Một trong những thông điệp mà ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, chuyển đến các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017 ngày 25.12 là nhắc nhở trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc tiếp nhận và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH).
Phải nói ngay và luôn rằng, đó cũng là thông điệp nên chuyển đến cho mỗi người dùng MXH ở VN hiện nay.
Bởi có phải mỗi ngày bạn thức dậy, ngay khi mở điện thoại hoặc máy tính thì làn sóng tin tức từ mọi ngả đường internet ập đến, mà trước hết là từ chính kết nối xã hội trên internet của bạn? Máy tính hay điện thoại với tư cách là những thiết bị thông minh chẳng đủ thông minh để sàng lọc, lựa chọn tin tức một cách hữu ích. Nhưng chính bạn thì có thể!
Điều đầu tiên bạn có thể chọn, là chọn đọc những tin có đủ dấu hiệu tin cậy. Hoặc chí ít, cũng là đừng cho phép mình đọc những trang tin giả (fake news) với những dấu hiệu khá điển hình. Có trang tin với tên miền giả dạng gần giống tên miền một tờ báo nghiêm túc nào đó. Có tít tin giật gân, khiêu khích vào điều đang suy diễn trong tâm lý của bạn. Thế là bạn bấm vào cái tít cạm bẫy đó ngay lập tức để tự sa lưới tin tức giả.
Điều thứ hai bạn có thể chọn làm, là tự mình kiểm chứng những yếu tố then chốt của bản tin, để nhận biết đâu là tin thật đâu là tin giả. Không quá khó để học điều đó. Chính bạn - người đọc tin, là một phần giá trị của tin tức.
Bạn có từng làm điều không thể thiếu trách nhiệm hơn là bấm like và chia sẻ những thông tin giả mạo đến bạn bè mình trên MXH, mà quên mất rằng chính mình vừa tiếp tay cho kẻ xấu và đồng thời cũng làm ảnh hưởng xấu đến bạn bè mình? MXH đâu chỉ có chuyện xấu, chuyện ác! Sao không phải là like, là share những điều tốt đẹp cho nhau?
Khi bạn tự chọn cho mình nguồn tin tức giả, thường xuyên quan tâm những vấn đề gì, khuynh hướng đọc tin ra sao, thuật toán và trí thông minh nhân tạo của MXH sẽ tự hiểu và gợi ý cho bạn. Thế nên chọn sự tin cậy, trung thực hay giả dối, lừa bịp… cũng một phần do bạn.
tin liên quan
Facebook tìm cách mới chống tin tức giả mạoGiờ không phải lúc than trách MXH sao nhiều tin tức giả, nhiều thông tin xấu quá. Cũng chẳng nên tìm cách cấm tiệt MXH, hay bủa vây nó bằng những quy định quản lý ngược với xu thế.
Chúng ta cần một chiến lược giáo dục kỹ năng tiếp nhận và thẩm định tin tức cho công dân khi tham gia đời sống MXH. Giáo dục ngay từ nhà trường, ngay từ gia đình. Giáo dục ở từng hành vi cụ thể. Phải sớm đưa nội dung giáo dục kỹ năng tiếp nhận và thẩm định tin tức vào nhà trường, dạy cách thức để công dân trở thành người đọc tin tức thông minh, chứ không chỉ là người sử dụng thiết bị thông minh để đọc tin tức một cách mù quáng.
Nhiều nước phát triển đã lên chiến lược giáo dục kỹ năng tiếp nhận tin tức (news literacy). Vậy khi nào chiến lược này mới thành chính sách cụ thể ở VN?
Bình luận (0)