Kỳ tích giữ rừng: Truyền kỳ về “chiếc áo quan cho”

12/06/2013 10:48 GMT+7

“Chiếc áo” ấy không phải bằng vải, bằng dệt lụa tơ tằm hay bằng chất liệu gì khác mà là một quần thể cây xanh hằng trăm năm tuổi bao bọc, chở che cho dân làng.

Thảm xanh che chở

Xã Phong Bình, H.Phong Điền cách TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) khoảng 50km về phía đông bắc. Xã có dân số khoảng 9.000, gồm 5 ngôi làng là Siêu Quần, Phò Trạch, Vân Trình, Hòa Viện và Vinh An. 3 trong số 5 ngôi làng này đã và đang được bao bọc bởi một rừng cây bề ngang rộng 10m, dài gần 10km từ làng Siêu Quần, Phò Trạch đến làng Vân Trình. Khu rừng được “bài bố” theo hình chữ Z, trông khá kỳ lạ, nhưng rất khoa học. Hàng ngàn cây cổ thụ cùng hệ thống cây xanh chi chít, dày đặc đan cài vào nhau được trồng trên một triền đê bên ngoài bìa làng như một hàng rào xanh vĩnh cửu.

 Truyền kỳ về “chiếc áo quan cho”
“Chiếc áo quan cho” luôn che chở cho người dân ba làng Siêu Quần, Phò Trạch và Vân Trình - Ảnh: Đình Toàn

Đưa chúng tôi đi thăm “hàng rào xanh” ấy, cụ Phạm Bá Diện, 92 tuổi, một đại tá quân đội hưu trí ở làng Phò Trạch kể: Do Phò Trạch, Siêu Quần, Vân Trình đều nằm men theo sông ô Lâu, lại cách không xa phá Tam Giang lồng lồng gió thổi, dễ tổn thương bởi thời tiết tiêu cực. Theo tư liệu còn lưu giữ thì vùng đất nay hình thành cả 3 ngôi làng này vốn được các vị khai canh, tiền hiền từ miền bắc vào khai phá lập làng và định cư vào năm 1365. Tương truyền có một người con dân của làng học hành đỗ đạt, sau đó thành quan lớn.

Từ triều đình, mỗi bận có dịp về quê thăm làng ông đều căn dặn bà con ra bìa làng đắp lên một dãi mô đất rồi mang cây xanh về trồng lên đó, trồng xong thì ngài sẽ thưởng gạo ăn, áo mặc. Dân làng cứ trồng cây miết theo sơ đồ mô đất mà vị quan này chỉ vẽ. Hàng cây lớn dần, xanh um, chạy dài tít tắp thì dân làng nhận được gạo thưởng từ triều đình gửi về, riêng áo thưởng thì năm này qua tháng lại chẳng thấy đâu. Hàng cây xanh lớn dần tạo thành một cánh rừng chắn gió, chở che cho dân làng. Mùa hè rười rượi mát, mùa đông ấm áp khác thường.

Từ dạo ấy, dân làng mới “ngộ” ra rằng đấy mới là chiếc áo quan cho. Kể từ đó đến nay trải qua hàng trăm năm, cánh rừng trở thành chốn thiêng được dân làng gọi bằng cái tên “Đường Quan” đầy kính cẩn. Cụ Diện cũng như các vị cao niên khác ở xã Phong Bình tin rằng vị quan cho “chiếc áo” đó không ai khác là Trung thư Phụng chánh Trần Văn Kỷ, một danh thần hàng đầu dưới triều vua Quang Trung. Ngài chính là con dân làng Vân Trình (Phong Bình) học hành đỗ đạt và được Nguyễn Huệ rất tín nhiệm. Khi ông mất, thi thể được người dân đưa về làng Vân Trình an táng (nay là di tích lịch sử quốc gia). Ông cũng được sử sách nhắc đến như một người luôn quan tâm đến dân nghèo, đề cao công tác thuỷ lợi, đắp đê, trồng cây gây rừng từ thế kỷ 18.

Thiếu tiền cũng không bán cây

Bây giờ thì “Đường Quan” như một thành lũy vững chãi chở che cho người dân của cả ba làng, trong đó Phò Trạch là làng “hưởng lợi” nhiều nhất do nằm ở khúc giữa của “thành luỹ xanh”. Trên chiều dài gần 10km, hàng ngàn cây cổ thụ quý như đa, lộc vừng (mưng), ma kê, sanh, bội… cao hàng chục mét sừng sững, rợp bóng. Có nhiều cây phải hai, ba người mới ôm trọn. Kể từ khi nhận ra giá trị lớn lao của Đường Quan, người dân các làng Siêu Quần, Phò Trạch và Vân Trình đã luật hoá việc bảo vệ cánh rừng bằng những điều khoản trong hương ước làng mình. Nam phụ lão ấu trong làng thuộc lòng câu ca: “Cấm trâu ăn kẹ, cấm mót củi nè, chặt phá Đường Quan”.

 Truyền kỳ về “chiếc áo quan cho” 2
Cụ Phạm Bá Diện (92 tuổi, làng Phò Trạch) bên cây cổ thụ đã hàng trăm năm tuổi - Ảnh: Đình Toàn

Cụ Diện kể, từ thuở ấu thơ cụ chứng kiến trên con đường chính của làng luôn có một cây nêu, phía trên cây nêu có buộc một bộ roi và một cái rọ nhốt lợn. Nếu như ai xâm hại Đường Quan và Rú Cấm (Rú Cát ở làng Phò Trạch) thì làng phạt vạ bằng cách đưa người vi phạm ra đình làng đánh đúng 30 roi, nộp phạt cho làng một con lợn. Nếu nhẹ hơn thì bị phạt một mâm lễ vật cau trầu rượu và xin lỗi công khai trước dân làng. Tại làng Siêu Quần còn có cách phạt khác là người nào chặt phá cây ở Đường Quan thì phải cầm mõ đi quanh làng mà rao rằng: “Tôi bẻ cành, chặt mưng của làng, đã phạm tội đến tổ tiên, từ nay tôi không dám vi phạm nữa”.

Cách nay chưa lâu, người dân làng Phò Trạch bàn nhau việc trùng tu ngôi đình làng gần 500 năm tuổi đã xuống cấp. Hay tin này, nhiều “đại gia” từ thành phố chạy về gạ gẫm làng bán sanh, lộc vừng để lấy kinh phí trùng tu, nhưng bị làng từ chối thẳng thừng. “Họ chọn mấy cây đẹp nhất trả giá lên cả mấy trăm triệu đồng, có khi đẩy lên gần cả tỉ bạc nhưng chúng tôi không bán. Con cháu đang làm công nhân ở trong nam lẫn ngoài bắc hay tin điện thoại gấp về làng biểu rằng các ông các bác đừng bán cây mà tội với tổ tiên, để các cháu chạy vạy kiếm tiền gửi về góp sức làm đình”, cụ Diện kể. Và rồi ngôi đình làng khang trang được trùng tu với kinh phí trên 1,4 tỉ đồng từ tiền của người dân trong làng đóng góp. Ông Nguyễn Thừa Phú, 45 tuổi, người ở sát Đường Quan kể rằng cơn bão năm 1985 nhiều nơi thiệt hại nặng nề, còn dân làng Phò Trạch thì ít thiệt hại hơn chính nhờ Đường Quan. Hay trận lũ lịch sử năm 1999 khiến dân làng sơ tán. Lũ rút tưởng tài sản, gia súc gia cầm trôi cả ra biển Đông, ai ngờ hầu như tất cả đều ở lại với làng. “Sau lũ dân làng tìm ra cánh rừng ni để nhận lại tài sản của mình. Đồ của ai người nấy nhận, tất cả đều mắc lại bên trong cánh rừng” - ông Phú tự hào.

Còn ông Trần Văn Thuận, một người dân khác ở làng Phò Trạch thì khoe: “Mùa hè nhiều nơi 39 - 40 độ kêu than trời nóng thì chúng tôi ở đây mát rười rượi. Có những mùa đông rét như cắt da, bà con chúng tôi ra đồ lạnh cóng nhưng khi đi vào bên trong làng thì ấm áp, tựa như được khoác lên chiếc áo ấm dày lớp vậy”. Riêng cụ Phạm Bá Diện, cứ tấm tắc: “Ông cha mình tài thiệt. Lắm lúc tui nghĩ mãi sao xưa kia các cụ đã biết đề cao môi trường sống gần gũi với thiên nhiên, biết bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống trong khi thời đó không ô nhiễm như bây giờ, bão táp, lụt lội cũng không nhiều như bây giờ?”.

Đình Toàn

>> Kỳ tích giữ rừng
>> Kỳ tích giữ rừng: Giữ rừng bằng... hương ước
>> Kỳ tích giữ rừng: Rừng xanh trên cát trắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.