Đụng đâu cũng vướng vì luật Quy hoạch

Chí Hiếu
Chí Hiếu
07/05/2019 06:56 GMT+7

Nhiều địa phương, bộ, ngành đã đồng loạt "kêu" lên Chính phủ tình trạng các dự án phát triển kinh tế - xã hội đang ách tắc, không thể triển khai vì luật Quy hoạch mới có hiệu lực từ đầu năm 2019.

“Không xử lý sớm thì đình trệ hết”

Tất cả vấn đề đều do chúng ta hết, từ chúng ta hết. Nếu không xử lý sớm
thì cả nước đình trệ hết vì quy định của luật
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
“Một nhà máy điện giờ muốn đầu tư cũng không được, vì không bổ sung được quy hoạch. Bộ GTVT giờ muốn triển khai một công trình giao thông cũng không làm được vì không có trong quy hoạch. Tất cả vấn đề đều do chúng ta hết, từ chúng ta hết. Nếu không xử lý sớm thì cả nước đình trệ hết vì quy định của luật”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đã thốt lên như vậy khi “đòi nợ” Bộ KH-ĐT sớm có nghị định hướng dẫn luật Quy hoạch tại cuộc họp của Tổ công tác Thủ tướng diễn ra mới đây. Một báo cáo tổng hợp chưa đầy đủ của Văn phòng Chính phủ cho thấy, đến gần giữa tháng 4, cả nước đã có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Cùng với đó là khoảng 25 quy hoạch các ngành như quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh; quy hoạch khoáng sản; quy hoạch điện lực; quy hoạch cấp nước của các vùng kinh tế trọng điểm không thể ban hành cũng tại... luật Quy hoạch mới.
Trao đổi với Thanh Niên mới đây, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), minh họa cho thực tế trên: “Tôi e rằng trong lĩnh vực khoáng sản, nếu thực hiện theo luật Quy hoạch mới thì sẽ không có một dự án mới nào được bổ sung, đưa vào khai thác trong vài ba năm tới”. Theo ông Hoài, các dự án mới trong lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng mà cục này phụ trách đang treo hết. “Trước đây, nếu để lập một quy hoạch khoáng sản mất khoảng vài tháng đến nửa năm là nhanh thì nay do yêu cầu tích hợp nên hàng chục loại khoáng sản từ quặng sắt, bauxite, ti tan... đều nằm trong một quyết định. Cho nên vô cùng khó”, ông Hoài nói.
Trong khi đó, báo cáo cụ thể các vướng mắc trong ngành công thương lên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, hiện bộ này đã và đang tiếp nhận gần 370 đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, trong đó có tới 277 dự án nguồn điện, 91 dự án lưới điện. “Thậm chí, trong số này có 19 dự án điện mặt trời đã được Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch nhưng Bộ Công thương chưa có cơ sở để thẩm định hoặc trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung quy hoạch”, báo cáo của Bộ Công thương nêu. Còn Bộ TN-MT thì cho biết, hiện nay có 5 địa phương chưa thể ban hành quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 2016 - 2020 là TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau và Hải Dương. Ngoài ra, hàng loạt địa phương muốn điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cũng bị mắc kẹt. Ví dụ, tại Ninh Thuận và Bình Thuận không thể chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch ti tan trước đây sang để phát triển các dự án công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng hay các dự án điện mặt trời.

Sinh con rồi mới sinh cha ?

Một trong những vấn đề từng được coi là tiến bộ trong cách tiếp cận làm luật Quy hoạch là tư duy tích hợp, “chồng” các quy hoạch lên với nhau. Điều này được kỳ vọng hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, dễ dàng dẫn đến vỡ quy hoạch mà thực tiễn từng phải trả giá đắt, điển hình như quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm mà khi bước vào thực hiện gặp phải vướng mắc lớn nhất. Ông Trương Thanh Hoài cho hay, nói như quy hoạch khoáng sản, cái khó không chỉ ở chỗ phải tích hợp các loại khoáng sản với nhau mà còn nan giải ở chỗ từng loại khoáng sản đó phải trùng khớp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. “Cho nên, không biết Bộ phải trình tỉnh quy hoạch khoáng sản hay tỉnh phải trình Bộ để xem có tích hợp được không. Tức là chưa biết ai phải trình ai đây”, ông Hoài than thở.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nói đến tích hợp cái trên thì phải có từ cái dưới. “Không có tỉnh thì lấy đâu ra tích hợp quy hoạch vùng, không có vùng lấy đâu ra tích hợp quy hoạch quốc gia. Tuy nhiên, không biết bao giờ quy hoạch quốc gia được tích hợp. Nên hiện các quy hoạch dưới phải dừng lại hết cả, ví dụ 5 địa phương chưa phê duyệt được quy hoạch sử dụng đất”, ông Dũng nói. Cũng theo ông Dũng, điều oái oăm là muốn lập các quy hoạch bên dưới thì căn cứ để lập là phải trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt. Điều này chẳng khác nào sinh con rồi mới sinh cha. Đi kèm với đó là trong khi quy hoạch mới chưa được ban hành thì đã quy định bãi bỏ quy hoạch cũ, nhưng quy định chuyển tiếp tại luật Quy hoạch chưa đầy đủ nên không thể thực hiện được. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, có 52 luật, pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch mà pháp luật chuyên ngành liên quan đến các quy hoạch này đã hết hiệu lực từ 1.1.2019. Vì vậy, các quy hoạch này không thể trình để phê duyệt theo quy định của luật chuyên ngành mà cần theo luật Quy hoạch mới, song lại chưa có hướng dẫn.
Việc luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1.1.2019 và các luật quy hoạch chuyên ngành hết hiệu lực từ thời điểm này trong khi các quy hoạch thực hiện theo luật Quy hoạch mới chưa có đã gây khó khăn cho nhiều dự án, nhiều quy hoạch đã lập xong nhưng không thể điều chỉnh bổ sung và phê duyệt đã gây ách tắc ảnh hưởng đến đầu tư phát triển.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.