Kỷ luật học sinh phản giáo dục!

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
09/12/2020 07:36 GMT+7

Sự việc nữ sinh N.T.N.Y, học lớp 10 Trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) nghi tự tử để phản ứng các biện pháp kỷ luật của nhà trường, một lần nữa báo động về những biện pháp kỷ luật học sinh phản giáo dục .

Theo ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh (HS), sinh viên (Bộ GD-ĐT), khi quy định mới về khen thưởng, kỷ luật HS có hiệu lực áp dụng sẽ thay thế thông tư hiện hành đã tồn tại gần 40 năm qua với nhiều quy định rất lạc hậu, lỗi thời. Cụ thể, ngoài bỏ quy định đuổi học, dự thảo thông tư về khen thưởng và kỷ luật HS còn bỏ hình thức khiển trách HS trước lớp, trước toàn trường...

Giáo viên nghĩ phải kỷ luật “thép” mới có uy?

Điều mà dư luận quan tâm là tính khả thi của những quy định trong dự thảo. Tính ưu điểm, nhân văn của hình thức kỷ luật tích cực đã được thừa nhận. Tuy nhiên, với đội ngũ giáo viên (GV) và các nhà trường hiện nay đã quen với việc kỷ luật HS bằng hình phạt, phê bình, đuổi học
Trong giáo dục, thầy cô không phải đang ban ơn cho học sinh mà giáo dục giúp học sinh nhận thức đúng, sai. Thầy cô phải là người có nhận thức đúng để bảo vệ suy nghĩ đúng của học sinh. Nhà giáo phải có “ân” và “uy” cũng giống như nhà trường phải có kỷ cương - tình thương
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội
Sự việc xảy ra ở Trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) là một ví dụ điển hình cho lo ngại này. Dù chưa có quy định chính thức về kỷ luật, khen thưởng HS, nhưng những thông tư mới nhất mà Bộ GD-ĐT ban hành như Điều lệ trường tiểu học, THCS, THPT hay những quy định trước đó về trường học thân thiện, HS tích cực; quy tắc ứng xử trong trường học... đều nhấn mạnh những quy định như “tuyệt đối không phê bình HS trước lớp, trước trường”…
Nam sinh một trường học tại TP.HCM phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường do “xúc phạm” một nhóm nhạc gây bức xúc dư luận ẢNH: CẮT TỪ CLIP

Nam sinh một trường học tại TP.HCM phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường do “xúc phạm” một nhóm nhạc gây bức xúc dư luận

ẢNH: CẮT TỪ CLIP

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, cho rằng: Trong sự việc nữ sinh lớp 10 uống thuốc tự tử vì cho rằng mình bị GV phê bình, mắng mỏ, ép đi học thêm; nhà trường bêu tên trước cờ...; cách xử lý của nhà trường chưa đúng và đã tạo ra những tổn thương dẫn đến mất niềm tin cho nữ sinh. Trong trường học, muốn dân chủ trước hết HS phải được tôn trọng, hiểu được quyền HS. “Trong giáo dục, thầy cô không phải đang ban ơn cho HS mà giáo dục giúp HS nhận thức đúng, sai. Thầy cô phải là người có nhận thức đúng để bảo vệ suy nghĩ đúng của HS. Nhà giáo phải có “ân” và “uy” cũng giống như nhà trường phải có kỷ cương - tình thương”, ông Lâm nhấn mạnh.
Lý giải về việc dù Bộ GD-ĐT đã có những thay đổi theo hướng kỷ luật tích cực với HS, trong đó không phê bình HS trước lớp, trước trường, tuy nhiên vẫn có những sự việc xảy ra, ông Lâm cho rằng: Trong những trường hợp tương tự, “cái tôi” của các thầy cô quá lớn, thói quen giáo dục áp đặt, quyền uy, không xuất phát từ tình thương. Ngoài ra, cũng có thể xuất phát từ quyền lợi nào đó của một số thầy cô, dẫn đến chuyện chèn ép, bắt bẻ lỗi của HS.

Thời đại 4.0 không thể cảnh cáo toàn trường

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), chia sẻ: Biện pháp giáo dục, kỷ luật tích cực với HS yêu cầu nhà trường, GV tăng tính giáo dục nhiều hơn, có những nội dung cụ thể, kiên trì hơn trong việc giúp HS sửa lỗi. Không được sử dụng các biện pháp “trừng phạt” HS về tinh thần và thể chất. “Biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực” - một khái niệm mới rất đáng được lưu ý. “Thời đại 4.0 này, nếu cảnh cáo trước toàn trường sẽ là cảnh cáo “trước toàn thế giới”. Học trò mắc lỗi bị áp lực quá nặng nề, khó lòng vươn lên...”, ông Khang nói.
Ông Khang cũng cho rằng: “Kỷ luật HS, thậm chí đến mức “tạm dừng học tập” chỉ nên được coi giải pháp bất đắc dĩ, hy hữu mới phải áp dụng”.
PGS Nguyễn Hồng Thuận, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý học - giáo dục học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng: Kỷ luật cần được hạn chế công bố trước tập thể vì làm như vậy sẽ hạ thấp nhân phẩm của HS, làm mất niềm tin, gây ra định kiến với HS vi phạm, dẫn đến tự ti, khó vượt qua rào cản tâm lý trong quan hệ với thầy cô, bạn bè và nảy sinh những vấn đề tâm lý khác.

Sẽ xác định trách nhiệm các bên liên quan

Ngày 8.12, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HS - sinh viên (Bộ GD-ĐT), cho hay đã nắm được thông tin sự việc về nữ sinh. Bộ đã chỉ đạo Sở GD-ĐT An Giang đề nghị nhà trường xác minh làm rõ sự việc, tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần HS. Theo ông Linh, tới đây sẽ tiếp tục xác định trách nhiệm các bên liên quan như nhà trường, GV, HS, gia đình HS... để có biện pháp chấn chỉnh, các hoạt động giáo dục của nhà trường, thực hiện theo đúng quy định của ngành. 
Trước câu hỏi của PV Thanh Niên về việc làm thế nào để thay đổi nếp nghĩ của GV rằng phải kỷ luật “thép” thì mới tạo được “uy” trước HS, PGS Hồng Thuận cho rằng: “Chúng tôi mong rằng khi thông tư mới ra đời sẽ giúp GV thay đổi nhận thức về kỷ luật với HS. Hiện nay mục tiêu của GV là dùng kỷ luật hà khắc để ngăn chặn hành vi nhưng đó là cách làm máy móc, cứng nhắc và đã lạc hậu trong giáo dục. Khi GV thay đổi thì có lẽ chưa cần phải dùng đến hình thức kỷ luật và các hình phạt mà chỉ cần bằng hành động, lời nói của GV đã có thể khiến HS thay đổi nhận thức. Mục tiêu giáo dục HS vì thế cũng đạt được một cách nhẹ nhàng, thân thiện hơn”.

Học sinh có quyền khiếu nại, nếu…

PGS Phạm Hồng Thuận cho rằng hiện nay các quy định trong nhà trường hầu hết do ban giám hiệu, hội đồng nhà trường đưa ra và buộc GV, HS phải thực hiện mà chưa xem xét đến tâm lý mỗi HS khi vi phạm. Mỗi nội quy, khẩu hiệu mới chỉ dừng ở mức tạo cảnh quan trường sư phạm mà chưa thực sự thay đổi hành vi, nhận thức của HS. Những quy định như thế khi vận dụng vào giáo dục kỷ luật trong trường học khiến các hình thức kỷ luật hiện nay hoặc quá hà khắc hoặc quá lỏng lẻo. GV có quan điểm khá nặng nề trong sử dụng chế tài, coi hình thức kỷ luật là chế tài, áp dụng kỷ luật chung cho mọi đối tượng mà không xét đến nguyên nhân tại sao lại vi phạm.
Giấy chứng nhận điều trị cho em Y. của Bệnh viện Nhật Tân Ảnh: Trần Ngọc

Giấy chứng nhận điều trị cho em Y. của Bệnh viện Nhật Tân

Ảnh: Trần Ngọc

Ông Bùi Văn Linh cho rằng: Quan điểm của Bộ GD-ĐT là làm sao chỉ đạo càng rõ càng tốt để tạo được sự thống nhất trong nhận thức và thuận lợi trong thực hiện. Điều này giúp cho GV dù còn chưa tương đồng về năng lực, ở các vùng miền khác nhau nhưng dễ nhận biết và áp dụng. Việc tổ chức tập huấn GV là một yêu cầu bắt buộc, sẽ được chú trọng quán triệt trong thời gian tới, ngay sau khi thông tư được ban hành và kể cả trong quá trình chuẩn bị.
Cũng theo ông Linh, sắp tới thông tư về kỷ luật, khen thưởng HS chính thức được ban hành, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn trong thông tư thành quy định phù hợp với điều kiện, thực tiễn của trường mình. Để tránh việc hiệu trưởng “lạm quyền”, quy định của mỗi nhà trường phải được xây dựng trên cơ sở góp ý của các đối tượng có liên quan, bao gồm: HS, GV, chính quyền địa phương... Dự thảo thông tư trên cũng bổ sung quy định về việc HS và phụ huynh có quyền góp ý, khiếu nại lên hiệu trưởng nếu thấy hình thức khen thưởng và kỷ luật không phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.