Ký sự Phú Mỹ Hưng - Kỳ 4: Niềm tin trong tầm nhìn

23/05/2015 06:00 GMT+7

Bất cứ nhà đầu tư nào cũng vì lợi nhuận mà đầu tư, dẫu có “làm từ thiện” thì phải có lợi nhuận mới có tiền dành cho việc đó. Tất nhiên Tập đoàn CT&D không nằm trong ngoại lệ.

Bất cứ nhà đầu tư nào cũng vì lợi nhuận mà đầu tư, dẫu có “làm từ thiện” thì phải có lợi nhuận mới có tiền dành cho việc đó. Tất nhiên Tập đoàn CT&D không nằm trong ngoại lệ.

>> Ký sự Phú Mỹ Hưng - Kỳ 3: Một sự gay cấn kéo dài 22 năm

Đại lộ Nguyễn Văn Linh - xương sống phát triển của Khu Nam Thành phố - Ảnh: Thanh Toàn
Đại lộ Nguyễn Văn Linh - xương sống phát triển của Khu Nam Thành phố - Ảnh: Thanh Toàn
Nói cho đúng, CT&D cũng là một ngoại lệ, nhưng ngoại lệ theo góc độ khác. Họ đã tin và đã thấy được những chuyện mà nhiều nhà đầu tư khác (cả nước ngoài và trong nước) không tin và không thấy.
Họ tin vào sự nhất quán của chính sách Đổi Mới của VN, mặc dù họ bước chân đến mảnh đất này khi công cuộc Đổi Mới chỉ khởi động được mới trên dưới 5 năm và nỗi ám ảnh của cuộc cải tạo công thương nghiệp, của việc “đánh tư sản” không thể nói là đã phai mờ trong xã hội VN hơn 20 năm trước.
Niềm tin của họ còn vượt qua sự rối rắm của cơ chế, cái cơ chế dù được chuyển từ tập trung quan liêu sang thị trường trên nghị quyết, nhưng thực tế thì vẫn còn đang dò dẫm “lần đá qua sông”, với biết bao nhiêu sự trì kéo, kìm hãm và bất nhất, khiến cho ngay cả các doanh nhân trong nước nhiều khi phải nghẹt thở.
Họ là những doanh nhân từ một vùng lãnh thổ có truyền thống tự do kinh doanh, đến VN họ không thể không thấy thị trường ở đây khi ấy còn quá ít. Quá ít, nhưng họ cũng thấy không bị bóp lại mà ngày hôm sau thị trường nhiều hơn ngày hôm trước và xu hướng mở ra là không thể đảo ngược. Họ đã không “đánh cược” tiền bạc vào chuyện may rủi. Niềm tin và sự thấy của họ là có cơ sở.
Cái cách đầu tư của CT&D là biểu hiện của niềm tin và sự thấy đó. Trước khi triển khai khu đô thị, CT&D đã bỏ ra 2,5 triệu USD để tổ chức cuộc thi thu hút các nhà kiến trúc tài ba trên thế giới làm quy hoạch cho cả khu Nam Sài Gòn, là khoản tiền không hề nhỏ đóng góp cho việc hình thành diện mạo mở rộng thành phố trong tương lai.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh là cách đầu tư đặc biệt mà sau này rất hiếm thấy. Con đường có giá trị 100 triệu USD, dài 17,8 km, lộ giới 120 mét, với 10 làn xe và 10 cây cầu lớn nhỏ, đương nhiên phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của khu đô thị, nhưng nó phục vụ nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế và văn hóa cho cả một khu vực rộng lớn không chỉ của TP.HCM. Con đường này có thu phí, nhưng việc thu phí không phải để hoàn vốn và để hưởng lợi nhuận sau khi hoàn vốn mà thực hiện theo nguyên tắc: Phí thu được dùng để duy tu bảo dưỡng con đường, nếu thu phí không đủ để duy tu bảo dưỡng thì liên doanh có trách nhiệm tìm nguồn thu từ lĩnh vực khác để bù vào, nếu tiền phí thu được nhiều hơn chi phí duy tu bảo dưỡng thì khoản dư ra đó phải nộp cho ngân sách thành phố 70%, liên doanh được hưởng 30%. Sau 30 năm, liên doanh có trách nhiệm bàn giao toàn bộ con đường “ở trạng thái tốt” cho thành phố. Nghĩa là người dân có được một đại lộ lớn nhất TP.HCM mà ngân sách nhà nước không bỏ ra một đồng vốn nào.
Phía liên doanh còn đảm nhận nhiệm vụ xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng và bàn giao cho thành phố 150 ha đất ở vị trí thuận lợi để thành phố toàn quyền sử dụng cho việc xây dựng các công trình phúc lợi chung cho người dân và các mục đích khác của thành phố. Đến nay, phần lớn diện tích đất nói trên đã được bàn giao 110 ha tại khu A với đầy đủ cơ sở hạ tầng, là khu đã được phía IPC giao đủ đất, 40 ha còn lại chưa giao được, lý do đơn giản vì các khu còn lại chưa được phía VN giao đất.
CT&D đã chấp nhận một cách đầu tư tốn kém “cầm đèn chạy trước ô tô” như thế để cùng với phía VN khai thông việc làm ăn nhằm cùng hưởng những lợi ích lâu dài và bền vững. Họ đã cùng chia sẻ khó khăn với thành phố để lợi ích mà họ được hưởng đồng thuận nhịp nhàng với lợi ích mà đối tác và người dân trong khu vực được hưởng. Nếu không tin hoặc là tin một cách dè chừng vào sự thành công của công cuộc Đổi Mới ở VN thì họ đã không dám làm như vậy. Hồi ấy đây đó ở trong nước vẫn còn tâm lý cảnh giác rằng “nhà nước nuôi cho mập để thịt” (hàm ý sẽ cải tạo, sẽ quốc hữu hóa), nhưng họ đủ thông minh để hiểu thời cuộc đang chuyển vần theo hướng nào.
Và họ đã thành công ngoài sự mong đợi của số đông. Năm 2014, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng đã nộp cho ngân sách thành phố 1.292 tỉ đồng (chỉ tính riêng thuế), đứng trong top 5 các doanh nghiệp nộp ngân sách cao nhất của TP.HCM.
Nếu tính từ khi thành lập đến nay, chỉ tính riêng tiền thuế thu được từ liên doanh là 7.071 tỉ đồng, chưa tính 5.827 tỉ đồng tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách và phần lãi được chia cho IPC. Đó là nguồn thu trong phạm vi của liên doanh. Còn hiệu ứng lan tỏa từ Phú Mỹ Hưng khiến cho kinh tế trong vùng phát triển từng ngày thì khó có thể định lượng được, nhưng chắc chắn là rất lớn. Vì chỉ tính riêng trong phạm vi quận 7, tổng số thuế mà quận này thu được trong năm 2013 là 4.281 tỉ đồng, gấp 68 lần so với năm 1997 (là năm đầu tiên quận này được thành lập). Tất nhiên số thuế trên của quận 7 có một phần thu từ Phú Mỹ Hưng, nhưng phần lớn là thu từ các hoạt động kinh doanh khác của người dân và doanh nghiệp trong quận. Không thể chối cãi được rằng chính khu đô thị Phú Mỹ Hưng và đại lộ Nguyễn Văn Linh đã góp phần quan trọng thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của quận 7 và quận 8 , huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh phát triển nhanh chóng. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.