Chiếc cầu hơn trăm tỉ bị bỏ không
Cầu Chiếc mới bắc qua sông Nhuệ (xã Hiền Giang, H.Thường Tín, Hà Nội) rộng 18,5 m, trong đó lòng đường phần xe chạy mỗi bên rộng 7,5 m, dải phân cách giữa rộng 1,5 m, được UBND TP.Hà Nội phê duyệt đầu tư xây dựng vào năm 2016 với tổng mức đầu tư hơn 115 tỉ đồng từ ngân sách thành phố.
Hiện trạng của cây cầu Chiếc mới |
Quang huy |
Thời gian thực hiện dự án trong 2 năm (2017 - 2018) nhằm thay thế cầu Chiếc cũ đã xuống cấp. Cầu Chiếc mới được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trong khu vực, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn các huyện Thường Tín và Thanh Oai.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đến nay, cây cầu này vẫn chưa được sử dụng. Theo quan sát, hệ thống đường dẫn từ Tỉnh lộ 427 và cầu Chiếc mới đã được xây dựng, rải thảm nhựa và lắp đặt hệ thống cột đèn chiếu sáng.
Phía bên đầu cầu thuộc thôn Nhân Hiền (xã Hiền Giang) do vướng 6 hộ dân chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng nên chưa thể thông cầu. Hiện việc thi công cũng đang được tạm dừng.
Toàn cảnh cây cầu Chiếc mới bị bỏ không (vòng tròn đỏ là khu vực nhà dân chưa được giải toả) |
quang huy |
Hàng ngày, nơi đây vẫn có một số người dân sử dụng phương tiện như xe máy, xe đạp để đi qua. Do địa hình phần chân cầu chưa hoàn thiện nên có người đi qua đây đã bị té ngã.
Trao đổi với phóng viên, anh H. (người bảo vệ cầu Chiếc mới) cho biết, cách đây 6 năm anh được thuê để làm nhiệm vụ trông coi khu vực cầu Chiếc mới.
Theo anh H., phần mặt cầu đã hoàn thành gần 2 năm nhưng vẫn chưa thể sử dụng do vướng mắc di dời 6 hộ dân bên địa phận thôn Nhân Hiền (xã Hiền Giang).
Cuộc sống người dân bị đảo lộn
Là một trong 6 hộ dân thuộc diện phải di dời tái định cư, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, gia đình bà vẫn đang đợi thông báo di dời từ chính quyền.
“Từ khi chiếc cầu này bắt đầu được xây dựng, chúng tôi đã nhận được thông tin sẽ phải di dời chỗ ở. Khu vực di dời đến cách chỗ ở cũ khoảng 500 m. Thế nhưng, đến nay đã 4 - 5 năm chúng tôi vẫn chưa nhận thêm thông báo nào về việc đền bù hay chuyển nơi ở”, bà Hương nói.
Khu vực được chặn lại giữa cầu để ngăn người dân đi qua |
quang huy |
Theo bà Hương, từ đầu năm 2020, khi chiếc cầu sắp được xây dựng xong, nhà thầu đột nhiên dừng thi công và lấy lý do là dịch bệnh. “Tuy vậy, khi dịch bệnh đã được khống chế, chiếc cầu vẫn bị bỏ không”.
Việc nhiều năm phải sống gần khu vực thi công xây dựng khiến cuộc sống gia đình bà bị đảo lộn. “Ngày nắng thì đất cát vào đầy trong nhà, trời mưa thì bị nước ngập, nổi hết đồ đạc. Sống ở giữa Hà Nội mà khổ quá!”, bà Hương than thở.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương |
quang huy |
Ông Nguyễn Đức Quang (53 tuổi, chồng bà Hương) cho hay, việc không được di dời sớm không những ảnh hưởng đến cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến công việc buôn bán của gia đình.
“Ngôi nhà này đã xuống cấp, chúng tôi cũng không dám sửa vì không biết phải đi lúc nào. Gia đình tôi cũng như 5 hộ dân ở đây không gây áp lực hay làm khó cơ quan chức năng. Chúng tôi chỉ mong muốn chính quyền nhanh chóng có phương án di dời để cuộc sống chúng tôi được ổn định trở lại”, ông Quang nói.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoàn, Chủ tịch UBND xã Hiền Giang (H.Thường Tín), cho biết chính quyền địa phương cũng như người dân rất mong muốn cây cầu sớm đưa vào sử dụng để người dân thuận tiện trong việc đi lại.
“Khi triển khai, dự án cầu Chiếc mới có khoảng 30 hộ dân nằm trong diện đất nông nghiệp phải thu hồi. Sau đó, việc đền bù, thu hồi đất của các hộ này diễn ra thuận tiện, nhanh chóng. Tuy nhiên, khi dự án triển khai đến khu vực 6 hộ dân phải di dời thì chưa thể thực hiện được”, bà Hoàn thông tin.
Theo bà Hoàn, 6 hộ dân có nguyện vọng di dời đến khu tái định cư nằm trong địa bàn xã chứ không muốn đi xã khác do quê quán, gốc tích tại đây. Hiện, địa phương đã có phương án tái định cư cho 6 hộ dân về khu vực cầu Chiếc cũ và người dân đã đồng ý về đây.
“Đất tái định cư sẽ liên quan đến giá đền bù và định giá đất đầu đi, đầu đến. Vừa rồi Hội đồng thành phố đã ra nghị quyết và có giá đầu đi, đầu đến. Tới đây, huyện sẽ triển khai giao đất cho người dân và thực hiện di dời...", bà Hoàn cho hay.
Bình luận (0)