Cá... cưng kỳ lạ
Việc anh Chiến chăm bẵm cho đàn cá tai tượng như vỗ về, đút ăn cơm trắng bằng muỗng như cho em bé ăn khiến nhiều người thích thú.
|
|
Cầm tô cơm trắng, anh Chiến bước khẽ xuống cầu, dùng muỗng gõ nhẹ vào tô, lập tức đàn cá nổi lên như mừng được gặp chủ. Sau một hồi vỗ về đàn cá, anh xúc muỗng cơm đầy từ từ đưa xuống mặt nước, từng con cá lần lượt thay phiên nhau ngoi lên ăn.
“Nếu rải cơm xuống nước đàn cá cũng chẳng thèm ăn đâu. Phải để cơm vào tô, rồi gõ liên hồi vào thành tô thu hút sự chú ý để đàn cá tập trung về ăn, sau đó cầm muỗng đút từng con. Con cá cũng giống mấy con thú cưng như chó, mèo… mình cho ăn hằng ngày, vuốt ve nên nó quen rồi nó thân thiện, quấn quýt chủ”, anh Chiến nói.
|
|
Anh Chiến có thể nhớ từng con cá nhờ vào đặc điểm nhận dạng như con có vết sẹo ở mỏ, con có những vệt đen trên đỉnh đầu, con thì rất lanh và “láo” nhất trong bầy, con thì ăn luôn ngậm muỗng...
Đặc biệt, trong đàn có một con bị dao của khách tham quan vô ý cắm sâu vào đầu may mắn thoát chết, được anh Chiến đặt tên là “Sống”. Đây cũng là con cá anh thương nhất.
|
|
|
Cá biết 'nhõng nhẽo'
Anh Chiến kể hơn 30 năm trước, ông cố của anh tên là Nguyễn Ngọc Tứ mưu sinh bằng nghề dỡ chà (người dân dùng dùng các nhánh cây có sẵn dưới sông để "dụ" tôm cá - NV), đánh bắt cá trên sông Hậu. Nhưng ông chỉ chọn những con cá lớn để đem ra chợ bán, số cá nhỏ còn lại được đem thả vào mương trong vườn nhà để nuôi cho lớn. Cứ như thế đàn cá ngày càng nhiều.
“Số tuổi đàn cá này còn lớn hơn cả tôi. Lúc còn nhỏ, sáng nào tôi cũng thấy ông cố đi hái đọt khoai mì, khoai lang, cơm trắng cho ăn. Rồi cứ thế, ông cho cá ăn khoảng thời gian rất lâu nên cá quen ăn cơm trắng cho đến hiện tại”, anh Chiến cho biết.
Năm 2001, cụ Tứ qua đời vì tuổi cao. Vài ngày sau khi ông cố mất, anh Chiến ra cho cá ăn thì không thấy cá nổi lên ăn như mọi khi dù đồ ăn rải khắp mặt ao.
“Suốt cả tháng sau, tôi mới nhớ chuyện ông cố cho cá ăn bằng cơm trắng nên vội lấy tô cơm ra, dùng muỗng gõ vào tô để tập trung cá lại, nhưng rải xuống chúng cũng chẳng thèm ăn. Tôi nghĩ chắc chúng buồn vì không có bóng dáng ông. Về sau, mỗi ngày tôi đều ra thăm, dần dần đàn cá thấy quen, tôi bắt đầu đút cơm cho từng con thì chúng mới chịu ăn”, anh Chiến cho biết.
|
Thời gian gần đây, nhiều du khách từ các tỉnh tìm đến chiêm ngưỡng đàn cá và rất thích thú. Tuy nhiên, cá cũng rất kén khách, nếu khách nào thân thiện thì cá mới lên ăn.
“Có lần, nhiều khách đến đây tham quan, rồi đứng ở trên trêu đùa rằng cho ăn xong rồi đem lên chiên xù luôn. Nghe xong đàn cá sợ, khách đưa muỗng cơm xuống cho ăn cũng chẳng chịu ngoi lên. Chỉ đến khi khách về, tôi ra cho ăn thì chúng mới chịu lên lại”, anh Chiến cho biết.
Được tự tay đút cho đàn cá tai tượng ăn, nhiều người tỏ ra thích thú. Chị Trần Thị Lan Hạnh (22 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cho biết: “Trước tới giờ chỉ biết được cá bú bình, còn chuyện đút cơm cho cá ăn như đút cơm cho em bé thì quả là rất lạ. Lúc đầu tôi cũng không biết đút sao, nhưng anh Chiến hướng dẫn phải đút nhẹ nhàng, tình cảm thì cá mới ăn”.
Bình luận (0)