan điều tra dọa bắt đứa con trai nhỏ, bị điều tra viên đánh đập, mớm cung… Tuy nhiên, các lời khai này đều không được chấp nhận.

'Kỳ án sát hại mẹ ruột' kéo dài suốt 11 năm vẫn chưa có hồi kết - Ảnh 2.

Trong các phiên tòa, ông Vi Văn Phượng đều kêu oan

TUYẾN PHAN

Hủy án vì căn cứ kết tội "chưa vững chắc"

Bản án phúc thẩm của TAND tối cao tại Hà Nội có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên. Đến tháng 8.2016, tức 3 năm sau, Viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành quyết định kháng nghị, đề nghị giám đốc thẩm vụ án.

Tháng 11.2016, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mở phiên giám đốc thẩm, gồm 14 thành viên tham gia xét xử, do Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế chủ tọa. Sau khi đánh giá toàn diện hồ sơ, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nhận định căn cứ kết tội ông Phượng là "chưa vững chắc", nên quyết định hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.

Quyết định giám đốc thẩm nêu 7 vấn đề cần làm rõ, nhằm xác định ông Phượng có sát hại mẹ ruột hay không.Trong số này, thời gian gây án có sự vênh nhau giữa lời khai của bị cáo và những người làm chứng, người khai 10 giờ, người lại khai 11 giờ. Vì vậy, cần phân tích các cuộc gọi trong danh sách điện thoại thu giữ được để xác định chính xác quỹ thời gian tiêu thụ của bị cáo trong ngày xảy ra vụ án.

Bên cạnh đó, cơ quan giám định xác định thời gian cụ Vui chết dựa trên lời khai của con trai út ông Phượng cùng với quan sát qua bản ảnh là "chưa có căn cứ khoa học", cần yêu cầu giám định lại chính xác thời gian tử vong của nạn nhân.

Ngoài ra, một số tình tiết buộc tội khác cũng có mâu thuẫn, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đề nghị tiến hành thực nghiệm hiện trường để xác định quá trình bị cáo gây án, làm rõ gia đình bị cáo có mâu thuẫn với ai không, lời khai của bị cáo về việc bị đánh đập, ép cung có đúng…?

'Kỳ án sát hại mẹ ruột' kéo dài suốt 11 năm vẫn chưa có hồi kết - Ảnh 3.

Đại diện Viện KSND tỉnh Bắc Giang tại phiên sơ thẩm lần hai, năm 2019

TUYẾN PHAN

Động cơ gây án còn mâu thuẫn

Đáng chú ý, quyết định giám đốc thẩm đề cập ông Vi Văn Phượng được hàng xóm, bạn bè đánh giá là người sống tình cảm, có hiếu với mẹ. Mặc dù cụ Vui mù lòa nhiều năm nhưng bị cáo vẫn chăm sóc, không ngược đãi. Bị cáo có vay vàng của mẹ và đã trả cách thời điểm xảy ra vụ án nhiều ngày.

Tuy nhiên, lời khai của bị cáo trong hồ sơ vụ án lại thể hiện bị cáo do bức xúc lâu ngày, đi làm vất vả còn phải chăm mẹ già mù lòa, khi trả vàng bị nói là vàng giả… nên nảy sinh ý định sát hại mẹ.

Những tình tiết trên cho thấy căn cứ để xác định động cơ phạm tội của bị cáo còn mâu thuẫn, cần làm rõ hơn; đồng thời cần trưng cầu giám định tâm thần để xác định bị cáo có bị tâm thần hay một bệnh nào khác gây mất năng lực điều khiển hành vi hay không.

Tháng 5.2019, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên sơ thẩm lần hai. Ông Phượng tiếp tục kêu oan, 3 luật sư bào chữa cho ông Phượng nhấn mạnh vào các điểm mâu thuẫn mà quyết định giám đốc thẩm đề cập, để cho rằng thân chủ ngoại phạm tại thời điểm xảy ra vụ án.

Do tính chất vụ án phức tạp, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để xác minh, thu thập thêm chứng cứ. Đến tháng 8.2019, khi mở lại, TAND tỉnh Bắc Giang lần thứ hai tuyên ông Phượng tử hình về tội giết người, không chấp nhận việc kêu oan của bị cáo và quan điểm bào chữa của các luật sư.

Đến nay, gần 4 năm kể từ phiên sơ thẩm lần hai, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm lần hai như đã đề cập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.