'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Những mảnh ghép lịch sử

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
23/02/2024 07:30 GMT+7

Trong khi dự án hợp tác trước đó với Đại học Waseda (Nhật Bản) vẫn chưa khả thi vì nhiều "điểm mờ" lịch sử chưa giải mã, gần đây diễn đàn khoa học xuất hiện nhóm Tân Đô Thành Hiếu Cổ và họ đã tham gia tìm ra đáp án.

TÂM HUYẾT CỦA NHÓM NGƯỜI TRẺ

Tân Đô Thành Hiếu Cổ là nhóm nghiên cứu gồm 7 người trẻ là kiến trúc sư, kỹ sư, nhiếp ảnh gia… đam mê nghiên cứu di sản văn hóa, do Nguyễn Tấn Anh Phong (41 tuổi) và các bạn của mình sáng lập.

'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Những mảnh ghép lịch sử- Ảnh 1.

Nhóm nghiên cứu Tân Đô Thành Hiếu Cổ

NGUYỄN TẤN ANH PHONG

Trong số 7 người lập nhóm, chỉ có Nguyễn Tấn Anh Phong hiện ở Huế, còn 5 bạn khác ở TP.HCM và 1 du học sinh ở Mỹ. Họ đến với nhau vì niềm đam mê tìm tòi tư liệu lịch sử và tình yêu đặc biệt dành cho di sản Huế.

Lý giải về tên gọi nhóm Tân Đô Thành Hiếu Cổ, Nguyễn Tấn Anh Phong cho biết Đô Thành Hiếu Cổ là nhóm nghiên cứu Huế trước đây do linh mục Léopold Cadière sáng lập, linh mục đồng thời là chủ bút của tập san Bulletin des Amis du Vieux Huế (Đô Thành Hiếu Cổ, 1914 - 1944). Nhóm Đô Thành Hiếu Cổ có sứ mệnh "tìm tòi, bảo quản và lưu truyền những ký ức xa xưa về lĩnh vực chính trị, tôn giáo, nghệ thuật, Âu cũng như bản xứ, gắn liền với Huế và vùng phụ cận".

Nhận thấy sứ mệnh của Đô Thành Hiếu Cổ trước đây cũng trùng với sứ mệnh và tâm huyết của mình, nên nhóm đã tự chọn tên Tân Đô Thành Hiếu Cổ để cùng nhau tìm tòi, sưu tầm, chia sẻ và giải mã tư liệu, hình ảnh xưa về Huế nói riêng và VN nói chung.

HƯỚNG TIẾP CẬN MỚI TỪ "SỐ HÓA"

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, nhận xét về nhóm Tân Đô Thành Hiếu Cổ: "Đây là nhóm bạn trẻ đam mê di sản và làm việc rất tâm huyết. Các bạn đã kỳ công "canh" để mua tư liệu xưa của VN từ các nguồn nước ngoài thông qua giải mật của các nhà sưu tập cá nhân và tổ chức. Có nhiều bức ảnh rất quý các bạn đã săn tìm được và tự bỏ tiền túi mua về, góp phần làm sáng tỏ nhiều "điểm mờ" của di tích mà trước đó chưa thể giải mã".

'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Những mảnh ghép lịch sử- Ảnh 2.

Ảnh tư liệu nội điện Cần Chánh được nhóm Tân Đô Thành Hiếu Cổ số hóa và phát hiện vị trí treo các bức tranh gương

TƯ LIỆU CỦA NGUYỄN TẤN ANH PHONG

Ông Hoàng Việt Trung cũng chia sẻ thêm, những tư liệu mà các bạn sưu tầm được gần đây đã góp phần rất quan trọng để phản biện và làm sáng tỏ nhiều "điểm mờ" về điện Cần Chánh, qua đó giúp hoàn thiện hồ sơ khoa học của dự án.

Nói về việc tham gia phản biện, cung cấp nhiều tư liệu mới cho dự án phục hồi điện Cần Chánh, Nguyễn Tấn Anh Phong cho biết việc làm sáng tỏ nhiều "điểm mờ" của dự án nhờ vào kết quả số hóa tư liệu hình ảnh di sản và nguồn tư liệu hình ảnh di sản mà chính các bạn đã săn lùng, tiếp cận được.

Nguyễn Tấn Anh Phong kể: "Tình cờ một lần mình vào cơ quan Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế để tặng tư liệu mới sưu tầm được cho di tích, đúng lúc đang có cuộc họp báo cáo dự án nghiên cứu phục hồi điện Cần Chánh, nên ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm, đã mời mình dự thính cuộc họp. Sau khi nghe các thành viên nghiên cứu báo cáo thiết kế, đối chiếu với những hình ảnh tư liệu sưu tầm được, mình phát hiện có một số chi tiết không chuẩn xác với di tích vốn có. Như 2 ô cửa sổ hai bên điện được làm thành 2 ô gió hình cách điệu khung khánh đồng tương tự ở điện Thái Hòa, phía sau bức ngự tọa không có cửa thông ra sau và trục thừa vinh (trục cấu kiện đỡ hệ thống mái hiên) chưa chuẩn về độ cao. Ý kiến mình đưa ra phản biện làm nhiều thành viên nghiên cứu bất ngờ, và để kiểm chứng, tại cuộc họp nhiều thành viên yêu cầu mình đưa hình ảnh để chứng minh. Sau khi mình đưa ra hình ảnh tư liệu, các thành viên dự họp đều sáng tỏ và tiếp thu. Từ đó, những tư liệu hình ảnh đã được mình tiếp tục cung cấp để điều chỉnh, hoàn thiện dự án".

Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP tu bổ di tích Huế, trong báo cáo khoa học nghiên cứu dự án phục hồi điện Cần Chánh trình bày ngày 13.1 vừa qua trước Hội đồng khoa học về trùng tu di sản cố đô Huế, cũng đã ghi nhận đóng góp quan trọng của nhóm Tân Đô Thành Hiếu Cổ để hoàn thiện hồ sơ dự án. Cụ thể, từ kết quả phân tích tư liệu hình ảnh đã giải mã được chiều cao các hàng cột, độ chéo mái cũng như nhiều hoa văn họa tiết, ô hộc trang trí, văn bản chữ Hán trên di tích điện Cần Chánh.

"Cũng như một công trình sắp trùng tu, những nghiên cứu ở quá khứ thật sự quý giá, chúng tôi vô cùng tôn trọng những lớp tiền nhân đi trước đã nghiên cứu qua. Nhưng nói một cách khoa học, một cách khách quan rằng chúng ta không thể mù mờ, không thể lấy số năm nghiên cứu đó ra để làm kết quả và xem đó là chính xác rồi áp đặt hậu bối phải tuân theo vào công trình mà không tiếp thu thêm tư liệu ở giai đoạn mà công nghệ và thế giới đang mở toang các cửa cho chúng ta tha hồ khai thác", Nguyễn Tấn Anh Phong chia sẻ. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.