Kỳ lân Chợ Lớn: Nghĩa đường nhí

Trác Rin
Trác Rin
02/06/2018 13:06 GMT+7

Lang thang nơi đầu đường xó chợ, không chốn nương thân là hoàn cảnh của hầu hết thành viên trong đoàn lân sư rồng Long Nhi Đường.

Trong giới lân sư rồng ở TP.HCM, Long Nhi Đường (P.13, Q.8) được xem là đoàn lân của những đứa trẻ. Ở đó, các thành viên có độ tuổi từ 6 - 17 cùng túm tụm bảo bọc nhau, ngày ngày miệt mài luyện các kỹ năng để hành nghề.
Xây dựng cơ nghiệp
Trưởng đoàn Lê Văn Nam (26 tuổi, ngụ Q.8) sinh ra trong gia đình có bốn anh chị em, mồ côi cha từ nhỏ. Năm lên 10 tuổi, anh bỏ nhà đi bụi. Hằng ngày, Nam lang thang khắp khu Chợ Lớn lượm ve chai, bán vé số, vé dò... sống lay lắt qua ngày. Tới bữa, anh lần mò vào các ngôi chùa để xin cơm ăn miễn phí.
Vốn có “máu” múa lân sư rồng và muốn có nơi dung thân, Nam lần mò xin đầu quân cho các nghĩa đường nhưng bị từ chối vì tuổi quá nhỏ. Bốn năm sau khi 14 tuổi, cơ thể đã cứng cáp cậu thiếu niên bụi đời mới được nhận làm đệ tử trong đoàn lân Tinh Võ Đường (Q.8).
Kỳ lân Chợ Lớn: Nghĩa đường nhí1
Gia Phát sinh hoạt ở Long Nhi Đường (đường Lương Ngọc Quyến, Q.8)
Học đúng một năm, thấy quá nhiều em nhỏ sống lang bạt xin vào nghĩa đường nhưng không được nhận, Nam quyết định táo bạo: lấy hết số tiền dành dụm bấy lâu mua một con lân rồi xin phép sư phụ ra mở đoàn riêng.
Chuyện thường ngày khi tập luyện
Chấn thương khi luyện tập múa lân là chuyện xảy ra thường xuyên. Vì thế dầu gió, rượu thuốc luôn được mang theo để xoa bóp nếu ai té ngã. Hôm trước khi thực hiện động tác nhảy từ trên cao xuống chiếc ghế gỗ, Quốc Trí “ăn” nguyên cái chân ghế làm vết thương sưng tấy lên. Một đồng đội thấy vậy vội lấy dầu xoa bóp. Trí xuýt xoa: “Hôm qua em mới bị thương ở bàn chân nhưng chịu nổi. Giờ cái giò tím vầy chắc tối nay nghỉ tập luôn quá”.
Những ngày đầu thành lập, đoàn lân của Nam tề tựu đám trẻ từ 9 - 13 tuổi, hầu hết là trẻ bụi đời, sống lang thang. Đám trẻ hằng ngày vác lân đi múa dạo, ai cho gì nhận nấy. Sau đó, cả nhóm nhất trí mỗi đứa sẽ nuôi một ống heo, một ngày bỏ 3.000 đồng, cuối năm đập heo lấy tiền sắm dụng cụ múa lân. Một năm sau, đoàn sắm được cái trống mới cùng một số dụng cụ nhưng…không có chỗ cất. Đám trẻ lít nhít lại đi gõ cửa khắp các chùa, đình ở Chợ Lớn cuối cùng cũng xin được nơi cất đồ nghề.
Theo học vỏn vẹn một năm ở Tinh Võ Đường nên các kỹ năng múa lân của Nam chưa thực sự bài bản, anh quyết định dẫn cả nhóm lén đi học các đoàn lân khác lúc họ tập luyện. Thấy đám nhỏ tội nghiệp, nhóm nghĩa đường khác liền kêu vào và chỉ bảo cho một số thế diễn. “Mấy anh lớn thấy toàn trẻ con nên thương tình dạy bảo, còn những tuyệt chiêu mấy ảnh mới giữ lại thôi”, anh Nam nhớ lại.
Đến nay đoàn lân đã tồn tại gần 10 năm, có chốn ăn chốn ở đàng hoàng. “Về sau, đoàn nhận được nhiều show diễn, nhiều nhà tài trợ cũng tìm đến giúp đỡ. Đoàn quy tụ nhiều trẻ mồ côi nên chính quyền địa phương cho mượn căn nhà ở đường Lương Ngọc Quyến (P.13, Q.8) để tá túc”, anh Nam thở phào nói về thực tại.
Những đứa trẻ lang bạt
Kỳ lân Chợ Lớn: Nghĩa đường nhí2
Kỳ lân Chợ Lớn: Nghĩa đường nhí3
Thành viên trong đoàn lân sư rồng Long Nhi Đường đang thực hiện động tác nhảy lên chiếc ghế gỗ
Những đứa trẻ sống ở Long Nhi Đường đều có hoàn cảnh đặc biệt. Lê Võ Minh Hậu (11 tuổi, quê TP.Vũng Tàu) mồ côi cha, mẹ dắt Hậu lên nương nhờ nhà người cậu ruột ở TP.HCM. Thấy mẹ đi làm không đủ lo cho mình ăn học, Hậu viết “tâm thư” rồi bỏ nhà đi. Trong thư, Hậu nhắn với mẹ rằng con sẽ tự kiếm sống, khi nào có tiền mới trở về. Vậy là Hậu lang bạt khắp nơi và cuối cùng tìm tới Long Nhi Đường xin gia nhập.
Anh em Lê Gia Phát (9 tuổi) và Lê Gia Phúc (6 tuổi) còn thê lương hơn. Từ nhỏ, hai đứa trẻ phải theo bà ngoại lượm ve chai khắp nơi kiếm sống. Một hôm, bà dẫn hai đứa tới nhóm trẻ đang tập múa lân ở chân cầu Chà Và (Q.8) “gửi” một lát với lý do đi mua sữa. Từ đó ngoại không trở lại. Long Nhi Đường lại dung nạp thêm hai môn đồ đặc biệt. “Hai đứa nhỏ được mấy anh trong đoàn lân cưng lắm. Cả mấy người hàng xóm cũng thương tình hay qua chơi cùng. Bất khả kháng người thân mới bỏ rơi nên tui sẽ ráng đào tạo tụi nhỏ nên người...”, anh Lê Văn Nam nói về hai đệ tử em út của đoàn.
Gia nhập đoàn lân bốn năm nay, Trần Quốc Trí (14 tuổi, ngụ đường Nguyễn Văn Linh, H.Bình Chánh) giờ là trụ cột của Long Nhi Đường. “Lúc 10 tuổi em đã vào đoàn rồi. Cha mẹ nghèo khó, không lo nổi nên em gia nhập vào đây để học múa lân, tự nuôi thân. Mùa tết vừa rồi em dư được 2 triệu đồng mang về cho mẹ sắm sửa, dư được ít em để dành phòng thân”, Trí cho hay.
Trừ khi đi diễn, buổi sáng các em nhỏ ở Long Nhi Đường đều tới lớp học tình thương ở Nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11) để học các môn thể thao và học thêm tiếng Việt, tiếng Anh. Lớp học có khoảng 20 học sinh. Gia Phúc còn nhỏ nên cứ quấn quýt bên cô giáo trong lớp, Gia Phát, Minh Hậu ra sân chơi thể thao cùng các bạn. Ở đây, các em được giáo viên nước ngoài đứng lớp dạy tiếng Anh, học bơi, chơi bóng bầu dục, đá bóng.
Kỳ lân Chợ Lớn: Nghĩa đường nhí5
Một thành viên nhí tập múa đầu Ảnh: Trác Rin
Nói về tương lai các đệ tử, mắt anh Lê Văn Nam chợt lóe lên: “Tui biết múa lân chỉ là đam mê thôi chứ không nuôi sống tụi nhỏ được. Giờ ban đêm tụi nhỏ học múa lân, ngày đi học ở lớp học tình thương. Coi như đó là hành trang để sau này tụi nhỏ có tương lai tươi sáng, chọn đúng con đường hơn...”.
Những bữa ăn miễn phí
Đi diễn xa với hàng chục thành viên nên để tiết kiệm tiền ăn, các đoàn lân thường vào chùa để có bữa cơm miễn phí. Khi các thành viên đã chén no nê và đi nghỉ ngơi, phải có một vài người ngồi lì ở bàn để không ai dọn dẹp. Lát sau các thành viên tập trung “ăn hiệp hai”. “Tiết kiệm là “quốc sách”. Ăn xong nếu còn dư lấy bịch ni lông trút hết vào, về Sài Gòn ăn tiếp. Đây là việc bình thường ở mỗi đoàn lân rồi”, sư phụ Ôn Gia Huy (Huy Nghĩa Đường, Q.5) cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.