Giặc còn tiếp tục bao vây, khủng bố nữa không? Phong trào còn hay mất, ai sống ai chết, các đồng chí Cứu quốc quân phải đi Đại Từ, Sơn Dương, Yên Thế... ra sao? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra. Chúng tôi ngày đêm nóng lòng nóng ruột muốn biết tình hình trong nước, nhưng tuyệt nhiên không có một tin tức nào cả.
Ai có thể đảm nhiệm việc đi liên lạc được bây giờ? Bất cứ một đồng chí Cứu quốc quân nào về cũng rất dễ bị lộ và sẽ bị bắt ngay. Người phái đi phải là người tin cẩn, biết đường, quen thuộc, lại đảm bảo không thể bị bắt. Một người có đủ điều kiện như vậy, không phải là dễ kiếm. Anh Quốc Hưng gợi ý:
- Hay ta tìm đến nhờ cô Sao vậy?
Tôi suy nghĩ và thấy không còn có ai hơn được nữa.
- Nhờ cô ấy thì khó đấy. Nhưng ta cứ thử xem sao, may ra cô ấy nhận lời thì tốt...
Bà Sao là em con chú con bác với bố tôi. Vài năm trước bà đã một hai lần sang Võ Nhai thăm người chị ruột lấy ông Sảng Khì, tôi gọi là chú dượng, làm ăn ở Phú Thượng. Lần này, định nhờ bà mượn cớ đi thăm họ hàng mà liệu đường dò la tin tức. Anh Chu Quốc Hưng và tôi đến thăm bà ở tận Lùng Slương (hương Bó Cục).
Thấy chúng tôi vừa bước chân vào sân, bà Sao bảo:
- Hai cháu về à! Vào nhà đi!
Anh Chu Quốc Hưng nói đỡ cho tôi:
- Chúng cháu về khá lâu rồi! Hôm nay mới tới thăm cô và thăm chú...
Chúng tôi vào nhà. Ông chú đang hí húi làm cái gì, bỏ việc đó, đi đun nước.
Sau khi rót nước trà mời uống, ông mới bảo chúng tôi:
- Ấy, có gặp hai cháu ở giữa đường, chú cũng chả nhận họ nhận hàng được đâu...
Lâu ngày xa cách, bà cô tôi hỏi han cặn kẽ mọi tình hình làng xóm, gia đình. Tôi kể rõ chuyện địch khủng bố, làng mạc tan hoang, họ hàng ly tán cho bà nghe. Càng kể lại càng thấy đau lòng vì nỗi nước mất nhà tan, oán thù uất ức nghẹn lên tận cổ. Còn bà Sao thì lại càng xót thương tình máu mủ, nghe đến đâu nước mắt chảy đến đó. Ông chú dượng cũng phải nghẹn ngào quay mặt đi. Nỗi đau khổ, căm thù đã làm cho tình ruột thịt càng thêm thân thiết. Thấy cô tôi xúc động nhiều, sụt sùi khóc lóc, tôi bèn lựa lời an ủi và khuyên giải:
- Cô chú thương xót cho cảnh gia đình nhà cháu, nhưng bây giờ có khóc lóc, đau buồn cũng chẳng lợi gì. Chúng cháu đi làm cách mạng là đã tính trước thấy nhất định phải trải qua thiệt hại, mất mát. Ngay bố cháu đấy, tuy già rồi, thương con thương cháu, nhưng cũng biết là không làm cách mạng thì cũng đến chết đói chết rét, sẽ mãi mãi phải chịu kiếp ngựa trâu, nên đã khuyến khích chúng cháu hăng hái hoạt động và bố cháu cũng chẳng sợ tra tấn, tù đày...
Lễ thành lập Cứu quốc quân |
ẢNH PHỤC DỰNG |
Bà Sao hỏi:
- Nhưng các cháu có vài chục người, súng ống ít ỏi, thì đánh lại làm sao được chúng nó?
Tôi trả lời:
- Chúng cháu còn ít người, ít súng nhưng mỗi ngày sẽ nhất định nhiều lên. Hiện nay cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, đâu đâu cũng có người nghèo nổi dậy, nhất định đánh đổ được chúng nó. Cô không thấy bà con họ hàng dân xóm ở vùng này cũng hết lòng giúp đỡ chúng cháu đấy ư? Ngay cả cô chú cũng có thể giúp chúng cháu được...
Bà Sao nói :
- Cô chú nghèo lại già rồi giúp gì được cho các cháu?
Tôi nói :
- Giúp cách mạng có phải là chỉ cần nhiều tiền đâu. Chính bọn giàu có nó lại chẳng bao giờ giúp đỡ mà còn làm hại cách mạng nữa. Còn ta thì người già làm việc nhẹ, việc dễ, miễn có lòng là được. Cháu đến đây hôm nay cũng là có một việc cần muốn nhờ cô giúp cho...
Ông chú dượng hỏi:
- Việc gì, cháu cứ nói ra xem nào... Để chú làm giúp cũng được chứ gì?
Bà cô tôi thì đắn đo:
- Việc của các cháu toàn là nguy hiểm, làm không quen, sợ hỏng việc của các cháu. Ngộ nhỡ lại bị bắt bớ thì khổ...
Tôi nói :
- Việc này chỉ vất vả thôi, chứ khéo một chút thì cũng không sợ nguy hiểm lắm đâu. Chúng cháu định nhờ cô sang Võ Nhai nghe ngóng hộ tin tức, xem địch còn khủng bố nữa không, nhân dân đã trở về làm ăn như cũ chưa, có điều, chú đi việc này thì không tiện, cô làm dễ trót lọt hơn vì cô đã quen đường, quen người, và nhất là ít bị địch để ý theo dõi như đàn ông.
Cô tôi suy nghĩ rồi hỏi:
- Thế gia đình bác Sảng Khì hiện nay ra sao?
- Lúc chúng cháu ra đi thì gia đình cô chú ấy vẫn mạnh khỏe, làm ăn yên ổn vì không bị khủng bố. Nay cô cứ mượn cớ sang thăm đó thì tiện lắm...
Cuối cùng bà Sao vui vẻ nhận lời. Hai cô cháu liền bàn bạc cách ra đi. Đồ cải trang, bà Sao vẫn có thể mặc quần áo Nùng Trung Quốc nhưng chỉ cần bỏ búi tóc, rồi chít khăn vấn, ngoài trùm khăn vuông, theo đúng kiểu của phụ nữ giáp biên giới Việt Nam. Dọc đường có ai hỏi thì nhận là người vùng Háng Cáu, Thất Khê, sát biên giới Trung Quốc, nay đi thăm bà chị và họ hàng ở Nà Pài, Phú Thượng. Chỉ nên đem theo một tay nải với hai bộ quần áo, không cần giấy tờ gì hết. Khi đến nơi, chưa nên dò hỏi gì cả, mà cứ đi chơi nhà bà con quen thuộc, thăm sức khỏe một cách bình thường, tự khắc ai biết gì họ sẽ kể cho nghe. Lúc đầu chỉ cần biết tình hình chung chung, xem địch còn khủng bố không, canh phòng tuần tiễu ra sao, dân làng ai còn ai mất, ai bị bắt, ai được tha, ruộng nương nhà cửa thế nào, tai nghe mắt thấy những gì thì nhớ lấy. (còn tiếp)
(Trích hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân, NXB Lao động)
Bình luận (0)