Ký sự Phú Mỹ Hưng - Kỳ 1: Khi tờ giấy gặp được danh họa

30/04/2015 00:00 GMT+7

Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng không chỉ là thành quả của một liên doanh, nó còn là một trong những thành quả nổi bật của 40 năm xây dựng và phát triển TP.HCM. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thanh Niên xin khởi đăng về kỳ tích cùng những thăng trầm xung quanh khu đô thị này.

Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng không chỉ là thành quả của một liên doanh, nó còn là một trong những thành quả nổi bật của 40 năm xây dựng và phát triển TP.HCM. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thanh Niên xin khởi đăng về kỳ tích cùng những thăng trầm xung quanh khu đô thị này.
Một góc Phú Mỹ Hưng - Ảnh: Nguyễn Mạnh Hiền
Một góc Phú Mỹ Hưng - Ảnh: Nguyễn Mạnh Hiền
Từ những năm 1960, Sài Gòn đã được thế giới gọi là hòn ngọc Viễn Đông, sang trọng hơn cả Hồng Kông, còn những địa danh như Bangkok, Seoul hay Singapore thì chẳng là gì cả so với nó. Nhưng chiến tranh và sự thăng trầm của lịch sử đã khiến cho Sài Gòn phát triển chậm lại, rồi bị cơ chế tập trung quan liêu bóp nghẹt để lại những vết thương chí mạng. Cho đến khi được cởi trói để hồi sinh thì những địa danh “chẳng là gì cả” kia đã vượt lên quá xa, xa đến mức nhiều người không tin đến một ngày nào đó Sài Gòn sẽ đuổi kịp. Lý do đơn giản để không tin là những địa danh đó có chịu đứng yên để chờ chúng ta đâu, ta đuổi kịp họ vào trạng thái của họ bây giờ thì họ đã bước lên một tầm cao khác.
Bởi vậy, đặt ra bài toán bao giờ thì đuổi kịp các nước trong khu vực là sai lầm về cách nghĩ, nó sẽ khiến chúng ta luôn luôn mệt mỏi và bất an. Nếu bạn đến khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quan sát và chứng kiến sự phát triển của nó hai mươi năm qua, bạn sẽ có một cách nghĩ khác về con đường phát triển.
Giờ đây ai cũng thừa nhận khu đô thị Phú Mỹ Hưng là nơi ở tốt nhất của Sài Gòn, đó là điều không thể tranh cãi.Đó là điều, nói như tiến sĩ Trần Du Lịch, “hễ nhìn là thấy”, chẳng cần phải mô tả bằng những thông số kinh tế hay tiêu chí về tiện ích.
Khu đô thị là một tổng thể gồm các chung cư cao tầng, các biệt thự và nhà liền kế, cùng một hệ thống các công trình văn hóa, trường học, siêu thị, nhà hàng, các cơ sở tài chính và đầy đủ các dịch vụ tiện ích khác nằm quyện trong một không gian mà các yếu tố thiên nhiên được gìn giữ và bảo tồn một cách cao nhất. Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng sống ở đây chẳng thua kém gì sống ở Singapore, Hồng Kông hay bất cứ khu đô thị hiện đại nào trên thế giới. Tôi không biết ở những khu đô thị hiện đại trên thế giới có “hàm lượng” thiên nhiên nhiều hay ít, tôi chỉ biết thiên nhiên ở Phú Mỹ Hưng nhiều hơn thiên nhiên ở những đô thị khác trên đất nước ta. Tôi đã nhìn thấy ong rừng về làm tổ trên ô ban công của một tòa chung cư, đó là những tổ ong ruồi không đốt người nhưng cực kỳ nhạy cảm với không khí bị ô nhiễm, chỉ cần có mùi thuốc lá hay hóa chất là chúng sẽ đi ngay.
Nếu đi xe máy từ các quận nội thành qua cầu Kênh Tẻ đến đại lộ Nguyễn Văn Linh, cảm nhận đầu tiên của bạn là nhiệt độ giảm xuống. Bạn không cần phải đem nhiệt kế ra đo, chính da thịt của bạn cảm nhận được sự mát mẻ này. Đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8 km, lộ giới 120 m có 10 làn xe, được xây dựng băng qua vùng đất đầm lầy H.Nhà Bè (nay là Q.7), Q.8 và H.Bình Chánh. Con đường này gắn liền với khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đồng thời là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của cả khu vực Nam Sài Gòn và vùng kinh tế chiến lược Đông Nam bộ. Điều thú vị là ở giữa hai tuyến đường vẫn còn dấu vết của những kênh rạch cũ tạo thành những đầm sen, súng cùng cây cỏ hoang dại tự nhiên xanh mướt.Đó là những mảng hoang dã hiếm hoi còn lại của thành phố, chính những mảng hoang dã này đang góp phần làm dịu mát không gian khu đô thị, mong sao chúng tồn tại mãi mãi cùng năm tháng. Tôi không biết sau này người ta có định phá bỏ những mảng hoang dã này để làm việc khác hay không, nhưng điều chắc chắn là nếu phá bỏ thì nhiệt độ của khu vực sẽ tăng lên.
Phú Mỹ Hưng mới tồn tại 20 năm nay, tất nhiên không phải là một bộ phận cấu thành hòn ngọc Viễn Đông. Nhà Bè hay Q.7 ngày trước cũng không được tính vào Sài Gòn. Vùng này trước thập niên 1990 là vùng phèn mặn, dân nghèo xác nghèo xơ, đất đai hầu như chẳng có một chút giá trị gì, thậm chí có cho nhiều người chưa chắc đã lấy, vì lấy cũng không biết để làm gì. Trên mảnh đất dù có cho cũng không ai lấy đó, chỉ trong vòng hai mươi năm đã hiện hình một khu đô thị tầm cỡ thế giới, trở thành đầu tàu, thành mô hình đầy sức thuyết phục của quá trình phát triển và đô thị hóa. Rõ ràng giá trị mà Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng đem lại không chỉ nằm trong khu đô thị đó. Khu đô thị này và con đường Nguyễn Văn Linh đã làm cho giá đất ngoài khu đô thị (khoảng 1600 ha) tăng vọt lên hàng trăm lần. Chỉ riêng giá đất tăng đã khiến rất nhiều người dân nghèo khổ được đổi đời và thành phố cũng được hưởng biết bao nhiêu là lợi ích, những lợi ích to lớn đó không phải ai cũng nhìn thấy và trong những người nhìn thấy không phải ai cũng thừa nhận.
Ngày 30.12.2003, nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM cho rằng một trong những cái “nhất” của Phú Mỹ Hưng là hiệu quả sử dụng một vùng đất trước đây “coi như bỏ”, ông bảo vùng này là “một tờ giấy gặp được danh họa”. Trong dịp này, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí còn cho rằng khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã tạo ra hiệu ứng khiến cho cả khu Nam Sài Gòn “phát triển dồn dập và có thể nói là biến đổi từng ngày”.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng không chỉ là thành quả của một liên doanh, cụ thể là của Tập đoàn Central Trading & Development (Đài Loan), đứng đầu là cố Chủ tịch Lawrence S.Ting và Công ty TNHH một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận. Nó còn là một trong những thành quả nổi bật của 40 năm xây dựng và phát triển của TP.HCM.Nó còn là sản phẩm của một thế hệ những người lãnh đạo nhìn xa trông rộng và của nhà đầu tư nhìn xa trông rộng. Phải biết hết những khó khăn vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước dù đã bước vào đổi mới, nhưng cơ chế tập trung quan liêu vẫn còn hết sức nặng nề, môi trường đầu tư bắt đầu mở ra nhưng rất hạn hẹp, mới thấy hết tầm cỡ của những người khai sinh ra nó... (còn tiếp).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.