Kỳ nhân Bùi Văn Ngọ

01/01/2023 06:55 GMT+7

Không dễ nhận ra ông Bùi Văn Ngọ thật sự là ai, cho dù ông được một số họa sĩ có tầm ở Sài Gòn gọi là “kỳ nhân” trong hội họa.

Trước hết, ông là người của giới kỹ thuật chế tạo máy. Sinh năm 1931, khi lớn lên ông được cha từng làm thợ xưởng đóng tàu Ba Son dạy về kỹ thuật nguội, đúc kim loại và vẽ kỹ thuật trước khi đậu vào Trường bá nghệ Đỗ Hữu Vị (nay là Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng). Ông học thiết kế công nghiệp được một năm rưỡi nhưng vì dự đám tang Trần Văn Ơn mà phải thôi học. Vào lính năm 1951, nhờ biết vẽ kỹ thuật nên ông làm việc ở xưởng quân cụ. Năm 1955, ông mở cơ sở thiết kế và sản xuất máy in, máy nông nghiệp ở khu Nancy trên đường Trần Hưng Đạo, cùng thiết kế và sản xuất nhà máy xay lúa. Khi khu đó bị giải tỏa, ông về đường Hậu Giang cất cái chòi nhỏ nấu gang, từ cơ xưởng chỉ có bốn nhân công mà phất lên dần. Thời gian đó, ông thiết kế máy sấy cơm khô. Xưởng của ông còn nhận đúc hơn 10 ngàn chân ghế cho các rạp hát Rex, Hưng Đạo, Lê Ngọc... và đúc hoa văn cho bộ ghế phòng Trình quốc thư ở dinh Độc Lập. Xưởng của ông sản xuất máy ép dầu dừa 50 mã lực tương đương công suất máy ép dầu của Anh và làm béc phun đốt dầu đen lò nung gạch góp phần tạo nguồn vật liệu xây dựng trước 1975. Ông còn thiết kế và sản xuất nhiều loại nông cơ thay thế dây chuyền của nước ngoài, nhận được nhiều bằng sáng chế về cơ khí.

Sau 1975, ông ngưng hoạt động một thời gian dài, chỉ quay lại nghề cũ từ thời kỳ Đổi mới. Đến nay, công ty cơ khí công nông nghiệp mang tên ông rất bề thế với hơn ngàn người làm việc có doanh thu cao. Công ty còn phát triển thương hiệu cà phê theo chuỗi cửa hàng, tham gia ngành nội thất xuất ra nước ngoài.

Ông Bùi Văn Ngọ

Theo đuổi nghệ thuật tới cùng

Với những gì đã làm được, ông Bùi Văn Ngọ đã có thể tự hào với đời. Tuy nhiên, điều khiến ông trở nên đặc biệt chính là chí hướng theo đuổi nghệ thuật tới cùng.

Năm 1945, chú bé Ngọ nhìn thấy họa sĩ Nguyễn Siên (đang học Trường Mỹ thuật Đông Dương, bãi trường về Sài Gòn) ngồi ngoài hàng ba vẽ bức tranh Chùa Thầy. Ngọ đến làm quen, từ đó thường đến xem vẽ tranh. Lớn lên, thỉnh thoảng anh ghé hành lang Eden đường Catinat để ngắm tranh màu nước của Henri Mège và của Lê Trung bày ở đây. Anh tập vẽ tranh màu nước mang đến cho thầy Siên xem giúp. Ngọ vừa kiếm sống vừa học hỏi ông Siên, kể cả khi vào quân đội chung đơn vị với ông.

Công việc ngưng trệ từ 1975 vô tình hướng Bùi Văn Ngọ trở lại đam mê thuở nhỏ. Ông buồn tình vác giá vẽ đi vẽ khắp nơi, học vẽ tranh thủy mặc trường phái Lĩnh Nam từ họa sĩ Lý Tùng Niên. Ông vẽ phong cảnh, chân dung, sinh hoạt... thích vẽ tả thực, ấn tượng, có lúc tỉ mỉ, có lúc phóng túng dùng bay thể hiện cảnh vật.

Đầu thập niên 1990, khi công ty hoạt động trở lại, ông đã ở tuổi sáu mươi. Nhờ các con có thể thay cha điều hành công việc, ông thảnh thơi dồn sức cho sáng tác tranh. Năm 1992, ông đến thánh địa Mỹ Sơn, dùng chì vẽ phác thảo nhiều bức ký họa, vẽ kỹ từ cảnh vật đến từng viên gạch, phiến đá vỡ. Về nhà, ông bắt tay thực hiện bức sơn mài lớn đầu tiên của mình. Họa sĩ Nguyễn Văn Trung, người bạn hồi trẻ, đã góp ý và đưa thợ sơn mài đến giúp. Tranh không quá lớn, cao 3 m và dài 9 m nhưng mất 10 năm để vẽ, mỗi ngày mất từ ba đến bốn giờ, vẽ cùng lúc vài bức khác. Ông thiết kế giá vẽ lớn bằng kim loại để đứng vẽ thoải mái, không đặt tranh nằm để vẽ như thông thường. Ông dùng một phần nhỏ sơn Nam Vang bên cạnh sơn Phú Thọ, không tiếc vàng, bạc để tạo chiều sâu và vẻ tráng lệ của tranh.

Thỉnh thoảng, ông đi thực tế, xa nhất là Quảng Nam để ký họa bằng một xe tải nhỏ thiết kế lại, trần xe có thể chứa 50 tấm khung vải căng sẵn, giá vẽ tự làm chịu được gió cát Mũi Né hay gió biển Vũng Tàu. Ông vẽ đa dạng đề tài, chất liệu là sơn dầu, sơn mài, thủy mặc, chì than, sơn mài trên toan… Ông lập xưởng làm khung, tham khảo mẫu khung tranh của châu Âu, sau đó tự thiết kế dây chuyền sản xuất. Hoa văn trên khung dựa theo mẫu trên trống đồng Ngọc Lũ, cung đình Huế... Họa sĩ Nguyễn Văn Trung nhận xét: “Khung tranh do ông Ngọ thực hiện có độ tinh xảo không thua kém khung tranh phương Tây”. Ông tự tay thiết kế phòng trưng bày ở Bình Tân, treo tranh khắp hai tầng lầu rộng, giữ lại toàn bộ gần 2.000 bức, không bán ra.

Báo Daily Inquirer của Philippines ngày 31.8.2002 có bài tựa đề: “Ông Bùi Văn Ngọ - một con người đáng kinh ngạc với các sản phẩm về máy móc, hội họa, vườn kiểng và các thứ khác của ông”. Bài báo khuyên họa sĩ nổi tiếng nhất Philippines là Don Jaime Zobel de Ayala nên đến gặp ông Bùi Văn Ngọ, không phải chỉ để ngạc nhiên về phong cách sống giản dị của một nhà kinh doanh lớn ở VN, mà “sẽ nổi da gà khi thấy được các bức họa khổng lồ mà ông Bùi Văn Ngọ đang vẽ và hơn 650 bức tranh khác (thời điểm 2002), và chắc chắn ông ta sẽ rất hân hạnh được là một trong số rất ít người trên thế giới này được phép vào xem tác phẩm của ông Ngọ”. Trong số “rất ít người” đó, có Giáo sư Trần Văn Khê thường ghé thăm mỗi khi về nước, gọi ông Ngọ là Super homme (siêu nhân). Ngoài vài họa sĩ thân hữu, có viên Chánh và Phó lãnh sự quán Pháp.

Một số tác phẩm của họa sĩ Bùi Văn Ngọ

“Điều mà ông Ngọ làm được, chúng ta không làm được !”

Họa sĩ Nguyễn Văn Trung, nguyên Phó giám đốc Công ty mỹ nghệ Mê Linh trước 1975, dạy Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, từng thốt lên câu nói trên. Ông Trung cùng Công ty Mê Linh từng thực hiện bức tranh sơn mài Bình Ngô đại cáo đặt tại dinh Độc Lập được xem là lớn nhất VN, dài 8,8 m, cao 4,6 m. Tuy nhiên, vài bức tranh sơn mài của ông Bùi Văn Ngọ còn lớn hơn nhiều. Và không chỉ có thế.

Năm 1992, ông Ngọ đến cố đô Huế. Vẻ lộng lẫy của cảnh vật quanh lăng Tự Đức khiến ông quyết định vẽ bức sơn dầu lớn tả thực lấy tên là Toàn cảnh lăng Tự Đức. Trong suốt một tháng, ông ký họa màu và đen trắng, lên đồi thông vẽ toàn cảnh, tả tỉ mỉ hình dáng từng lá sen, sự mềm mại của cây cỏ, sự uốn vặn của những cây đại già, chi tiết chạm khắc. Ông ghi nhận hình ảnh đối lập giữa những cành thông uốn éo bên thân thông đứng thẳng, ánh sáng nghiêng tạo chiều sâu cảnh vật với cây cỏ và công trình kiến trúc...

Về nhà, ông dành một tháng phác thảo một bức đen trắng. Khung tranh dùng loại gỗ “mò cua” ngâm nước tám tháng, đóng thật vững chãi. Vải bố dùng loại thô dày hai lớp khổ 1,4 m, ráp nối kỹ. Việc căng vải thật phẳng trên bề mặt bức tranh lớn này ít ai làm được, trừ xưởng của ông Ngọ. Ông lập giàn giáo là hệ thống bằng kim loại có ba độ cao, từ 0,8 - 1,5 m có gắn bánh xe và máy để điều khiển tiến lùi.

Từ năm 1993, mỗi ngày ông dành ba giờ để vẽ tranh, cho đến năm 2005. Đây là bức tranh rất lớn dài 20,1 m, cao 3 m, mà ông dùng cả ý chí, đam mê và tài lực để duy trì nhịp độ sáng tác suốt 13 năm trời, từ khi 61 tuổi cho đến năm 74 tuổi mới hoàn thành.

Họa sĩ Đặng Ngọc Trân nhận xét: “Tổ chức một bức tranh có quy mô hoành tráng như tranh Toàn cảnh lăng Tự Đức, với riêng con tim say mê tột độ vẫn còn chưa đủ, bởi đây là một công trình đồ sộ thiết kế hoàn mỹ, vì vậy phải bổ túc bằng trí tuệ minh mẫn, kiến thức dồi dào để có một thiết kế hợp lý”.

Trước đại dịch Covid-19, tôi vẫn thấy ông cầm cọ vẽ bộ tranh sơn mài cảnh Angkor sau khi tự lái xe điện bốn bánh chạy vòng quanh khu nhà do ông thiết kế với đồi cỏ, hồ sen và bảo tàng tranh. Thông tin mới nhất là ông vẫn tiếp tục cầm cọ vẽ cho đến nay, dù đã bước sang tuổi 92.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.