Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là dự án thứ ba của Tập đoàn Central Trading & Development (CT&D) của ông Lawrence S.Ting. Dự án đầu tiên của tập đoàn này là khu chế xuất Tân Thuận, tiếp theo là Nhà máy điện Hiệp Phước.
Ảnh: Kha Thành Trí Đạt
|
Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận là một trong những ý tưởng của nhóm chuyên gia kinh tế của TP.HCM ra đời trong “đêm trước đổi mới”, được gọi là “Nhóm thứ 6” lừng lẫy một thời. Đã có nhiều sách báo viết về công lao, tâm huyết, nỗi gian truân và dấu ấn để đời mà họ đã tạo ra cho sự phát triển của thành phố và cả nước. Với diện tích 300 ha trên vùng đất nghèo nàn chua mặn của huyện Nhà Bè, KCX Tân Thuận là KCX đầu tiên của VN được hình thành, đã nhanh chóng được đánh giá là KCX đạt tầm quốc tế, được xếp hạng là KCX tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Giờ đây, khi các chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng thống nhất không phân biệt trong hay ngoài KCX, thì việc lập KCX không còn mấy ý nghĩa, nhưng thành công của KCX Tân Thuận thời đó đã thu hút một đợt rất đáng kể các nhà đầu tư nước ngoài trong thời kỳ đầu mở cửa và tạo tiền đề cho sự phát triển hệ thống các khu công nghiệp ngày nay.
CT&D là một trong số những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên đến VN và là một trong số không nhiều những nhà đầu tư chấp nhận gắn bó dài lâu với mảnh đất này, họ thật sự coi VN là quê hương thứ hai của họ. Họ không ăn xổi ở thì, cũng không hề nói xã giao để lấy lòng, họ đã thể hiện bằng hành động thực tế.
Tiến sĩ Lê Văn Năm, nguyên kiến trúc sư trưởng TP.HCM nhớ lại, khi chuẩn bị đầu tư, ông Lawrence S.Ting đã hỏi ông rất nhiều về quy hoạch phát triển của thành phố và lịch sử hình thành vùng Sài Gòn - Gia Định, ông đã trình bày cho ông Ting nghe về định hướng phát triển thành phố lúc đó đặt trọng tâm mở rộng về phía đông và đông bắc, kéo dài đến Biên Hòa, Nhơn Trạch, quốc lộ 51 tiến ra biển. Hướng phát triển về phía nam cũng có đặt ra nhưng còn khá e dè. Tiến sĩ Năm rất ngạc nhiên khi nghe ông Ting nói rằng vẫn còn một hướng đang bỏ ngỏ, đó là phát triển về phía nam và lưu ý đến vùng đất trũng sình lầy khu vực Nhà Bè. Tiến sĩ Năm cho rằng, ông Ting đã có một tầm nhìn xa, “tương đồng với tầm nhìn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt” về hướng phát triển của thành phố.
Thời điểm này Bí thư Thành ủy là ông Võ Trần Chí. Trong hồi ức của mình, ông Võ Trần Chí viết : “KCX Tân Thuận là từ VN mời gọi và ông (Ting) hưởng ứng, nhưng đại lộ Nguyễn Văn Linh và khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng không phải do VN đề xuất mà từ chính ông Ting và ông Phan Chánh Dưỡng, từ liên doanh giữa CT&D và IPC (Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận)”. Ông Võ Trần Chí còn đánh giá rất cao thành công của Nhà máy điện Hiệp Phước, một dự án ông cho là “còn mang tính phiêu lưu hơn”. Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư Nguyễn Mại thì cho rằng ý tưởng xây dựng khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và đại lộ Nguyễn Văn Linh “chưa một ai trong chúng tôi nghĩ đến”.
Bản đồ 21 phân khu chức năng đô thị Nam Sài Gòn
Một đề án rất táo bạo được hình thành, đó là quy hoạch tổng thể khu đô thị Nam Sài Gòn rộng 2.600 ha. Chính ông Ting đã đề xuất và tổ chức cuộc thi quốc tế thu hút các nhà kiến trúc nổi tiếng trên thế giới tham gia, kết quả là Công ty Skidmore, Owings & Merrill (SOM) được chọn. Đồ án quy hoạch tổng thể khu Nam Sài Gòn của SOM đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt. Bản đồ án này đã đoạt Giải thưởng kiến trúc đô thị lần thứ 42 của Tạp chí Kiến trúc tiến bộ Mỹ (PA) vào năm 1995. Tiếp đó, vào năm 1997, bản đồ án lại được Viện Kiến trúc Hoa Kỳ trao Giải thưởng danh dự về thiết kế đô thị, đây là lần đầu tiên một đồ án đô thị châu Á đoạt giải thưởng danh tiếng này. Bản đồ án không những đạt các chuẩn mực quốc tế về cư trú, về văn hóa, giáo dục, giải trí, các tiện ích công cộng và môi trường mà giữ được sự hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn và tôn tạo các yếu tố thiên nhiên, mang đậm yếu tố sông nước và khí hậu của Nam bộ.
Điểm nổi bật của bản đồ án là tận dụng triệt để cảnh quan tự nhiên, nhất là mạng lưới kênh rạch để tạo thành vùng không gian giao hòa với thiên nhiên của khu đô thị, những dải đất ven mặt nước được đề xuất sử dụng công cộng để tất cả mọi người có thể được thụ hưởng vùng không gian này. Các cụm dân cư có kích thước nằm trong bán kính đi bộ, được tách biệt bởi hệ thống kênh rạch. Một phần diện tích đáng kể được sử dụng cho các công trình văn hóa và phúc lợi phục vụ cho nhu cầu của người dân thành phố. Bản đồ án cũng xác lập giới hạn phát triển về phía nam nhằm giữ lại đất nông nghiệp, bảo tồn hệ sinh thái, tránh việc đô thị hóa tràn lan trong tương lai.
Nêu vài chi tiết đáng chú ý nói trên để thấy chủ đầu tư cũng như các nhà quy hoạch ngay từ đầu đã có một tầm nhìn dài hạn và đặt lợi ích của người dân toàn thành phố cũng như của khu vực lên trên hết, chứ không hề có ý định “tư hữu hóa” không gian công cộng như có người chỉ trích. Xung quanh Nam Sài Gòn và Phú Mỹ Hưng còn có những tranh cãi xung quanh vấn đề phân hóa giàu nghèo, vấn đề ngập nước của thành phố và vấn đề biến đổi khí hậu, chúng tôi sẽ đề cập ở những phần sau.
Khu đô thị Nam Sài Gòn chia thành 21 phân khu, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng được giao 5 phân khu dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Linh. Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng được phát triển trong phạm vi đó, các phân khu còn lại do “ta” làm. Đến thời điểm này, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng mới thực hiện được một phần của 5 phân khu. Phần của “ta”, tức là phần lớn diện tích của đồ án khu đô thị Nam Sài Gòn, theo ông Phan Chánh Dưỡng thì “bây giờ không còn ai nhớ đến”. Theo ông, người ta coi đó là quy hoạch cũ rồi, nên mạnh ai người nấy làm, không tuân theo quy hoạch đó nữa...
(còn tiếp)
Bình luận (0)