Kỷ niệm Cứu quốc quân: ‘Hóa chỉnh vi linh’

30/12/2021 09:32 GMT+7

Địch khủng bố rất dã man. Phong trào cách mạng cả nước chưa mạnh, ở Bắc Sơn - Võ Nhai lại chưa phát động được quần chúng một cách mạnh mẽ nên Cứu quốc quân thấy cần phải “hóa chỉnh vi linh”, rút theo nhiều hướng.

Cứu quốc quân cũng không thể rút hết đi. Khi địch tập trung về Tràng Xá để “tát nước bắt cá”, phía Bắc Sơn chúng sẽ sơ hở. Ngay từ ngày anh Chính về xuôi, anh đã có ý kiến đưa cán bộ lên củng cố Bắc Sơn, khôi phục lại phong trào. Có khôi phục lại được Bắc Sơn, sau mới có đường mà đi. Vì vậy lần này Ban lãnh đạo Cứu quốc quân đã cử cán bộ lên mạn Phú Thượng và Bắc Sơn. (Do quần chúng ở đây rất cách mạng nên chẳng bao lâu Phú Thượng - Bắc Sơn trở thành hành lang chính trị rất tốt).

Một bộ phận Cứu quốc quân đã phân tán vào trong nhân dân, làm công tác tuyên truyền vũ trang, gây cơ sở trong quần chúng. Ngày 28.11.1941 (tức mùng 10 tháng 10 Tân Tỵ), các đồng chí Nguyễn Cao Đàm, Nhì Phung, Phương Cương, Mông Phúc Quyền, Hoàng Thị Môn, Hoàng Thị Ngoan, Đường Thị Ân vượt vòng vây sang Đại Từ liên lạc với đồng chí Đường Nhất Quý đang công tác ở đó, để mở rộng phong trào ra các vùng Đại Từ, Sơn Dương, Yên Sơn, Định Hóa.

Tổ thứ hai gồm các đồng chí Hoàng Văn Tài, Dinh Chè, Tài, Hòa, Phấn, đi Phú Lương, Đồng Hỷ. Tổ thứ ba gồm các đồng chí Phan Văn Thái, Phan Văn Lai, Quảng Hiền đi Hữu Lũng, Yên Thế. (Chính bộ phận các đồng chí phân tán vào trong nhân dân đã gây được cơ sở khá rộng trong các tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa sau này).

Bộ phận lớn còn hơn 40 người, lúc nghi binh, lúc đánh úp, lúc rải truyền đơn, tiến công địch bằng mọi cách...

Trong khi đi làm công tác quần chúng, chúng tôi gặp nhiều người vừa đưa lương thực vừa giục chúng tôi tạm rút đi nơi khác một thời gian đã.

Chúng tôi bàn với nhau trong Ban lãnh đạo và thảo luận nhiều trong nội bộ. Nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề được đặt ra: Nên đi hay nên ở? Đi thì đi đâu? Ở thì đâu? Đánh mạnh hay cứ giữ tình hình này?... Có người bàn: “Chạy về Yên Thế là hơn cả, đất cụ Đề có tiếng kiên cường đánh Tây ngày trước”. Nhưng có người trả lời ngay: “Ở Yên Thế nó cũng dồn dân, dồn làng, lính nó bao vây hết. Cả Võ Nhai, Đình Cả cũng thế!”. Có đồng chí hỏi lại: “Ở như thế này, phát triển vào đâu?”. Lại có ý kiến táo bạo: “Vọt sang Tàu là thằng Tây chịu chết”.

Ban chỉ huy nêu ra mấy hướng để anh em trong toàn đội thảo luận. Trừ một số anh em đi gác, còn những anh em ở nhà đều sinh hoạt thảo luận: Nghị quyết Trung ương thứ 7 đã chỉ rõ: “Phải duy trì và bồi dưỡng lực lượng vũ trang Bắc Sơn để làm vốn quân sự đầu tiên cho cuộc khởi nghĩa sau này”. Anh em chúng tôi rất nhớ điều đó. Đây cũng là sự mất còn của căn cứ địa nữa. Anh em nhất trí đi đến kết luận: Đánh, không có điều kiện đánh; chuyển sang Tuyên Quang không có liên lạc; sang Yên Thế cũng không được, địch đã đóng ở đấy. Phải đi, dứt khoát là phải đi!

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm bà Đường Thị Ân cùng gia đình

T.L

Đi đâu? Ban lãnh đạo đã nghiên cứu kỹ nơi chủ lực quân của Cứu quốc quân 2 sẽ tới. Nơi chúng tôi sẽ đến là một vùng có cơ sở cách mạng lâu ngày. Ảnh hưởng tốt đẹp của những thời kỳ cao trào cách mạng do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo như Long Châu đỏ, Quảng Châu đỏ (1927) còn nguyên vẹn trong lòng nhân dân địa phương. Nhiều đồng chí có tham gia phong trào hồi đó đến nay vẫn tiếp tục hoạt động.

Đây cũng là vùng đã từng có nhiều nhà cách mạng Việt Nam luôn luôn qua lại hàng chục năm nay. Nhân dân địa phương rất hiểu biết và hết lòng giúp đỡ cách mạng ta với một tinh thần hữu nghị cao quý, vô tư. Rất nhiều gia đình đã che chở, nuôi dưỡng cán bộ. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động ở vùng này. Và riêng đồng chí Hoàng Văn Thụ thì được nhân dân ở đây vô cùng quý mến. Họ coi anh Thụ như người ruột thịt, như cán bộ địa phương, khi vắng mặt thì luôn luôn nhắc nhở, khi trở về thì từ người già đến trẻ con đều vồ vập, mời chào, hết lòng bảo vệ, chăm nom.

Đây cũng lại là con đường đi lại khá thông thuộc của nhiều anh em Cứu quốc quân. Đường đi toàn rừng núi, có hành quân cũng dễ giữ được bí mật. Suốt đường dọc Bắc Sơn, qua Bình Gia lên Văn Mịch, chúng tôi đều có cơ sở quần chúng. Tới Thất Khê thì đã là quê hương bản quán của các đồng chí Phấn, Phố, Lâm. Suốt đoạn biên giới này của hai nước Việt Nam và Trung Quốc, dân tộc Nùng đã sống qua bao đời nay, có mối quan hệ họ hàng, thân thuộc, bè bạn rất khăng khít. Trong tâm hồn, tình cảm, họ hầu như không hề biết tới những cột mốc biên giới hoặc những đường phân chia địa giới trên bản đồ.

Sang tới đó, chúng tôi sẽ thoát được ra ngoài vòng kiểm soát, khủng bố của Pháp - Nhật. Nếu gặp được cơ quan ngoại giao của Việt Minh ở đó thì càng có nhiều điều kiện hoạt động. Nhược bằng không thì cơ sở quần chúng và họ hàng bà con sẽ là chỗ dựa khá vững chắc cho chúng tôi sinh sống, đối phó với bọn Quốc dân đảng và thổ phỉ.

Đó cũng là bàn đạp rất thuận lợi để chúng tôi có thể dễ dàng vượt trở về Tổ quốc hoạt động, gây cơ sở. (còn tiếp)

(Trích hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân, NXB Lao động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.