Kỳ thú Thủ Đức: Thủ Đức 3.500 năm trước có gì?

27/01/2021 06:20 GMT+7

TP.Thủ Đức, thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận là 2, 9 và Thủ Đức, đang được chính quyền TP.HCM đầu tư xây dựng thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao.

Trên mảnh đất TP.Thủ Đức hiện đại ngày nay vẫn còn lưu giữ hệ thống các di sản văn hóa độc đáo, tiêu biểu của TP.HCM và của cả nước. 
Theo bản đồ địa chất khoáng sản Việt Nam, vùng đất Thủ Đức là vùng chuyển tiếp giữa miền Đông và miền Tây của đồng bằng Nam bộ, có vị trí quan trọng về nhiều mặt đối với Nam bộ và cả nước.

Thành phố Thủ Đức: Diện tích, dân số và những điều cần biết

TP.Thủ Đức hiện nay phía đông giáp tỉnh Đồng Nai; phía tây giáp Q.Bình Thạnh, H.Hóc Môn; phía nam giáp Q.1, Q.4, H.Nhà Bè; phía bắc giáp tỉnh Bình Dương. Thủ Đức được bao bọc bởi sông Sài Gòn (bắt nguồn từ hồ Dầu Tiếng và vùng thượng nguồn) và sông Đồng Nai (bắt nguồn từ Lâm Đồng và vùng thượng nguồn). Hai sông hợp lưu tại Nhà Bè, đổ vào sông Lòng Tàu chảy ra Biển Đông, tạo thành hệ thống giao thông đường thủy chiến lược quan trọng và giao lưu văn hóa rộng rãi:“Nhà Bè nước chảy chia hai;/Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” (Ca dao).
Khi nói đến TP.HCM nói chung và Thủ Đức nói riêng, người ta thường hay nghĩ đến lịch sử 300 năm - Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM vốn được nhiều sử sách ghi chép qua sự kiện Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định theo sự truyền bảo của chúa Nguyễn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng qua các khám phá khảo cổ học, ngược về trước đó ít nhất 3.500 năm, vùng đất Thủ Đức đã có các nhóm cư dân sinh sống và khai phá, với một trình độ văn hóa, văn minh tương đối cao. Đây cũng là những dấu ấn đầu tiên, sớm nhất của cư dân Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM.
Kỳ thú Thủ Đức: Thủ Đức 3.500 năm trước có gì ?1

Rìu đá niên đại cách đây hơn 3.000 năm phát hiện tại chùa Hội Sơn năm 2012

Lần giở trang sử đất

Tư liệu khảo cổ học cho biết, các nhóm cư dân đầu tiên ghi nhận trên một nền sinh thái nhân văn được các nhà khảo cổ học đặt tên là “Văn hóa Đồng Nai”. Đây là nền văn hóa thuộc giai đoạn cuối hậu kỳ đá mới, sơ kỳ thời đại kim khí, bắt đầu hình thành nhà nước sơ khai, tương ứng với Văn hóa tiền Đông Sơn - Đông Sơn ở phía bắc và Sa Huỳnh ở miền Trung với nền kinh tế nông nghiệp tương đối phát triển, trình độ văn minh và hoạt động giao thương rộng khắp khu vực Đông Nam Á.
Kết quả khai quật khảo cổ học hơn một thế kỷ qua cho thấy hệ thống các di chỉ trên địa bàn TP.Thủ Đức ngày nay như: Bến Đò, Hội Sơn, Long Bửu, Gò Cát - Gò Quéo… chứng minh vùng đất Thủ Đức đã có con người sinh sống cách đây 3.000 - 3.500 năm.
- Di tích Bến
Đò Di tích Bến Đò còn có tên gọi là Gò Đồn, thuộc ấp Bến Đò, P.Long Bình, Q.9 cũ được phát hiện trong những năm 60 của thế kỷ XX và được khai quật lớn vào năm 1977. Hiện vật khai quật thu được trong diện tích khai quật 250 m2 gồm 710 hiện vật đá, 120 bi gốm và hàng vạn mảnh gốm thuộc nhiều loại hình khác nhau. Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã xếp di tích Bến Đò vào giai đoạn cuối của sơ kỳ thời đại đồng thau, tồn tại vào khoảng 3.500 năm trước. Tại thời điểm nghiên cứu khai quật, di tích được ước tính có phạm vi phân bố rộng 12.000 m2. Hiện trạng của di tích đã bị phá hủy nhiều bởi hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trụ sở UBND P.Long Bình, Trường THCS Long Bình và một số hộ dân ở khu vực xung quanh triền gò.
- Di tích Hội Sơn 
Di tích Hội Sơn được phát hiện và công bố vào năm 1971 bởi nhà khảo cổ học người Pháp H.Fontaine, phân bố trong khuôn viên chùa Hội Sơn - một di tích cấp quốc gia, nay là số 1A1 Nguyễn Xiển, P.Long Bình, Q.9 cũ. Năm 1977, 1990, di tích được các nhà khảo cổ học Việt Nam khảo sát kiểm chứng và đào thám sát, tổng số hiện vật thu được qua hai lần thám sát là 70 hiện vật đá và hàng ngàn mảnh gốm các loại. Đặc biệt, sau khi chùa Hội Sơn bị hỏa hoạn thiêu rụi vào tháng 7.2012, trước khi tiến hành phục dựng lại chính điện chùa, Bảo tàng TP.HCM đã phối hợp cùng các nhà khảo cổ học Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ thăm dò, khai quật tổng thể với diện tích 105 m2, chia làm 5 hố khai quật và 4 hố thám sát. Mục đích của việc khai quật là nghiên cứu các đặc trưng văn hóa, đồng thời quy hoạch phạm vi phân bố của di tích nhằm phục vụ công tác trùng tu chánh điện chùa. Kết quả nghiên cứu bên cạnh việc xác định các đặc điểm tầng văn hóa, còn thu về hàng trăm di vật đá, hàng ngàn di vật gốm các loại.
Niên đại di tích chùa Hội Sơn được các nhà khảo cổ xác định cách nay khoảng 3.300 năm đến 3.000 năm.(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.