Kỳ thú sân bóng Bàu Thành, nơi các sinh viên trải nghiệm lịch sử dân tộc

Nguyễn Long
Nguyễn Long
09/01/2024 08:48 GMT+7

Sân Bàu Thành, nơi 6 trường đại học ở miền Đông Nam bộ tranh tài nằm trong khu di tích lịch sử được hình thành cả ngàn năm qua.

Vòng loại khu vực giải bóng đá Thanh Niên sinh viên Việt Nam lần II - 2024 Cúp THACO lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực Đông Nam bộ, quy tụ 6 đội bóng đến từ các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương. Bao gồm các Trường ĐH Bình Dương, Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, Trường ĐH Lạc Hồng (nhóm 1) và Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, Trường ĐH Dầu khí Việt Nam (nhóm2).

Ngắm sân Bàu Thành trước ngày đăng cai vòng loại: Khuôn viên khang trang, mặt cỏ xanh mướt

Kỳ thú sân bóng Bàu Thành, nơi các sinh viên trải nghiệm lịch sử dân tộc- Ảnh 1.

Sân bóng Bàu Thành nhìn từ trên cao

VŨ ĐOAN

Ngắm sân Bàu Thành trước ngày đăng cai vòng loại: Khuôn viên khang trang, mặt cỏ xanh mướt

Sân bóng Bàu Thành thuộc thôn Long Phượng, TT.Long Điền (H.Long Điền) là nơi được Ban tổ chức giải đi khảo sát nhiều lần cùng với những sân bóng khác ở các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và cuối cùng chọn làm sân thi đấu khu vực vòng loại Đông Nam bộ. Vậy, sân Bàu Thành có gì đặc biệt?

Kỳ thú sân bóng Bàu Thành, nơi các sinh viên trải nghiệm lịch sử dân tộc- Ảnh 2.

Khán đài sân bóng Bàu Thành có sức chứa khoảng 700 chỗ ngồi

VŨ ĐOAN

Ban tổ chức đánh giá sân bóng Bàu Thành có diện tích chuẩn để thi đấu chuyên nghiệp. Mặt sân Bàu Thành được trồng cỏ xanh mướt, khán đài có sức chứa khoảng 700 chỗ ngồi…

Điều đặc biệt ở sân bóng Bàu Thành là sân nằm ngay trong trung tâm di tích lịch sử Bàu Thành rộng hơn 20 hecta. Theo các tài liệu sử học trong tiến trình lịch sử Việt Nam, vùng đất nơi đây xưa kia là lãnh thổ vương quốc cổ Phù Nam, đến thế kỷ VII (sau năm 627) thì bị sáp nhập vào lãnh thổ Chân Lạp. Thế kỷ XIII-XIV vương quốc Chân Lạp suy yếu chia làm hai lãnh thổ, Thượng Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Thế kỷ XVII-XVIII một phần lãnh thổ Thủy Chân Lạp trở thành một phần của lãnh thổ Việt Nam (tức Nam Bộ ngày nay).

Kỳ thú sân bóng Bàu Thành, nơi các sinh viên trải nghiệm lịch sử dân tộc- Ảnh 3.

Sân bóng Bàu Thành nằm trong khu di tích lịch sử văn hóa ngàn năm tuổi

VŨ ĐOAN

Bàu Thành còn có tên gọi khác là Dục Tượng trì hay còn gọi là ao voi tắm. Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cho biết: "Ở phía bắc lũy Phước Tứ, tổng Phước Hưng, huyện Phước An, khi xưa là chỗ đồn binh của người Cao Miên, Bô Tâm tắm voi, xung quanh đắp đê bằng đất, nay dấu cũ vẫn còn". Đất Long Điền-Bà Rịa lúc đó thuộc xứ Mô Xoài (Mỗi Xuy), còn có một đạo quân của chúa Nguyễn, gọi là "Đạo Mô Xoài". Đạo là cấp hành chính - quân sự nhỏ hơn cấp huyện. Đạo Mô Xoài được Gia Định thành thông chí chép có đoạn viết về lũy Phước Tứ: "Lũy ấy trải mấy đời sau cũng nhân theo đó nhận làm yếu địa đồn trú cho đạo Mô Xoài, nay giặc giã yên lặng, tứ bề không còn đồn lũy, tuy thành tường đào phá làm ruộng vườn, mà bờ tre còn xanh tốt, còn nhìn nhận được dấu tích lũy xưa".

Kỳ thú sân bóng Bàu Thành, nơi các sinh viên trải nghiệm lịch sử dân tộc- Ảnh 4.

Bình minh ở sân bóng Bàu Thành

NGUYỄN LONG

Từ những tư liệu lịch sử, khảo cổ học, các nhà khoa học, sử học nhận định rằng di tích Bàu Thành được hình thành vào khoảng thời gian từ thế kỷ IX đến thế kỷ XI. Người xưa đã biết lợi dụng địa hình nơi đất trũng và gò đất tự nhiên tạo thành bờ lũy để đào hồ chứa nước đáp ứng nhu cầu mưu sinh.

Hiện nay khu vực Bàu Thành đã được quy hoạch thành Trung tâm văn hóa H.Long Điền. Bờ phía tây trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nên đã bị san lấp mất dấu tích và giờ đây đã xây lên ngôi đền thờ liệt sỹ của huyện Long Điền. Tại vị trí này trước đây là một gò đất cao, những người dân sống lâu đời ở đây thường gọi là gò Đồn".

Kỳ thú sân bóng Bàu Thành, nơi các sinh viên trải nghiệm lịch sử dân tộc- Ảnh 5.

Hàng ngày các nhân viên luôn tưới nước cho sân bóng

VŨ ĐOAN

Bờ bàu phía đông, qua biến cố thời gian nên đã bị san lấp để lấy đất canh tác, trồng trọt, dấu tích xưa đã mất, thay vào đó là công trình sân vận động, khu luyện tập bóng đá. Lòng bàu đã được nạo vét, chỉnh trang, xây kè đá xung quanh và trong khuôn viên đã xây dựng thêm các công trình tôn tạo cảnh quan. Các hạng mục như bờ lũy phía bắc và phía nam còn lại vẫn được giữ nguyên hiện trạng, được bảo vệ nghiêm ngặt, trồng thêm cây xanh chống xói mòn đất.

Kỳ thú sân bóng Bàu Thành, nơi các sinh viên trải nghiệm lịch sử dân tộc- Ảnh 6.

Toàn cảnh khu di tích lịch sử văn hóa Bàu Thành

VŨ ĐOAN

Di tích Bàu Thành và các di tích như đình Long Phượng (TT.Long Điền), đình Hắc Lăng, chùa Thiên Thai (xã Tam Phước), chùa Long Hòa (xã An Ngãi)... tạo nên một quần thể di tích cùng với những danh lam thắng cảnh trên địa bàn, là địa chỉ lý tưởng cho du khách trong nước cũng như khách nước ngoài đến tham quan. Các đội bóng, cổ động viên trong thời gian lưu trú để đến sân cổ vũ có thể đến những di tích trên tham quan.

Kỳ thú sân bóng Bàu Thành, nơi các sinh viên trải nghiệm lịch sử dân tộc- Ảnh 7.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.