Kỳ nhân giữa đời thường - Kỳ 5: Ngậm cọ vẽ tranh

22/08/2014 02:40 GMT+7

Từ nhiều năm nay, tranh của Đỗ Minh Tâm là mục tiêu của giới sưu tầm vì các bức tranh của Tâm được ghi chú “orally” (tức “vẽ bằng miệng”) làm nhiều người hiếu kỳ và thích thú.

Từ nhiều năm nay, tranh của Đỗ Minh Tâm là mục tiêu của giới sưu tầm vì các bức tranh của Tâm được ghi chú “orally” (tức “vẽ bằng miệng”) làm nhiều người hiếu kỳ và thích thú.

>> Kỳ nhân giữa đời thường - Kỳ 4: Tuyệt đỉnh công phu

Đỗ Minh Tâm vẽ tranh bằng miệng - Ảnh: NVCC 
Đỗ Minh Tâm vẽ tranh bằng miệng - Ảnh: NVCC

Tai nạn bất ngờ

Đỗ Minh Tâm là một người đàn ông có khuôn mặt khá điển trai và lối nói chuyện cuốn hút. Anh sinh năm 1973, tại Xuân Hòa (Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Từ nhỏ, anh đã cảm nhận và biết được rằng mình là con nuôi của ông Đỗ Văn Dung và bà Đỗ Thị Niệm. Năm 1992, học xong phổ thông, anh tình nguyện vào bộ đội, thuộc Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân. Đơn vị anh thường xuyên nhận nhiệm vụ đi tiếp tế nhu yếu phẩm cho bộ đội Trường Sa. Rời quân ngũ, anh không trở về gia đình mà quyết định theo đồng đội cũ vào Đắk Lắk lập nghiệp, dự tính dành dụm một số vốn rồi cưới vợ, gầy dựng mái ấm.

Vậy mà một đêm của năm 2001, trên đường đi làm về bằng xe máy, Đỗ Minh Tâm bất ngờ gặp tai nạn. Tỉnh dậy anh đã thấy mình đang nằm trong bệnh viện sau một tuần bất tỉnh. Anh bị vỡ cột sống khiến từ cổ trở xuống bị liệt. Từ một thanh niên cường tráng, yêu đời, nay anh phải nằm bất động một chỗ.

Nằm một mình ở bệnh viện, thân nhân không có ai, mọi cử động, thậm chí nhấc khẽ cánh tay lên cũng không nổi. Muốn di chuyển, anh phải nhờ người bế lên xe lăn và nhờ đẩy đi. Số tiền dành dụm cũng bay vèo theo việc chữa trị... May mà còn có những đồng đội cũ thay nhau chăm sóc. Rồi những người bạn tốt bụng này chuyển anh về Trung tâm chấn thương chỉnh hình (TP.HCM). Ở đây anh được chăm sóc tốt hơn, sau một thời gian kiên trì tập vật lý trị liệu, bàn tay phải của Tâm đã có thể cử động nhẹ.

Tranh orally

Năm 2003, các bác sĩ gửi Tâm về Trung tâm Chắp Cánh (số 9A, đường số 1, KP.9, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân). Đây là cơ sở nhân đạo do một phụ nữ Thụy Sĩ thường gọi là Tim (tên thật Aline Rebeaud) thành lập năm 1993 nhằm dạy nghề cho những người khuyết tật.

Mới đầu, Tâm cũng thử học vi tính nhưng tay của anh yếu quá, không thể điều khiển được bàn phím, anh chán nản bỏ học… Thời gian ở trung tâm, anh đã được “lên đời” thay chiếc xe lăn đẩy tay bằng chiếc xe lăn điện nên đã có thể tự di chuyển, đi loanh quanh các nhóm học nghề để thư giãn. Nơi anh thường đến là nhóm học vẽ. Rồi anh cũng thử tập vẽ bằng cách cắn cây cọ vào miệng: quá khó! cây cọ cứ rơi lên rớt xuống, màu đổ vương lên áo quần. Thế nhưng nhờ những người xung quanh động viên, anh vẫn cố tập. Thấy anh có chí, một hôm thầy dạy vẽ buộc cây bút chì lên đầu một que tre, bảo anh thử vẽ khuôn mặt một cô gái lên tờ giấy trắng. Nhìn “tác phẩm”, thầy khích lệ: “Được lắm! Nếu kiên trì, em sẽ thành công!”.

Đỗ Minh Tâm kể những ngày đầu tập vẽ muôn vàn khổ sở, cắn những cây cọ ê cả hàm răng, nước bọt thì cứ nhểu xuống làm ướt cả áo. Điều khiển cây cọ nhỏ để vẽ các nét mảnh, tinh tế là rất khó, còn những cây cọ lớn thì nặng quá, đầu cọ cứ chúc xuống rất khó thao tác. Trưa về lại ăn cơm không nổi vì ê răng... Sau này anh nhờ người nối cán cọ dài thêm, quấn thêm miếng cao su ở đuôi cọ để việc vẽ được dễ dàng hơn.

Không chỉ học ở thầy về căn bản hội họa, Tâm còn cố gắng tìm kiếm sách vở, tài liệu về mỹ thuật để học hỏi thêm (điều này quả là rất khó khăn với anh). Nhưng rồi những nỗ lực của Tâm đã có được thành quả, tháng 9.2008, bức tranh Tài nguyên và môi trường của anh được chọn treo trong triển lãm tranh của người khuyết tật toàn thế giới. Sự kiện này đã tiếp thêm cảm hứng cho Tâm rất nhiều, anh luôn suy nghĩ, tìm đề tài và cách thể hiện để tác phẩm của mình được thực sự nhìn nhận là một tác phẩm nghệ thuật.

Hiện nay, Đỗ Minh Tâm vẫn sáng tác và vẽ rất chậm, mỗi bức tranh phải mất từ vài tháng đến vài năm mới hoàn thành. Tiền bán tranh, anh chỉ giữ lại một phần để mua nguyên vật liệu vẽ, còn thì làm từ thiện. Anh ước ao được tổ chức một triển lãm cá nhân để nếu được nhà tài trợ, anh sẽ dùng số tiền thu được từ triển lãm này để xây một ngôi trường mẫu giáo trên mảnh đất quê anh ở Thanh Hóa.

Tháng 10.2010, bức Bước ngoặt của Đỗ Minh Tâm giành được giải nhất trong một cuộc thi hội họa dành cho người khuyết tật do chính phủ Đức phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội tổ chức. Năm 2013, tác phẩm của Tâm lọt vào top 40 cuộc thi Chân dung tự họa do Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tổ chức.

Hà Đình Nguyên

>> Kỳ nhân giữa đời thường - Kỳ 3: Dùng đầu đóng đinh, đập thép
>> Kỳ nhân giữa đời thường - Kỳ 2: Đâm dao vào người để mưu sinh
>> Kỳ nhân giữa đời thường: Đệ nhất nuốt kiếm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.