Trong những ngày lang thang khảo sát một vài "điểm nóng" bất động sản ở TP.HCM và một số tỉnh, thành lân cận, trái ngược với các miêu tả về tình trạng sốt nóng hầm hập mà người nọ rỉ tai người kia, cái chúng tôi chứng kiến tận mắt là không khí trầm lắng bao trùm. Nóng thực sự chỉ là nhiệt độ lên tới trên 40 độ của các tỉnh Nam bộ những ngày cuối tháng 4.
"Vặt" cả người mua và người bán
Anh T.L, người mua đang sở hữu vài chục công (1.000 m2/công) đất Cần Giờ (TP.HCM) cho biết, trong hơn 5 năm đầu tư xuống đây, anh đã mua nhiều lần, ở nhiều vị trí khác nhau nhưng 2/3 trong số đó là qua một cò mà anh L. gọi là "mối", cũng là người đầu tiên giới thiệu đất cho anh. "Hôm rồi cũng chính người đó xúi tôi bán giá 1 tỉ đồng/công. So với giá người này môi giới cho tôi mua cách đây hơn 5 năm thì cũng gấp 10 lần rồi nhưng tôi không bán" - anh cho biết và chép miệng, nói là mối nhưng họ chỉ coi mình như con gà để vặt lông thôi. Giá ngoài thị trường khu vực này giờ lên gần 2 tỉ đồng/công rồi mà xúi mình bán 1 tỉ đồng/công. "Chắc anh ta nghĩ tôi không cập nhật giá cả. Mình ú ớ gật đầu thì phần chênh lệch đó họ hốt hết. Cò giờ không chỉ ăn phí môi giới mà vặt cả người mua lẫn người bán. Người nào không biết là hố nặng" - anh L. nói.
tin liên quan
Ùn ùn kéo nhau xuống Cần Giờ 'săn' đấtĐiển hình là huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Đầu tháng 3 vừa rồi, giới cò đất, đầu nậu lan truyền thông tin, Đà Nẵng sắp thành lập quận Hiếu Đức trên cơ sở chia tách từ huyện Hòa Vang. Thông tin này đã tạo cơn sốt đất ảo trên địa bàn huyện. Để "dẹp loạn", Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND 11 xã và các cơ quan liên quan của huyện này yêu cầu khẩn trương tuyên truyền rộng rãi để người dân cẩn trọng, không giao dịch mua bán đất, tránh hậu quả đáng tiếc từ các chiêu trò “thổi” giá của “cò đất”. Đến giờ cò đất rút đi, thị trường bất động sản khu vực này đã im ắng trở lại. Tất nhiên, những người lao vào ôm hàng thì cầm chắc chôn vốn vô thời hạn, hoặc chấp nhận lỗ nặng nếu bán. Ở các điểm nóng sốt đất người ta rỉ tai, truyền miệng nhau những thông tin không ai kiểm chứng, thậm chí không có tín hiệu nào cho thấy bóng dáng của các thông tin đó.
Cũng vì kiểu "khoán giá" này, nhiều chủ bất động sản ngậm đắng nuốt cay vì mất một số tiền lớn vào tay cò. Chị H. (Q.7) bán căn nhà phố ở quận Bình Thạnh kể, mấy năm trước mua căn nhà diện tích 42 m2 mặt tiền đường khu chợ Thị Nghè với giá 2,5 tỉ đồng, cho thuê lại với giá 13 triệu đồng/tháng suốt 3 năm sau đó. Đến năm 2017 gia đình cần tiền, chị được cò T, chuyên môi giới nhà đất khu vực này tư vấn bán với giá 3,5 tỉ đồng, phí môi giới thỏa thuận là 1%/tổng giá trị hoặc "khoán 3,5 tỉ, bán hơn chút đỉnh thì em lấy, khỏi tính phí môi giới 1% để chị hưởng trọn luôn". Để thuyết phục, cò T. phân tích cho chị những bất lợi như "nhà mặt tiền nhưng không có vỉa hè, không đậu xe được nên khó làm ăn"; "khu vực này nằm trong quy hoạch lõi trung tâm TP, phóng đường mất nửa căn nhà"... Nghe hoảng, suy đi tính lại thấy phương án khoán giá lợi hơn nên chị H.giao chọn phương án này. "Mình bận rộn, lại đang cần tiền nên cuối cùng cũng chấp nhận bán 3,5 tỉ. Ai ngờ họ lại ăn bớt của mình gần cả tỉ bạc" - chị H. tức tối kể. Chuyện là sau đó qua lại làm thủ tục sang nhượng cho người mua chị mới phát hiện, căn nhà của chị thực chất được bán với giá 4,3 tỉ đồng.
Một cò đất khu vực Cần Giờ tiết lộ "ăn" từ 100 - 200 triệu đồng/công tùy vị trí, tùy thời điểm. "Mỗi lô đất 5-7 công, bán được một lô bỏ túi tiền tỉ ngay". Tất nhiên, một cây làm chẳng lên non nên giới cò cũng liên kết với nhau thành ê kíp. Mỗi người ăn một giá, đất bị đẩy lên trời.
|
Toàn môi giới "xào đi xào lại"
Sốt đất, giá đất tăng, người Trung Quốc vào mua nhiều lắm, dân Hà Nội đổ tiền mua xỉ không à... là những lời mà người mua thường được cò đất rỉ tai khắp nơi. Nó khiến cho người ta có cảm giác, chậm chân là... hết đất. Nhưng hãy thử làm một vòng quanh điểm nóng bất động sản sẽ thấy một điểm chung, đông nhất cũng chỉ là cò đất, đầu nậu, môi giới xào qua xào lại với nhau. Chỗ nào cũng cảm giác khan hiếm nhưng muốn mua không thiếu, thậm chí muốn bao nhiêu cũng có. Những "điểm nóng" mà cò giới thiệu đều vắng tanh, vắng ngắt.
Anh T. một nhà đầu tư tại TP.HCM chôn vốn ở Phú Quốc gần 2 năm nay cũng vì nghe lời cò "mua nhanh sắp lên đặc khu muốn mua cũng không được". Đen cho anh T, ngay khi anh mua xong, Phú Quốc rơi vào tình trạng đóng băng do giá đất tăng ảo, chính quyền chính thức tạm ngưng giao dịch một thời gian/ Thị trường bất động sản Phú Quốc và các tỉnh "suýt" đặc khu rơi vào tình trạng đình trệ. Hơn 5 tỉ đồng anh rút ra từ ngân hàng "chôn" trong mấy nền đất không biết đến bao giờ. "Thời gian vừa qua nghe hết đợt sốt này tới đợt sốt khác nhưng sốt ở đâu chứ đất tôi mua có tăng đâu. Tôi muốn bán nhưng lỗ thì xót ruột nên vẫn để đó, chưa biết tính sao. Cứ bảo sốt đất, sốt ở đâu chứ mình đâu thấy/ Để tiền trong ngân hàng còn có tiền lãi đi chợ, giờ đúng là tiến thoái lưỡng nan" - anh T. chán nản nói.
Chị B. Ngọc còn cay đắng hơn, cò môi giới cho chị mua một nền đất ở Q.9 (TP.HCM) cách đây hơn 3 năm, đã đóng gần 1 tỉ đồng cho 2 đợt thanh toán đầu. Nhưng đến nay thửa đất vẫn không làm sổ đỏ được nên khách hàng không tiếp tục đóng tiền. "Giờ bỏ đó thì rủi ro vì không có giấy tờ, bán thì cò bảo chỉ mua với giá vốn, chưa biết tính thế nào cho đỡ thiệt hại. Chỉ sợ mình bán xong nó lại tăng giá thì đứt ruột" - chị Ngọc băn khoăn.
Trong khi các cò đất, đầu nậu, môi giới đua nhau thổi giá đất thì các doanh nghiệp bất động sản lại lo ngay ngáy tìm mọi cách thu gom quỹ đất. Bởi nếu họ chậm chân, giá đền bù sau này sẽ bị đẩy lên cao.
Cứ thế, cuộc chạy đua gom tất cả các loại đất của cò đất, của doanh nghiệp, của những người kỳ vọng ngủ dậy một đêm thành tỉ phú nhờ đất tăng giá lại tiếp tục...
Bình luận (0)