'Kỳ quan thạch nhũ' trong lòng… cây thị 500 tuổi ở làng cổ Phước Tích

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
31/07/2022 07:30 GMT+7

Không chỉ mang vẻ bề ngoài kỳ vĩ, cây thị 500 tuổi ở làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) còn có "hang động" độc đáo bên trong thân cây với hệ thống "thạch nhũ" đẹp mắt.

Đến thăm làng cổ Phước Tích (nằm cách TP.Huế khoảng 40 km về phía bắc), hỏi người dân địa phương ai cũng có thể chỉ đường để du khách tìm đến cây thị 500 tuổi. Từ lâu, cây thị là điểm tham quan thu hút nhiều người. Đặc biệt, từ năm 2015, cây thị được công nhận là Cây di sản, sức hút của nó ngày càng lớn hơn.

Cây di sản là cây thị 500 tuổi tại làng cổ Phước Tích

HỮu Tú

Cây thị có chiều cao 25 m, chu vi thân cây khoảng 6 m. Từ xa, có thể thấy tán cây thị xòe ra rất rộng với diện tích bao phủ hàng trăm mét vuông. Thân cây xù xì, tối màu mang vẻ thâm u, kỳ bí.

Vì tuổi đời quá già nên dọc thân cây có nhiều khối u sần lớn. Mặc dù, đường kính thân rất lớn nhưng cây thị chỉ có 1 nhánh lớn vươn dài về hướng tây. Từ thân cây, những nhánh nhỏ đâm ra mạnh mẽ, tạo thành những tán lá tốt tươi.

Dù đã già cỗi nhưng cây thị vẫn quanh năm cho bóng mát khiến du khách thích thú khi ghé thăm

hữu tú

Dẫn chúng tôi đến cây thị chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiếm có của nó, ông Hồ Văn Thái (68 tuổi, một người nghiên cứu lịch sử địa phương), cho biết đối chiếu với những gì sử sách chép lại, tuổi đời của cây thị không dưới 500 năm tuổi. Trải qua không biết bao thăng trầm của lịch sử, cây thị như chứng nhân của buổi đầu dựng làng theo dấu chân nam tiến của vua Lê Thánh Tông vào năm 1470.

Đáng chú ý, theo lời kể của ông Thái, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cây thị với hệ thống "hang động" do lõi bị rỗng đã trở thành "căn hầm" bí mật giúp cán bộ cách mạng nhiều phen trốn thoát sự truy lùng của địch.

Suốt chiều dài thân cây đều bị rỗng ruột tạo nên "hang động" kỳ lạ bên trong lớp vỏ xù xì

hoàng sơn

Miệng "hang động" có độ rộng vừa đủ một người lớn chui lọt, nằm cách mặt đất khoảng 40 cm. Từ vị trí "cửa hang", chúng tôi thử chui vào quan sát thì thấy, bên trong là lõi cây nhô ra nhiều phần gỗ xỉn màu dường như đã bị mủn mục. Suốt dọc thân cây bị rỗng là hệ thống "thạch nhũ" trông rất đẹp mắt.

Từ phần "cửa hang" lên đến phần ngọn có nhiều "cửa sổ" nhỏ có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Phía cuối phần thân cây bị rỗng có một cửa lớn. Theo lời kể của nhiều người dân địa phương, trong kháng chiến, thân cây này có thể chứa được khoảng 5-7 chiến sĩ cách mạng. Họ đã lèn mình vào hốc cây rồi từ từ leo lên đến phần ngọn. Người sau cứ thế trèo lên cho đến phần chân của người vào trước.

Thân cây rất lớn với nhiều người ôm mới xuể nhưng cây thị 500 tuổi chỉ có những cành, nhánh nhỏ

hoàng sơn

Là người từng chui vào thân cây thị để ấn nấp, cụ Nguyễn Duy Tùng (87 tuổi, nhà sát gần cây thị 500 tuổi), cho hay thời điểm chống thực dân Pháp, quân ta thường xuyên trốn tránh trong bộng cây. Khi còn là du kích tại địa phương, cụ Tùng thường trèo lên nằm trên ngọn cây để canh gác. Không ít lần, cụ nín thở khi nghe quân địch ngang qua gốc thị vừa đi vừa chuyện trò.

"Bên trong thân cây khá chật nên nếu đủ chỗ cho cả tiểu đội 11-12 người thì rất khó. Nhưng độ khoảng 5-7 du kích trú ẩn quân địch thì đủ chỗ. Để lên được tận ngọn, người ta dùng lực tay chân tì, bám vào thân cây rồi cứ thế từ từ lên. Người ta còn chèn tấm ván để đứng chồng lên nhau", cụ Tùng kể.

Miệng "hang động" nằm ở sát gốc cây

hoàng sơn

Thanh Niên mời quý độc giả khám phá "hang động" bên trong thân cây thị 500 tuổi tại làng cổ Phước Tích (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cùng hệ thống "thạch nhũ" độc đáo của nó:


Đây chính là nơi các chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp chui vào trốn tránh sự truy kích của quân địch

hoàng sơn

Lối vào "hang động" trong thân cây thị vừa đủ 1 người lớn chui lọt. Dù vậy, người ta phải rất khéo léo mới luồn mình vào được

hoàng sơn

Hệ thống "thạch nhũ" đẹp mắt bên trong cây thị 500 tuổi bị rỗng ruột

hoàng sơn

Nhìn những u sần, lõi cây như đã hóa thạch từ hàng trăm năm qua

hữu tú

Theo quan sát, thân cây thị bị rỗng ruột gần hết, từ gốc cho đến phần ngọn

hoàng sơn

"Thạch nhũ" là lõi gỗ hàng trăm năm tuổi mang màu đen, nâu huyền bí với nhiều hình thù đẹp mắt

hoàng sơn

Trên thân cây có nhiều "cửa sổ" nhỏ là những phần thân bị hỏng

hoàng sơn

Phía ngọn cây có một "cửa hang" phụ. Tuy chỗ này không thể chui lọt nhưng cũng giúp ích cho các chiến sĩ cách mạng ẩn nấp bên trong có thể quan sát, nghe ngóng bên ngoài

hoàng sơn

Cành cây lớn duy nhất của cây thị có nguy cơ bị gãy cho thân cây già cỗi. Trước tình trạng này, ngành chức năng đã dùng giá bằng sắt, sơn giả gỗ để chống đỡ

hoàng sơn

Gắn liền với cây thị là ngôi miếu linh thiêng được lập nên từ hàng trăm năm qua. Theo BQL làng cổ Phước Tích, miếu được xây bằng gạch, có tường bao quanh khuôn viên

hoàng sơn

Phía trước miếu có bình phong trang trí hình chim phượng. Hai bên có cửa vòm để ra, vào. Qua cách bài trí và thờ tự có thể nhận định đây là miếu thờ Thánh mẫu PoNagar của người Chăm đã được Việt hóa

hữu tú

Việc cúng tế tại miếu diễn ra vào ngày 16 tháng giêng hàng năm, đó cũng là ngày xuân tế của làng. Miếu cây thị bao đời nay nổi tiếng linh thiêng. Từ xa xưa, mỗi lần trước các kỳ thi, sĩ tử trong làng được người nhà dắt đến gốc thị, quỳ gối trước ngôi miếu để cầu đỗ đạt và rất linh ứng

hoàng sơn

Tầm cao của cửa khoảng 1,3 m nên những ai muốn chiêm bái ngôi miếu đều phải khom người bước qua. Đó cách người xưa thiết kế để thể hiện sự tôn kính trước đấng thần linh

hoàng sơn

Cũng tại ngôi miếu này, người dân lưu truyền nhiều câu chuyện ly kì như: "ông Cọp" tha xác người về gốc thị, rồi nhiều người bất kính với ngôi miếu đã phải trả giá… làm người dân không chỉ trong làng mà nhiều nơi đều tin vào sự linh ứng

hoàng sơn

Người làng Phước Tích thường nhắc đến câu "thị làng, bàng họ" để nói đến việc cây thị đại diện cho làng. Còn cây bàng đại diện cho họ Hồ. Bởi cây này mọc trước nhà thờ tộc họ Hồ được lập nên từ năm 1470 theo dấu chân nam tiến của vua Lê Thánh Tông

hoàng sơn

Cùng với cây thị 500 tuổi, miếu Cây Thị, làng cổ Phước Tích - ngôi làng cổ thứ 2 sau làng cổ Đường Lâm (TP.Hà Nội) được công nhận là di tích cấp quốc gia (năm 2009) có nhiều di tích là nhà cổ, nhà thờ... mang vẻ đẹp của làng quê Việt

hoàng sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.