Tại cuộc họp cung ứng điện mùa khô và chuẩn bị đóng điện các dự án điện mặt trời được Tập đoàn Điện lực (EVN) tổ chức hôm nay, 17.5, ông Nguyễn Đức Ninh, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết: Trong 65 năm, ngành điện đã tổ chức hòa lưới, đóng điện cho 147 nhà máy (từ 30 MW), nhưng chỉ trong 3 tháng 4,5,6 của năm 2019, con số này riêng của điện mặt trời đã là 88 nhà máy. Đây là một con số kỉ lục!
“Phải thuê lại người nghỉ hưu”
Ông Ninh kể, nếu tính đến giữa tháng 4.2019, trên hệ thống điện chỉ có 4 nhà máy (NM) điện mặt trời (ĐMT) với tổng công suất chưa tới 150 MW, thì đến ngày 17.5 con số này gấp gần 7 lần (với 27 NM, có tổng công suất gần 1.500 MW). “Đó là một con số tăng kỉ lục, nhưng chỉ tháng sau thôi kỉ lục mới sẽ được thiết lập khi mà vẫn còn khoảng 60 NM chắc chắn đóng điện trước ngày 30.6”, ông Ninh nói.
Báo cáo của A0 cũng minh hoạ, như với Điều độ miền Nam (A2), nếu cả năm 2018 đóng điện cho 21 trạm/dự án, nhưng tuần qua, có đêm A2 đã phải liên tục đóng điện cho 3 dự án. Số lượng các NM có nhu cầu đóng điện tăng vọt, nhất là ở khu vực phía Nam, khiến A0 lẫn A2 gần như quá tải.
Mặc dù đã số hoá rất nhiều khâu từ tiếp nhận hồ sơ online, nghiệm thu, đánh giá thí nghiệm từ xa, chữ ký điện tử, mở hàng trăm nhóm chát để trao đổi, hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục… song khối lượng công việc khiến A0 phải chia 3 ca và 5 kíp mỗi ngày nhưng vẫn không đủ nhân lực.
“Chỉ tính riêng 300 nhóm chát viber mà chúng tôi mới thành lập, trung bình mỗi ngày (từ 6h sáng đến 12 đêm) chúng tôi tiếp nhận cỡ 5.000 – 6.000 tin nhắn của các chủ đầu tư, nhà thầu dự án ĐMT”, một cán bộ kỹ thuật của EVN chia sẻ.
Theo ông Ninh, trước tình thế đó, ngoài việc điều chuyển tạm thời các nhân sự ở các bộ phận phía Bắc vào các Điều độ khu vực miền Nam và miền Trung thì để phục vụ nghiệm thu đóng điện, Tập đoàn đã phải ký lại khoảng 10 hợp đồng ngắn hạn với các cán bộ đã nghỉ chế độ, thậm chí “triệu hồi” một số cán bộ đang được cử đi đào tạo nước ngoài về. “Họ đều là những người có chuyên môn và kinh nghiệm, hoặc là những cán bộ “key”, ông Ninh nói thêm.
Vừa mừng vừa lo
Báo cáo mới nhất về cung cung ứng điện mùa khô 2019 của EVN cho hay, dù chưa phải là cao điểm của mùa nắng nhưng sản lượng tiêu thụ trong 4 tháng đầu năm đã đạt 73,35 tỉ kWh, cao hơn 628 triệu kWh so với kế hoạch và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc A0 cho biết, mặc dù nhu cầu tiêu thụ điện tăng lên nhưng việc huy động nguồn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở thủy điện, khi nhiều hồ ở miền Trung và miền Nam đều có trữ lượng nước thấp. Trong khi đó, nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than, điện khí cũng gặp nhiều khó khăn.
Ngành điện đã phải huy động nguồn chạy dầu giá trên 5.000 đồng/kWh với tổng sản lượng khoảng 46 triệu kWh. Trong bối cảnh đó, với việc đưa vào các dự án năng lượng tái tạo, phần nào đó sẽ giảm bớt sự thiếu hụt về năng lượng tại miền Nam, qua đó tăng cường an ninh cung ứng điện và giảm căng thẳng trong công tác vận hành hệ thống điện.
Cụ thể, tính đến 17.5, tổng công suất đặt các NM ĐMT đã gần 1.500 MW. Dự kiến đến thời điểm 30.6, với việc đưa vào vận hành thêm 63 NM nữa thì tổng công suất lên đến 3.000 MW.
Tuy nhiên, ông Khu cho hay, ngày 16.5, công suất cao nhất mà 27 NM ĐMT phát ra là 1.200 MW, song sản lượng điện thu về chỉ 600 triệu kWh, bằng ¼ sản lượng điện của một nhà máy điện than có công suất 1.000 MW. Ông Khu kể lại: Khoảng 12 giờ trưa ngày 7.5 vừa qua, tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận, khi A0 đang vận hành 650 MW các NM ĐMT thì đột ngột giảm nhanh xuống còn 200 MW do có đám giông. “Cũng may thời điểm đó đường dây 500kV còn dự phòng 200 MW nên hệ thống không vấn đề gì”, ông Khu nói.
Còn ông Ninh cho biết thêm, như tại NM ĐMT đầu tiên là Phong Điền, thực tế vận hành cho thấy mức độ thay đổi 60-80% chỉ diễn ra trong vòng 5-10p. “Trong một ngày, số lần công suất thay đổi trên 50% là từ 3-5 lần. Khi đó, thách thức cho hệ thống điện là rất lớn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang có rất ít nguồn dự phòng”, ông Ninh lo ngại.
Bình luận