Thể thao thì phải chuyên nghiệp
Em tên Thuận, gương mặt với ánh mắt ngây thơ chẳng thể đoán được tuổi. Em thuộc đội Aikido Thủ Đức, được mời đến biểu diễn một tiết mục đơn ca tại lễ khai mạc giải Thể thao người khuyết tật năm nay. Tôi chú ý đến em vì vẻ chững chạc với một giọng hát ngọt ngào và sẽ để lại một niềm xúc động khôn xiết cho người nghe. Tôi cũng chú ý đến một vị khán giả đứng ngay cánh gà, lâu lâu đưa tay vén đi dòng nước mắt đang chực trào, chị là mẹ của Thuận. Phải đến khi Thuận biểu diễn xong, vào đội ngũ chuẩn bị thi đấu Bocce nữ thì chị mới có thể yên tâm cùng ngồi trò chuyện với tôi: “Em Thuận dặn tôi phải thật chuyên nghiệp! Lần nào cũng vậy, em luôn muốn trở thành một VĐV chuyên nghiệp. Thế nên cái gì cũng phải chỉn chu. Có lần vì tập mãi mà chưa thuần động tác tay, thế là em khóc òa và tự đánh tay mình, bảo sao tay không biết nghe lời”.
Thật vậy, em rất chuyên nghiệp, từ cái nhún chân lấy đà, đến cái đưa tay áng chừng hướng bóng...
|
Yêu thương không lời
Con tên gì? Con bao nhiêu tuổi?... Hàng loạt những câu hỏi rơi vào im lặng, thay vào đó là ánh mắt lảng tránh và sự bất an. Tôi hiểu ra và không hỏi em dồn dập nữa. Em không thay đổi phản ứng là mấy cho đến khi có mẹ kề bên vỗ về: “Chú hỏi con kìa... Con thương mẹ thì phải trả lời chú chứ!”. Em quay sang nhìn mẹ, ánh mắt hờn dỗi, trả lời gọn thỏm: “Nhân”. Mẹ vuốt tóc em chia sẻ: “Trông thế thôi, chứ Nhân tình cảm lắm! Ngày nhỏ em rất hay cười, nhất là khi chơi với ba, nhưng từ ngày ba mất vì ung thư, em khá kiệm lời, nhưng lúc nào cũng nghe lời mẹ. Chị biết vì thương ba nên em mới cố gắng như vậy đấy”. Nhìn gương mặt sáng sủa mang nặng những di chứng của bệnh down, đôi mắt nho nhỏ nheo lại canh đường bóng, tay đưa bóng nhẹ nhàng, tôi biết tình thương đó phải lớn lao đến thế nào.
Vài tiếng sau cuộc trò chuyện ngắn ngủi, chị chạy đến nắm tay tôi, ánh mắt ngập tràn hạnh phúc: “Chú ơi! Em Nhân được huy chương vàng bóng gỗ rồi chú ạ!”.
Chẳng có gì buồn khi có đồng đội
Thấy ba đứa trẻ mồ hôi nhễ nhại, vui đùa dưới nắng, các em vừa mới thi xong bộ môn bóng đá nam. Tôi nhanh nhảu: “Ba đứa mới thi xong à! Có được giải không?”. Chúng nó nhìn nhau, ngại ngùng một chút: “Được huy chương đồng. Năm ngoái còn được giải nhất cơ!”. Tôi hỏi tiếp: “Không được giải nhất ba đứa có buồn không?”. Đứa lớn thỏ thẻ: “Buồn gì! Đội cháu toàn nhỏ. Sang năm lại được giải nhất thôi!”. Rồi cả ba cười phá lên, rủ nhau chạy ra ngoài sân tiếp tục vui đùa. Tôi cũng chợt thấy vui trong lòng, vui vì thấy các em luôn có mục tiêu để phấn đấu, vui vì các em không quan trọng hóa việc thắng thua mà hiểu được vị trí của mình, và hơn hết là lúc nào cũng có đồng đội để sẻ chia…
Với mong muốn kêu gọi ngày càng nhiều những người mẹ, gia đình trẻ thiểu năng và cộng đồng quan tâm hơn nữa đến thể thao Special Olympics, chương trình Cảm ơn mẹ đã luôn bên con trong suốt hành trình tổ chức hoạt động trực tuyến nâng cao nhận thức về Special Olympics trên trang Facebook “P&G Cám ơn mẹ” với thông điệp “Bạn like, P&G đóng góp”. Bên cạnh đó, P&G còn kết hợp cùng hệ thống phân phối METRO tiến hành chương trình “Bạn mua, P&G đóng góp” để đưa các vận đông viên Special Olympics của Việt Nam tham gia Thế vận hội Special Olympics châu Á. Từ ngày 14.3 - 26.3.2013, khi mua 100.000 đồng các sản phẩm của P&G tại hệ thống METRO, bạn đã dành tặng 100 đồng cho hoạt động của Special Olympics, góp phần đem lại tương lai tốt đẹp hơn cho các vận động viên thiểu năng. Những hành động nhỏ của bạn mỗi ngày có thể giúp các em có thêm cơ hội chiến thắng bệnh tật và hơn hết là chiến thắng chính bản thân mình để làm nên niềm tự hào cho gia đình và đất nước. |
Hi Nghi
Bình luận (0)