Kỳ tích: Cứu sống mẹ con sản phụ nhiễm Covid-19 nguy kịch nhờ 'tim phổi nhân tạo'

Đình Tuyển
Đình Tuyển
24/07/2021 19:16 GMT+7

Thai phụ 22 tuổi mang thai 34 tuần, nhiễm Covid -19, suy hô hấp nguy kịch vừa được bác sĩ Cần Thơ cứu sống kỳ diệu nhờ mổ lấy thai kịp thời và kỹ thuật “tim phổi nhân tạo”.

Chiều 24.7, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết với sự hỗ trợ trực tuyến của Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ bệnh viện và Bệnh viện Nhi Đồng TP.Cần Thơ vừa phối hợp cứu sống kỳ diệu 2 mẹ con sản phụ nhiễm Covid-19 rất nguy kịch. Người mẹ nhiễm Covid-19, biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng, các sĩ phải sử dụng kỹ thuật rất khó là ECMO - tim phổi nhân tạo.
Trước đó, thai phụ N.T.N.H (22 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán nhiễm Covid-19, suy hô hấp tiến triển nhanh - viêm phổi nặng, mang thai 34 tuần đang thở máy. Tình trạng đe dọa tính mạng cả mẹ và thai nhi.
Ngay sau khi nhập viện, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn với nhiều chuyên khoa và hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.
Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật mổ lấy thai cấp cứu với yêu cầu ca mổ phải thực hiện chặt chẽ và tuân thủ đúng những quy định của Bộ Y tế về phòng chống lây nhiễm chéo Covid-19. Kết quả bé gái cân nặng 2,1 kg ra đời.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ mẹ nên bé bị suy hô hấp nặng. Sau khi được hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ để tiếp tục điều trị chuyên khoa trong tình trạng sinh non bị rối loạn đông máu, thiếu máu, viêm phổi nặng, suy hô hấp.

Đến sáng ngày 24.7, tình trạng cháu bé cũng đã ổn định (đã ngưng thở máy), không cần hỗ trợ hô hấp, bú tốt

Ảnh: Đình Tuyển

Riêng sản phụ, sau ca mổ lấy thai được chuyển lại đơn vị Hồi sức tích cực điều trị Covid-19. Mặc dù được can thiệp kịp thời, nhưng biến chứng từ nhiễm Covid-19 khiến bệnh nhân suy hô hấp rất nhanh, huyết áp thấp phải duy trì thuốc vận mạch, đặc biệt là tổn thương gần như hoàn toàn cả hai bên phổi.
Sau hội chẩn lần 2, các bác sĩ quyết định phải thực hiện cấp cứu kỹ thuật ECMO - tim phổi nhân tạo hay còn gọi là hoạt động hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể.
Ê kíp các bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã tiến hành áp dụng kỹ thuật ECMO, lọc máu liên tục cho bệnh nhân với sự hỗ trợ trực tuyến của chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau hơn 2 giờ căng thẳng, ê kíp đã thực hiện thành công thiết lập hệ thống ECMO, giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân được theo dõi, đánh giá liên tục và sử dụng phối hợp các biện pháp hồi sức tích cực với kỹ thuật ECMO, thở máy bảo vệ phổi, lọc máu, chống đông, phòng huyết khối, kháng sinh chống nhiễm khuẩn, dinh dưỡng và tập phục hồi chức năng.
Đến sáng 24.7, chức năng phổi và toàn trạng bệnh nhân dần hồi phục, bệnh nhân đã cai được ECMO và máy thở, đã ngưng thở ô xy, bệnh tỉnh, xét nghiệm sinh học phân tử Realtime RT-PCR khẳng định đã âm tính hai lần với Covid-19. Riêng cháu bé, hiện tình trạng cháu bé cũng đã ổn định (đã ngưng thở máy), không cần hỗ trợ hô hấp, bú tốt.

Đến sáng ngày 24.7, tình trạng của sản phụ đã cải thiện, chức năng phổi và toàn trạng bệnh nhân dần hồi phục, bệnh nhân đã cai được ECMO và máy thở, đã ngưng thở ô xy, xét nghiệm Covid-19 đã âm tính

Ảnh: Đình Tuyển

BS.CK2 Phạm Thanh Phong cho biết: “Cứu sống được cả mẹ và con sản phụ này thực sự là một kỳ tích của ê kíp bởi bệnh nhân nhiễm Covid-19, lúc nhập viện đã rất nguy kịch, diễn tiến xấu rất nhanh đe dọa tính mạng cả mẹ và con. Chính sự kịp thời của ê kíp bệnh viện cùng sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy trong thực hiện kỹ thuật ECMO, lọc máu liên tục đã giữ lại mạng sống cho bệnh nhân”.
Cũng theo BS Phong, trước đó bệnh viện cũng đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng mổ, cũng như ê kíp phẫu thuật để sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp cấp cứu nguy kịch, nhiễm Covid-19.

Lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và các chuyên khoa hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu cho sản phụ nhiễm Covid-19

Ảnh Đình Tuyển

Lý giải thêm về kỹ thuật ECMO sử dụng trong cấp cứu thai phụ nhiễm Covid-19 trên, BS.CK2 Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: ECMO là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi ô xy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy cũng như hồi sức nâng cao. ECMO là kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, hiện đại, được ví như biện pháp cuối cùng cho những ca bệnh nặng và được thực hiện ở các bệnh viện lớn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi hơn nữa kỹ thuật ECMO vào quá trình điều trị bệnh nhân là không đơn giản. Bởi lẽ đây là kỹ thuật cao, khó khăn và phức tạp nên đòi hỏi phải có đội ngũ có hiểu biết sâu sắc về bệnh học, am hiểu và nhạy bén trong xử lý các tình huống mới có thể đưa ra các quyết định đúng, kịp thời. Chưa kể, kỹ thuật này phải tiến hành ở nơi có điều kiện đồng bộ, máy, trang thiết bị đầy đủ, đồng bộ, con người luôn sẵn sàng 24/24.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.