Kỳ thú làng bích họa ven biển

Lần đầu tiên một làng bích họa được các nghệ sĩ xứ sở kim chi thiết kế thành công tại VN.

“Trên đường đến đây, nhìn khung cảnh hai bên đường, tôi cứ tưởng mình đang trở về quê hương”, Đại sứ Hàn Quốc tại VN Lee Hyuk bày tỏ cảm xúc tại lễ khánh thành dự án mỹ thuật cộng đồng Hàn Quốc - VN tổ chức sáng qua 28.6 tại thôn Trung Thanh, Tam Kỳ. Dự án do UBND TP.Tam Kỳ phối hợp với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF) thực hiện. Thôn Trung Thanh, làng biển ở phía bắc xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) được KF chọn thực hiện làng bích họa - một hình mẫu phổ biến tại Hàn Quốc thông qua sự giới thiệu của Tổ chức UN-Habitat.
“Mở cửa ra là thấy vui rồi”
Khởi động từ đầu tháng 6, các họa sĩ Hàn Quốc có khoảng 20 ngày để “hô biến” làng biển heo hút trở thành làng bích họa sống động đầu tiên ở VN, với sự hỗ trợ của nhóm tình nguyện viên tỉnh Gyeongbuk (Hàn Quốc) và sinh viên ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Các mảng sơn đã phủ lên 120 ngôi nhà, tường rào dọc lối đi chính, cả những ngã rẽ ra biển. Ít nhất 70 bức tranh vẽ chân dung chủ nhà, tranh cá, tĩnh vật, nhịp điệu sinh hoạt của cư dân làng biển... đã hoàn tất. “Mở cửa ra là thấy vui rồi”, chị Mai Thị Kim (41 tuổi, ở tổ 6, thôn Trung Thanh) khoe bức hình 2 con cá lớn và hình cháu bé dễ thương trên tường nhà.
Bà Yoon Keum-jin, Phó chủ tịch KF, đã không giấu sự thích thú: “Nhóm nghệ sĩ Hàn Quốc cố gắng hoàn thành những tác phẩm này trong thời gian sớm nhất. Hôm nay xem lại, tôi rất hạnh phúc”. Bà Yoon Keum-jin cho hay làng biển này được chọn lựa sau chuyến khảo sát của đại diện KF “vì đây là nơi thích hợp nhất”. Ở một lối rẽ ra biển, chúng tôi chứng kiến một cuộc trò chuyện giữa 2 người đứng cách nhau một bức tường. “Mọi người có thích hình những con cá trên bức tường này không?”, bà Yoon Keum-jin hỏi. Phía bên kia, bà Nguyễn Thị Phấn (58 tuổi, trú tổ 5) cười rất tươi: “Thích lắm, ai qua đây cũng khen”.
Gìn giữ bức tranh khổng lồ
Qua bàn tay khéo léo của các họa sĩ, một bức tranh khổng lồ trên con đường chính chạy qua thôn Trung Thanh hình thành. Những chi tiết của bức tranh đó cũng thú vị không kém: chân dung chủ nhà, một sạp bán trái cây ngay góc đường có người thường bán hàng vào ban đêm, những sinh vật biển, tĩnh vật... Bức tường vẽ chân dung các thành viên gia đình của ông Võ Đức (51 tuổi, ở tổ 6) là một ví dụ, chị Lương Thị Tường Vi (31 tuổi) không ngờ vợ chồng cùng 2 con nhỏ khi được các họa sĩ vẽ chân dung lên tường lại đẹp và giống đến như vậy. Những nét vẽ sinh động đã mang niềm vui đến với gia đình khá đặc biệt này, khi người chồng bị điếc do di chứng thương hàn từ nhỏ, vợ cũng mất sức sau tai nạn hồi năm lớp 4.
Ông Bùi Quang Tân (52 tuổi) cười đắc ý trước bức tranh vẽ 3 cô gái ở mặt tiền ngôi nhà. Ông bảo chính mình đã lựa chọn mẫu này, với tông màu xanh mát dễ chịu. “Trước đây, tường rào các nhà hai bên đường sơn phết khá loang lổ, giờ thì hấp dẫn quá chừng!”, ông Tân nói. Riêng chị Mai Thị Kim, người đang “sở hữu” mặt tiền sinh động với 2 con cá, thì phấn khích: “Dễ chi có được không gian như thế này. Chắc chắn là chúng tôi cố giữ”.
Câu chuyện giữ nguyên vẹn các bức bích họa không hề đơn giản. “Chúng tôi đã giao phòng quản lý đô thị cùng chính quyền xã Tam Thanh phối hợp lập quy chế quản lý, khai thác và động viên người dân chung tay bảo vệ. Riêng mối lo về chất lượng tác phẩm, như nghiên cứu lớp phủ để bảo vệ, dù đã được đặt ra từ sớm với đối tác Hàn Quốc nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp kỹ thuật cụ thể vì đây là lần đầu tiên thực hiện”, ông Nguyễn Minh Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, nói.
Trước nguy cơ bích họa xuống cấp trong điều kiện thời tiết ở làng biển khắc nghiệt, chính quyền TP.Tam Kỳ và KF thỏa thuận sẽ trao đổi để các chuyên gia Hàn Quốc tu bổ.
Ý tưởng thiết kế làng bích họa đầu tiên ở VN với tổng kinh phí khoảng 100.000 USD đã mở ra cơ hội mới cho người dân làng biển phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, trong đó chính người dân là chủ thể. Làng bích họa Trung Thanh sẽ sớm kết nối với các địa chỉ du lịch nổi tiếng (quần thể tượng đài Mẹ VN anh hùng, địa đạo Kỳ Anh...), như cam kết của chính quyền TP.Tam Kỳ để thu hút khách du lịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.