Bích họa

11/09/2015 21:00 GMT+7

Bích họa là nghệ thuật vẽ tranh trên tường, trên vách. Xưa nay, người ta vẽ tranh trên giấy, trên lụa, trên vải và cả tranh trên vách nữa. Thế nhưng, ta chưa nghe ai nói đến các khái niệm chỉ họa (trên giấy), bạch họa (trên lụa) và bố họa (trên vải). Riêng bích họa (trên vách) thì đã có tên riêng để gọi. Xem vậy, bích họa là một phương pháp nghệ thuật hội họa đặc biệt bởi nó có tên riêng, giúp người thưởng ngoạn đỡ nhầm lẫn với các loại hình hội họa khác.

Bích họa là nghệ thuật vẽ tranh trên tường, trên vách. Xưa nay, người ta vẽ tranh trên giấy, trên lụa, trên vải và cả tranh trên vách nữa. Thế nhưng, ta chưa nghe ai nói đến các khái niệm chỉ họa (trên giấy), bạch họa (trên lụa) và bố họa (trên vải). Riêng bích họa (trên vách) thì đã có tên riêng để gọi. Xem vậy, bích họa là một phương pháp nghệ thuật hội họa đặc biệt bởi nó có tên riêng, giúp người thưởng ngoạn đỡ nhầm lẫn với các loại hình hội họa khác.

Bích họaMinh họa: DAD
Trong văn hóa VN, bích họa không thiếu. Trong những ngôi chùa, các họa sĩ thường vẽ lên vách những sự tích rút ra từ kinh điển Phật giáo như thái tử Tất Đạt Đa xuất gia, Thích Ca Mâu Ni đắc đạo dưới gốc cây bồ đề, Đạt Ma sư tổ phái Thiền tông mang cây gậy chỉ còn một chiếc dép... Những bức bích họa trong các chùa của bà con người Việt gốc Khmer miền tây Nam bộ còn nhiều chủ đề hơn và đặc sắc hơn với tông màu rực rỡ, tươi vui. Trong các nhà thờ, các họa sĩ cũng thể hiện những sự tích rút ra từ kinh điển Thiên Chúa giáo như đêm giáng sinh Chúa Hài đồng, các thầy thuật sĩ ở phương Đông đến bên máng cỏ thờ lạy Chúa, Judas bán Chúa... Văn hóa dân gian thuần Việt cũng có những bích họa thú vị trong các đình miếu, nhà thờ tộc họ hoặc trên các bức bình phong (xây bằng gạch) đứng chắn ở giữa lối vào các đình miếu, nhà thờ. Nét bút nghệ nhân dân gian khá hồn nhiên, đôi lúc ngộ nghĩnh khi thể hiện hình ảnh các con cọp, kỳ lân, sư tử, rồng, phụng...
Trong những trường hợp này, các bức bích họa mang dấu ấn tâm linh, niềm tin tôn giáo hay sự kính sợ các thế lực siêu nhiên. Bích họa như một cầu nối giao lưu giữa con người với kinh điển hay những sự tích được lưu truyền trong dân gian. Người họa sĩ, nghệ nhân dân gian muốn truyền đi thông điệp rằng hãy ghi nhớ sự tích này, hãy làm lành lánh dữ, hãy sống và hành xử như những gì kinh điển đã thể hiện và khuyên răn.
Tháng 8.2015, đi qua các đường Ba Tháng Hai, Lý Thái Tổ và Sư Vạn Hạnh nối dài (Q.10, TP.HCM), tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy các bức bích họa với đường nét hồn nhiên nhưng giàu cảm xúc và đầy tính mỹ thuật, màu sắc khá rực rỡ được vẽ trên bức vách của Bệnh viện Nhi đồng 1. Hỏi ra mới biết đó là tác phẩm của các em sinh viên Đại học Kiến trúc TP.HCM trong dịp công tác Mùa hè xanh vừa qua.
Các bức bích họa lấy theo nội dung của những câu chuyện cổ tích như Ăn khế trả vàng, những nội dung phim hoạt hình như Thuyền trưởng Nemo, những lời hướng dẫn cần thiết của ngành y như Hãy nuôi con bằng sữa mẹ. Bên cạnh đó, các họa sĩ sinh viên cũng thể hiện những hình ảnh gần gũi, mang tính giáo dục về việc giữ màu xanh cho sự sống và bảo vệ động vật hoang dã như cứu loài tê giác, chim, bướm, mây, trời, cây cối, máy bay, khinh khí cầu.
Trước nay, những tấm vách dài mấy trăm mét này thường được tu bổ hằng năm, quét sơn màu vàng. Nhiệm vụ của nó là góp phần giữ trật tự, an ninh cho bệnh viện. Một số người qua đường đã đậu xe gắn máy sát lề đường, quay mặt vào tấm vách này mà phóng uế. Từ lúc những bức bích họa được vẽ lên, tấm vách trở nên trang nhã, tươi đẹp hơn. Tình trạng phóng uế giảm đáng kể. Phải chăng trước một công trình mỹ thuật mang tính phục vụ xã hội cao như các bức bích họa này, người ta không nỡ làm chuyện thiếu văn hóa, tiết mạn văn hóa như ngày trước nữa?
Qua xem tin tức truyền hình, tôi được biết trước đó nhiều họa sĩ ở Hà Nội đã có thiện ý làm đẹp thêm những con đường mới bằng việc thực hiện các bức bích họa lên vách. Thế nhưng, cũng có một số ít người vẫn dừng lại ở đó phóng uế, thậm chí bôi xóa hoặc phá các bức tranh kia. Ý tưởng vẽ tranh trên các bức vách của thành phố, làm thành phố đẹp lên, văn minh hơn, văn hóa hơn phát xuất từ Hà Nội. Cho nên, tôi mong ước những bức bích họa ở TP.HCM được bảo quản, giữ gìn tốt; công dân thành phố tự giác góp phần làm đẹp bằng cách tôn trọng những bức vẽ đó.
Nhìn ra thế giới, ta thấy nhu cầu làm vui cuộc sống, làm đẹp thành phố đang có khuynh hướng trở thành ý nghĩa chủ đạo trong sự nghiệp sáng tác tranh bích họa của các họa sĩ giàu tấm lòng với cuộc sống. Tại Dải Gaza ở Palestine, các họa sĩ đã thực hiện nhiều bức bích họa lên vách nhà của các khu dân cư với màu sắc rực rỡ, giúp người Palestine quên đi nỗi đau, nỗi buồn chiến tranh đã kéo dài hơn nửa thế kỷ qua. Tại Rio de Janeiro ở Brazil, các họa sĩ cũng đã thực hiện nhiều bức bích họa với màu sắc rực rỡ trên vách nhà của các cư dân khu ổ chuột, giúp họ quên bớt cuộc sống nghèo khổ và có thêm niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Một cư dân phát biểu: “Nhìn những bức tranh rực rỡ này, tự nhiên tôi có niềm tin rằng tương lai của con cái tôi sẽ tốt hơn”.
Được thực hiện giữa một không gian mở nên các bức bích họa hiện đại được nhiều người thưởng thức, đem hội họa đến gần với đông đảo công chúng hơn so với những cuộc triển lãm các loại tranh khác trong phòng tranh. Bích họa đã thực sự tạo nên mối giao lưu giữa họa sĩ và công chúng thưởng ngoạn, xóa đi những khoảng cách, những biên giới, nhất là đối với những công chúng nghèo. Ở chừng mực nào đó, bích họa đường phố đem lại một niềm tin, niềm vui cho người thưởng ngoạn. Có thể chiều sâu nghệ thuật của nó chưa bằng những bức tranh trên giấy, trên lụa, trên vải nhưng bích họa vẫn đạt được mục đích tối hậu là đem hội họa trở lại với đông đảo công chúng bình dân. Yếu tố nhân văn của các bức bích họa là không thể nghi ngờ.
Với tôi, những bức bích họa trên vách của Bệnh viện Nhi đồng 1 đem lại một niềm xúc động mới lạ. Bên cạnh những anh chị em công nhân vệ sinh, cây xanh - ánh sáng lo nhiệm vụ làm đẹp thành phố, có thêm những họa sĩ, những sinh viên mỹ thuật cùng chung tay làm đẹp, theo cách riêng của họ mà không cần đến một thứ kinh phí nào. Những bức bích họa ấy còn mang một ý nghĩa giáo dục rất tích cực, làm giàu và làm đẹp thêm tâm hồn các em thiếu niên, nhi đồng của chúng ta với những câu chuyện kể. Tôi tin rằng thấy trên vách có những bức tranh đẹp như vậy, người qua đường không nỡ dừng lại để phóng uế bừa bãi. Phố đẹp lên, đường đẹp lên, ý thức tôn trọng vệ sinh đường phố được nâng cấp một bậc - bích họa đã đem lại được những thành quả đó, mặc dù chỉ mới là bước đầu.
Tôi nghĩ các trường học nên nghiên cứu và sử dụng bích họa vào mục đích giáo dục. Trường nào cũng có những bức vách đẹp, ngay thẳng làm tường rào bao quanh. Có thể “đặt hàng” các họa sĩ (kể cả họa sĩ biếm họa), các sinh viên mỹ thuật để họ vẽ các bức tranh trang trí lên tường lấy chủ đề từ sách giáo khoa. Nét vẽ ngộ nghĩnh nhiều khi gây cười, màu sắc tươi đẹp của các bức tranh sẽ giúp các em học sinh dễ thẩm thấu bài học và những bài giảng luân lý, đạo đức của nhà trường cũng sinh động, gần gũi hơn, dễ thẩm thấu hơn...
Trong suy nghĩ của một bộ phận công dân, hễ cứ thấy bức vách trống là nghĩ ngay đến việc tranh thủ quảng cáo, dán những mẩu quảng cáo in sẵn hay xịt sơn vào theo các mẫu quảng cáo đã đục khuôn. Vì vậy mà trên các bức tường cứ lủ khủ các kiểu quảng cáo. “Thượng vàng” có album ca sĩ này, chương trình ca sĩ kia, vào internet giá rẻ, gắn bộ phận tiếp sóng ti vi, học thêm luyện thi, cho vay tiêu dùng lãi suất thấp, bán căn hộ cao cấp.... “Hạ cám” thì quá nhiều với khoan cắt bê tông, thuốc trĩ, thuốc hôi nách, hút hầm cầu, dọn nhà trọn gói, áo quần giá rẻ, bán xe ba gác, cải chua, mắm ruốc, mắm nêm, ăn sáng bình dân... Được trớn, những thanh niên còn đế thêm vào những câu “X và Y yêu nhau mãi mãi”, “Hận tình đen bạc” với mũi tên xuyên qua trái tim. Nguy hiểm hơn là có những câu “tục... ngữ” mà ít ai dám nói!
Vậy thì không nên để trống những bức tường, bức vách. Chúng ta lấy văn hóa chính thống, lành mạnh để trị thứ “văn hóa” vô tổ chức, vô kỷ luật, bậy bạ. Những bức bích họa hồn nhiên, tươi đẹp, đầy tính nhân văn, tính giáo dục là một liệu pháp chủng ngừa tinh thần cho thế hệ mới lớn. Chưa nói chuyện sâu xa, chỉ cần nói chuyện học sinh nhận biết được thế nào là nghệ thuật bích họa cũng là thắng lợi rồi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.