Kỳ lạ giếng cổ miền Tây hơn trăm tuổi nước ngọt quanh năm dù hạn mặn khốc liệt

Bắc Bình
Bắc Bình
26/03/2024 15:41 GMT+7

Giữa vùng đất bị xâm nhập mặn khốc liệt nhất của tỉnh Bến Tre có một cái giếng cổ sâu khoảng 10m, hơn 130 năm qua vẫn cho nước ngọt quanh năm mà không phải trùng tu, sửa chữa hay nâng cấp gì.

Cứu cánh của hàng trăm quán cháo, cà phê…

Nếu Bến Tre là tỉnh cuối nguồn sông Mê Kông, chịu ảnh hưởng nặng nhất của nạn xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL thì Thạnh Phú là một trong 3 huyện ven biển của tỉnh chịu đựng sự khốc liệt nhất của nạn xâm nhập mặn ở tỉnh này.

Trong hơn 1 tháng qua, toàn H.Thạnh Phú đã bị xâm nhập mặn bao trùm. Cùng với đó, nước cấp từ các nhà máy đã hầu hết không còn sử dụng để nấu ăn, cho gia súc uống được nữa... trong khi vùng đất Thạnh Phú không có nước ngầm. 

Do vậy, giếng cổ Hương Liêm trở thành cứu cánh kịp thời cho hàng ngàn người gồm hàng chục quán cháo, hủ tiếu, dịch vụ gội đầu, quán cà phê, vườn hoa kiểng ở địa phương.

Kỳ lạ giếng cổ miền Tây hơn trăm tuổi nước ngọt quanh năm dù hạn mặn khốc liệt- Ảnh 1.

Giếng cổ Hương Liêm trong ngay phía sau Nhà cổ Huỳnh Phủ

BẮC BÌNH

Kỳ lạ giếng cổ giữa vùng xâm nhập mặn: 134 năm cho nước ngọt không ngừng

"Nước từ nhà máy đã mặn chát lâu rồi, gội đầu không có bọt luôn nên tui phải mua nước từ xe bồn của chú Tám suốt mấy tháng xâm nhập mặn. Xung quanh đây, đa số gian hàng bán cháo, bún, quán cà phê… cũng phải kêu xe bồn của chú Tám chở tới mới kinh doanh được. Riêng nước uống thì người dân thường mua nước mưa với giá 300.000 đồng/xe/1m3", chị Hồ Thị Tuyền, chủ cơ sở làm tóc ở chợ xã Tân Phong, H.Thạnh Phú cho biết.

Giếng cổ này nằm trong khuôn viên nhà cổ Huỳnh Phủ (ở ấp Khu Phố, xã Đại Điền, H.Thạnh Phú, Bến Tre) do ông Huỳnh Ngọc Khiêm (Hương Liêm, 1843 - 1927), đầu tư xây dựng cách nay trên 134 năm. Người trong gia phả cụ Hương Liêm và người dân quanh đây thường gọi cái giếng này là giếng cổ Hương Liêm.

Cụ Hương Liêm nổi danh khắp Nam bộ xưa với ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ độc đáo bậc nhất trong vùng. Ngôi nhà cổ này được cụ đầu tư xây dựng trong 14 năm (1890-1904) với rất nhiều giai thoại ly kỳ trong quá trình xây dựng. Cùng với đó là sự đồ sộ về quy mô, về giá trị nguyên vật liệu (gỗ quý, vàng…), và đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đặc sắc đậm nét văn hóa Nam bộ xưa. 

Trải qua các cuộc chiến tranh, ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ vẫn nguyên vẹn. Năm 2011, kiến trúc nhà cổ Huỳnh Phủ được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích Quốc gia và UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với gia đình trùng tu sơ bộ lại trở thành điểm du lịch văn hóa nổi tiếng tại xứ Dừa.

Kỳ lạ giếng cổ miền Tây hơn trăm tuổi nước ngọt quanh năm dù hạn mặn khốc liệt- Ảnh 2.

Mỗi ngày gia đình ông Huỳnh Ngọc Tám bom được khoảng 10 m3 nước ngọt từ giếng cổ này

BẮC BÌNH

Tính đến nay, giếng cổ Hương Liêm đã được truyền qua 6 đời trong gia phả họ Huỳnh này. Và hiện do ông Huỳnh Ngọc Tám (59 tuổi) gìn giữ và khai thác nước.

Theo ông Huỳnh Ngọc Tám, khuôn viên nhà cổ Huỳnh Phủ rộng khoảng 5 công đất (5000 m2). Đây là diện tích đất được cụ Hương Liêm chọn ra từ trong hơn 2000 ha đất mà cụ sở hữu lúc sinh thời. Cụ Hương Liêm đã cho làm giếng này trước khi khởi công xây dựng nhà cổ Huỳnh Phủ (năm 1890). Giếng cổ tọa lạc ngay phía sau nhà cổ Huỳnh Phủ. Tuy vậy, do sự phân chia tài sản trong gia đình nên ông Huỳnh Ngọc Tám chỉ được quản lý, sử dụng giếng cổ và vài công đất phía sau, trong khi ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ do ông Huỳnh Ngọc Thu (anh trai thứ tư của ông Tám) quản lý và kinh doanh du lịch.

Giếng tưới vườn nho, cải bẹ xanh giữa lúc xâm nhập mặn

Giếng cổ được xây dựng theo phương thẳng đứng bằng 12 tầng đá mài xếp lên nhau, sâu khoảng 10 m, chu vi dạng hình chữ nhật. Đáy giếng cũng được lót bởi lớp đá mài kiên cố. Nước ngọt từ các khe đá rỉ ra mỗi ngày được khoảng 10 m3. Và suốt hơn 134 năm qua, các đời con cháu cụ Hương Liêm chỉ khai thác nước để sử dụng mà chưa hề phải trùng tu, sửa chữa giếng cổ này lần nào.

Kỳ lạ giếng cổ miền Tây hơn trăm tuổi nước ngọt quanh năm dù hạn mặn khốc liệt- Ảnh 3.

Nước giếng cổ Hương Liêm tưới tiêu cho vườn nho hơn 300 góc của ông Huỳnh Ngọc Tám luôn xanh tốt để phục vụ khách du lịch

BẮC BÌNH

"Tui lấy vợ ra riêng được cha, mẹ chia 3 công đất, trong đó có cái giếng này. Thấy nước ngọt, trong vắt suốt, trong khi nhiều chủ đất ở trong xã, các xã lân cận và ngay cả sát bên ranh đất tui cũng đào giếng nhưng nước bị nhiễm phèn nặng mùi, màu nước vàng khè luôn. Cho nên mấy năm trước gia đình tui định làm cơ sở nước đóng chai đem bán và đã lấy mẫu đi thử tại Sở KH-CN Bến Tre, cho kết quả đạt tiêu chuẩn để làm nước đóng chai. Tuy nhiên, vào mùa khô nước máy nhiễm mặn, những người bán hàng cháo, bán quán cà phê, tiệm làm tóc gội đầu… cứ kêu chở nước tới chia sẻ cho họ. Vậy là tui sắm xe lôi kéo và cái thùng phuy 1m3 chở tới nhà bán giá 100.000 đồng cho họ. Mà không đủ bán đâu, người ta gọi miết nhưng mình chỉ có 10 m3 nước trong ngày thôi, nên không làm nước đóng chai nữa", ông Tám chia sẻ.

Kỳ lạ giếng cổ miền Tây hơn trăm tuổi nước ngọt quanh năm dù hạn mặn khốc liệt- Ảnh 4.

Ông Huỳnh Ngọc Tám chở nước ngọt đi bán

BẮC BÌNH

Nhờ nguồn nước ngọt từ giếng cổ của tổ tiên để lại nên các gia đình của anh, chị, em của ông Tám sống xung quanh nhà cổ Huỳnh Phủ cũng không phải xài nước từ các nhà máy dẫn ngang. Đáng chú ý, ông Tám còn tận dụng nguồn nước ngọt từ giếng cổ Hương Liêm để canh tác, tưới tiêu cho vườn cải bẹ xanh, giàn bầu rộng gần 1000 m2 và vườn nho hơn 300 gốc của mình.

Kỳ lạ giếng cổ miền Tây hơn trăm tuổi nước ngọt quanh năm dù hạn mặn khốc liệt- Ảnh 5.

Vườn cải bẹ xanh mơn mởn giữa lúc xâm nhập mặn của gia đình ông Huỳnh Ngọc Tám

BẮC BÌNH

Giữa cái nắng như 'chọi lửa vào người' ở Nam bộ những tháng sau Tết Nguyên đán, vườn rau cải xanh tươi, giàn nho trĩu quả tươi tốt của gia đình ông Tám trở thành điểm đến thu hút rất nhiều khách du lịch gần xa.

Ông Nguyễn Văn Đến (67 tuổi, ở xã Thới Thạnh, H.Thạnh Phú, Bến Tre, là thương binh ¼), chia sẻ rằng trong kháng chiến, đơn vị của ông cũng nhiều lần đóng quân ở xã Đại Điền gần giếng cổ Hương Liêm. 

"Tôi nghe mọi người thường nói cụ Hương Liêm đã chọn đúng vị trí 'long mạch' để cất nhà, đào giếng nhờ đó mà nước ngọt dồi dào quanh năm. Cũng không rõ thực hư nhưng quả thật rất thán phục ông cụ Hương Liêm không biết bằng cách nào đã chọn trúng khu vực đất tốt như vậy để an cư. Đó là sự đáng nể của các bậc tiền nhân", ông Đến nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.