Anh Dương Văn Beo là một nhân vật khá đặc biệt ở Phú Mỹ Hưng. Đặc biệt ở chỗ, anh không chỉ chọn nơi này làm “quê hương thứ hai” của mình để sinh sống và dựng nghiệp mà còn huy động cả họ hàng nội ngoại với 20 gia đình gồm 2 - 3 thế hệ đến đây làm ăn sinh sống.
Đô thị Phú Mỹ Hưng nhìn từ trên cao - Ảnh: Nguyễn Hữu Giang
|
Anh Beo cũng là một người nhìn xa trông rộng. Hơn 10 năm trước, từ Bạc Liêu lên, anh cùng một số anh em trong nhà và vài người bạn, tất cả 9 người, mang 3 triệu USD mua luôn 9 lô đất tại khu vực mà Phú Mỹ Hưng quy hoạch làm đất ở kết hợp với văn phòng thương mại, rồi cất luôn một tòa nhà. Đó là tòa nhà Phú Mã Dương gồm 3 block cao 7 tầng. Sau 3 năm xây dựng, anh đã đưa vào kinh doanh với diện tích dùng để cho thuê làm văn phòng làm việc khoảng 6.000 m2. Có lúc toàn bộ diện tích cho thuê hết, tình hình kinh tế khó khăn vài năm gần đây khách thuê có giảm sút nhưng vẫn cho thuê được khoảng 60% diện tích. Hiện nay sau khi trừ mọi chi phí và thuế, thu nhập hằng tháng của mỗi thành viên góp vốn của tòa nhà vào khoảng 100 triệu đồng. Tôi không biết khoản thu nhập đó là cao hay thấp, nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn lúc này thì nguồn thu nhập như vậy không thể nói là không đáng kể. Anh còn bảo, sau 10 năm anh đã thu hồi hết vốn đầu tư, còn giá trị của tòa nhà thì tăng không dưới 10 lần, lên khoảng 30 triệu USD.
Tòa nhà Phú Mã Dương của anh Beo được thiết kế đúng quy hoạch và được Công ty Phú Mỹ Hưng phê duyệt, việc thi công cũng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của khu đô thị. Và điều quan trọng là nó được thừa hưởng tất cả mọi tiện ích mà khu đô thị Phú Mỹ Hưng mang lại, từ môi trường, cảnh quan cho đến an ninh, bãi đậu xe và các tiện ích công cộng khác, nghĩa là khách thuê văn phòng của anh Beo chẳng khác gì thuê văn phòng của chính Phú Mỹ Hưng.
Anh Dương Văn Beo đang chăm sóc vườn rau tại tư gia - Ảnh: nhân vật cung cấp
Không chỉ đầu tư vào tòa nhà Phú Mã Dương, anh Beo còn thuyết phục bà con anh em họ hàng nội ngoại và bạn hữu kéo về Phú Mỹ Hưng sinh sống. “Đại gia đình” của anh giờ đây có 20 gia đình, ngoài tòa nhà Phú Mã Dương còn có hơn 30 căn nhà khác, gồm đủ loại: biệt thự, nhà phố, căn hộ chung cư, một số để ở, một số cho thuê.
Anh Beo tự hào nói: “Phú Mỹ Hưng có sản phẩm gì anh em tôi đều có hết: có nhà ở, có nhà cho thuê, có văn phòng cho thuê, shop cho thuê. 60 công ty của hơn 15 quốc gia là khách hàng riêng của chúng tôi đó”.
Điều thú vị là anh Dương Văn Beo đã thuyết phục nhiều bạn bè của anh trước đây vượt biên ra nước ngoài quay ngược lại VN đến Phú Mỹ Hưng sinh sống. “Chẳng vượt biên sang nước nào mà được sống tốt như ở đây cả. Mấy ông bạn từ Mỹ nghe tôi nói ban đầu không tin, khi về đây chứng kiến mới đem tiền dành dụm được đầu tư với tôi, hằng tháng mỗi người gửi ngược qua bên đó 5.000 USD, coi như tiền của “Việt cộng” gửi qua cho Việt kiều xài. Mấy anh đó trước thì đi đi về về, nay thì ở luôn đây rồi”, anh Beo nói.
Hoàn toàn hài lòng với nơi mình đang làm ăn sinh sống, anh bảo nếu làm lại từ đầu thì anh cũng chọn nơi này, công việc này. Công việc làm ăn của anh suôn sẻ và có nhiều triển vọng nhưng anh không tự cho mình là người thành đạt. Anh bảo anh chỉ là người ăn theo, là “vệ tinh” của Phú Mỹ Hưng và anh quyết chí học cách làm của họ.
Ít có người nào gắn bó một cách đặc biệt với khu đô thị Phú Mỹ Hưng như anh Beo. Ở đây không có con đường nào anh không đi qua, không có khu vực nào anh chưa bước tới, không có tòa nhà nào anh không quan sát, không có dự án mới nào anh không theo dõi, không có sự chuyển động nào lọt khỏi tầm mắt và tâm trí anh.
Tôi không hiểu gì nhiều về con người này, không biết về gốc tích, về hoạt động trên thương trường của anh, về những mục tiêu mà anh muốn vươn tới, nhưng tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy anh thấu hiểu cả những gì ẩn chứa đằng sau những thuyết minh và những lời quảng bá về khu đô thị. Anh nói, một khách hàng vào Phú Mỹ Hưng để chọn một căn nhà là vô cùng khó, bởi vì không có vị trí nào xấu hết. Tuy mỗi căn hộ, mỗi ngôi nhà đều khác nhau, nhưng sự khác biệt về thẩm mỹ cũng như các yếu tố phong thủy bên trong và bên ngoài của mỗi căn nhà là rất khó so sánh. Căn nhà này đẹp chỗ này nhưng căn nhà kia lại đẹp ở chỗ khác, căn nhà này thú vị ở một chỗ nhưng căn nhà kia cũng có chỗ khác thú vị không kém. Theo anh, nhà đầu tư đã tính toán những điều đó rất kỹ ngay từ quy hoạch và thiết kế, “họ tính rất là sâu sắc, họ tính sao cho mỗi một sản phẩm họ làm ra đều được khách hàng hài lòng, vì vậy họ xây bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, cái hay là ở chỗ đó”.
Đó là một trong những điều anh Beo học ở Phú Mỹ Hưng. Và tôi nghĩ các nhà kinh doanh bất động sản cũng nên lưu ý. Riêng đối với anh Beo, bài học đầu tiên mà anh học ở đây là cách quản lý xây dựng, khi anh buộc phải “ký quỹ” 300 triệu đồng cho Phú Mỹ Hưng để bắt đầu xây tòa nhà Phú Mã Dương của anh. Số tiền “ký quỹ” này dùng để phạt nếu như anh vi phạm, từ những vi phạm nhỏ nhất như đổ gạch đổ cát không đúng chỗ…
(Còn tiếp)
Bình luận (0)