Trong khuôn viên chùa Giác Lâm (đường Lạc Long Quân, Q.Tân Bình, TP.HCM) có lăng mộ Gia Định tam gia - Thượng thư Bộ Công Ngô Nhân Tịnh.
Lăng mộ Ngô Nhân Tịnh trong khuôn viên chùa Giác Lâm - Ảnh: L.C.T |
Mộ xây dựng vào năm 2004, kích thước rộng 5 m, dài 12 m. Kết cấu kiến trúc từ ngoài vào trong gồm: bình phong tiền, sân tế, bệ thờ, bia mộ, nấm mộ và bình phong hậu, bao quanh là lớp tường thành kết hợp với trụ biểu. Đáng chú ý, mộ vẫn còn giữ được tấm bia đá nguyên gốc, chạm nổi đề tài hoa lá hóa long tranh châu, hoa mai, như ý, chữ triện chúc phúc “Xuân đài, Thọ vức, Phúc toàn, Lộc cơ”. Mặc dù không đề ngày tháng lập bia, tuy nhiên căn cứ vào đặc điểm hoa văn và nét chạm, bệ bia... cho thấy bia được lập vào năm 1813 sau khi ông qua đời. Nội dung bia mộ ghi: Mộ của người họ Ngô, giữ chức Khâm sai, Công bộ Thượng thư, Hiệp tổng trấn thành Gia Định, thụy là Túc Gian, ban tước Tịnh Viễn hầu.
Trên bức bình phong tiền lăng mộ hiện tại cho biết: Trước đây, lăng mộ Ngô Nhân Tịnh an táng tại làng Chí Hòa, tổng Dương Hòa Thượng, H.Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là khu vực ga Sài Gòn, đường Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM). Ngày 1.10.1936, để giải phóng mặt bằng cho việc xây dựng ga Sài Gòn, lăng mộ Ngô Nhân Tịnh phải cải táng di dời về làng Tân Hóa, tổng Tân Phong Trung, H.Tân Long, tỉnh Gia Định. Do khu mộ không người thăm nom thờ tự, môi trường bị xâm hại và để ghi nhớ, tôn vinh bậc danh nhân này, năm 2004 UBND TP.HCM đã cho di dời và an táng lăng mộ Ngô Nhân Tịnh tại vị trí trong khuôn viên chùa Giác Lâm hiện nay.
Nỗi oan không bày tỏ được
Những thông tin về cuộc khai quật lăng mộ Ngô Nhân Tịnh năm 1936 được nói đến duy nhất vào năm 1960, khi một số nhà nghiên cứu văn học đề cập đến xử sĩ Võ Trường Toản và các học trò của ông thuộc nhóm Gia Định tam gia trên Tạp chí Văn hóa Nguyệt san.
Kết quả cuộc khai quật cho thấy đây là một kiến trúc lăng mộ hợp chất kiên cố, theo mô tả lại thì những người phụ trách đã phải huy động hai chục người đào mấy giờ đồng hồ mới khai quật được. Khi quan tài được đưa lên cho thấy rất kiên cố, phải hơn một giờ mới mở được ván thiên. Mở nắp quan tài ra, người ta thấy trên phần di cốt của Ngô Nhân Tịnh có tấm triệu trải trên quan cữu, bằng nhiễu điều, còn mới ràng ràng và chữ trên tấm triệu còn y nguyên với nội dung: Linh cữu của ông quan họ Ngô, người được phong là Kim tử Đại phu Chánh trị Vinh lộc thượng khanh, giữ chức Khâm sai Thượng thư Bộ Công, Hiệp tổng trấn thành Gia Định, phong tước là Tịnh Viễn hầu, ban cho tên thụy là Túc Gian; người lập là các cháu nội: Ngô Tế Thế và Ngô Nhân Thọ. Ngoài ra, không thấy đề cập đến đồ tùy táng chôn theo. Bí ẩn về việc không tìm thấy đồ tùy táng chôn theo đối với một người có địa vị như ông đã trở thành dấu hỏi thôi thúc một số nhà nghiên cứu, vì qua một số lăng mộ của các quan đại thần triều Nguyễn ở Nam bộ đã khai quật cho thấy đều có đồ tùy táng khá lớn, chứa đựng nhiều giá trị. Tuy nhiên, nhiều chi tiết về hành trạng của ông dần hé mở để giải mã cho việc mộ ông không có đồ tùy táng chôn theo qua những ghi chép trong chính sử triều Nguyễn.
Ngô Nhân Tịnh (1761 - 1813) còn gọi là Ngô Nhân Tĩnh, Ngô Nhơn Tịnh, tên tự là Nhữ Sơn, tiên tổ là người Quảng Đông (Trung Quốc) sang nước Nam đến Gia Định. Tháng 5.1802, sau khi Nguyễn Ánh chính thức lên ngôi vua và đặt niên hiệu là Gia Long, cử Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh và Hoàng Ngọc Uẩn làm sứ giả sang thông sứ với nước Thanh. Năm 1807, vua giao Ngô Nhân Tịnh làm Chánh sứ sang sắc phong quốc vương Cao Miên. Năm 1812, ông làm Thượng thư Bộ Công, kiêm Hiệp tổng trấn Gia Định. Cũng năm đó, Cao Miên có nhiều biến động nội bộ, vua Gia Long ra chiếu cho Tổng trấn thành Gia Định là Lê Văn Duyệt và Hiệp tổng trấn là Ngô Nhân Tịnh đại phát thủy binh hơn 13.000 người đưa quốc vương Cao Miên là Nặc Chăn về nước. Có kẻ gièm pha nói Ngô Nhân Tịnh nhận riêng của cải của người Cao Miên. Tổng trấn Lê Văn Duyệt phải dâng tấu lên vua. Vua Gia Long nói: “Việc không có chứng cứ, hãy để đó”. Tuy nhiên, cũng từ đây, Ngô Nhân Tịnh nghĩ không yên lòng, thường tự than rằng: “Vẽ rắn thêm chân, ai khiến ta mang cái oan không bày tỏ được”. Tháng 10.1813, Ngô Nhân Tịnh uất ức, sầu thảm dẫn tới ốm mất không một lời trăng trối. Đây là một lời giải mã cho việc không tìm thấy đồ tùy táng chôn theo lăng mộ của ông.
Năm 1820, vua Minh Mạng truy cấp cho mộ phu coi mộ. Tháng 12.1853, vua Tự Đức phê chuẩn lời tâu của Bộ Lễ, Công bộ Thượng thư lĩnh Gia Định thành Hiệp tổng trấn Tịnh Viễn hầu là Ngô Nhân Tịnh được thờ vào miếu Trung hưng công thần.
Theo chính sử triều Nguyễn, Ngô Nhân Tịnh là người có tài học, làm thơ hay. Ông được đánh giá là người quang minh rộng rãi, không biết khéo nịnh. Ông thích ngâm vịnh, từng cùng Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định xướng họa với nhau; có tập thơ Gia Định tam gia thi tập.
Bình luận (0)