Ngày 17.8.1923, vua Khải Định đã ban hành chỉ dụ cho phép thành lập một bảo tàng ở kinh đô Huế, lấy tên là Musée Khải Định. Đây là dấu mốc cho sự ra đời của một trong những bảo tàng được thành lập sớm nhất tại VN. Việc ra đời của Musée Khải Định gắn liền với Hội Đô thành hiếu cổ (ra đời ngày 16.11.1913) trên cơ sở đề xuất của linh mục Léopold Cadière với mục đích "sưu tầm, bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học châu Âu cũng như bản xứ, liên quan đến Huế và phụ cận".
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã để lại trên vùng đất Huế hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm cùng với hệ thống cổ vật phản ánh đầy đủ các mặt của đời sống cung đình.
Bảo tàng từ ngày thành lập đến nay vẫn đóng tại điện Long An (số 3 Lê Trực, P.Đông Ba, TP.Huế). Hiện Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày hơn 11.000 hiện vật, trong đó có 8 hiện vật/bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.
Dịp này, một số cá nhân đã hiến tặng nhiều tài liệu, cổ vật có giá trị để bổ sung vào các bộ sưu tập cho bảo tàng, gồm: Trần Đức Anh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế), Trần Đình Hằng (Phân viện trưởng Phân viện VHNT quốc gia tại Huế), Đặng Văn Luyện (hậu duệ của vua Hàm Nghi, ở Mỹ) cùng các cá nhân khác ở Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Hưng Yên, Thừa Thiên-Huế…
Chiều cùng ngày, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đã khai mạc triển lãm chủ đề "Từ Musée Khải Định đến Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế" giới thiệu 100 hiện vật tiêu biểu thời Khải Định thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
Bình luận (0)