Kỳ tích Trường Sơn và tướng Đồng Sỹ Nguyên

Vũ Cao Phan
Vũ Cao Phan
19/05/2019 13:36 GMT+7

Một trong những người đã tạo nên huyền thoại cho đường Trường Sơn bằng sự trầm tĩnh, quyết đoán, sáng tạo của mình là tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị Tư lệnh chiến trường (nhiều lúc kiêm Chính ủy) lâu nhất và cũng trong thời gian ác liệt nhất.

Trên thực tế, trong giai đoạn từ 1965 đến 1975, Mỹ đã phải thực hiện hai cuộc chiến tranh cùng lúc trên chiến trường Việt Nam: Cuộc chiến tranh chống lại cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam Việt Nam và cuộc chiến tranh chống lại sự chi viện to lớn của nhân dân miền Bắc diễn ra trên khắp Đông Dương mà đặc biệt ác liệt là trên tuyến đường Trường Sơn.
Đường Trường Sơn và Binh đoàn chiến đấu trên tuyến đường này đã có nhiều tên gọi khác nhau hơn bất cứ mặt trận nào, căn cứ vào quy mô tổ chức và phạm vi tác chiến của nó, nhưng có hai cái tên đã thành huyền thoại: người lính chiến đấu ở bên này gọi nó là “tuyến lửa”; còn người lính bên kia gọi nó là “đường mòn Hồ Chí Minh” (Ho Chi Minh trail).

Tác chiến hợp đồng binh chủng trong vận tải

Đường Trường Sơn trước khi có mặt Đồng Sỹ Nguyên được gọi là đường dây 559. Khái niệm này cho người ta hiểu trước hết đây là một tuyến đường đi bằng đôi chân và được sử dụng để đưa cán bộ, bộ đội ra Bắc vào Nam, gùi thồ súng ống, gạo, đạn.
Khi ông đến, tuyến đường đã bắt đầu trở thành tuyến vận tải bằng ô tô, chạy theo từng chặng, dựa vào máng sông lòng suối mùa khô. Nó đang bị kẻ địch đánh phá ác liệt. Ta hoàn toàn bị động, chịu nhiều tổn thất nặng nề. Đồng Sỹ Nguyên lập tức đề nghị cấp trên cho sử dụng binh chủng hợp thành với lực lượng vận tải là xung lực, bộ đội phòng không (và bộ binh ở những nơi cần thiết) tác chiến bảo vệ các trọng điểm và công binh luôn trong tư thế sẵn sàng.
Sau mỗi đợt chiến đấu, công binh lao ra sửa đường, bộ đội vận tải lập tức tiến lên. Các cơ quan chỉ huy theo dõi và lập bản đồ quy luật hoạt động của địch. (Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên luôn chỉ thị các sở chỉ huy phải tiến sát các trọng điểm).
Cùng với đó, các trận địa nghi binh (xe vận tải, trận địa pháo cao xa) được cho thiết lập đã phát huy tác dụng trong những trận đánh hợp đồng binh chủng chưa từng được giảng dạy trong các nhà trường quân sự, một sự hợp đồng binh chủng chỉ có ở bộ đội vận tải Trường Sơn. Chức năng của các binh trạm trước đó là đảm bảo hậu cần chiến thuật đã được nâng tầm thành các đơn vị binh chủng hợp thành của bộ đội vận tải với một ban tham mưu có đủ các thành phần công binh, tác chiến (cao xạ và bộ binh) lấy vận tải làm chủ lực (ngoài ra toàn tuyến 559 vẫn duy trì độc lập một đường dây giao liên dẫn quân hiệu quả).
Quả nhiên tác chiến hợp đồng binh chủng trong vận tải chiến lược của Bộ đội Trường Sơn đã làm thay đổi hẳn về chất ở hai điều. Một, tư cách chiến đấu đã linh hoạt hóa, tinh nhạy hóa công tác đảm bảo hậu cần, và hai - quan trọng hơn - chất lượng lẫn số lượng đảm bảo hậu cần chiến lược đã tăng lên vượt trội. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên luôn nói: "Phải đưa được hết đến chiến trường những gì mà miền Bắc dành dụm cho miền Nam, cho kháng chiến". Ông cũng đã nghĩ đến phải tổng kết một cách căn cơ, phù hợp với lý luận quân sự và thực tiễn sáng tạo của bộ đội Trường Sơn về kiểu hợp đồng binh chủng này nhưng rồi sau chiến tranh, ông đã không quản ngại lao vào những trọng trách nặng nề, những bức xúc toát mồ hôi của thời bình (như việc trồng lại những cánh rừng đã trắng cây) để cuối cùng, ra đi mà vẫn còn để lại...

Chống chiến tranh điện tử của Mỹ

Cuộc chiến tranh dựa vào các vũ khí điện tử của Mỹ để chống lại sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam là biểu hiện không cân sức nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh.
Nó được bắt đầu bằng hàng rào điện tử Mc Namara được Mỹ thiết lập từ giữa năm 1966 theo vĩ tuyến 17 - biên giới vô hình phân chia Bắc - Nam theo Hiệp định Geneve 1954. Một cách ngắn gọn, đây là hệ thống máy phát máy thu cảm âm có nhiệm vụ phát hiện sự xâm nhập của bộ đội Miền Bắc. Mặc dù tốn kém đến 2 tỉ USD (tính theo giá trượt bây giờ là gần 15 tỉ USD) nhưng hàng rào này không phát huy tác dụng được trên thực tế và hoàn toàn tan rã sau cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968.
Ngay sau đó, một chiến dịch - chiến lược điện tử mới được Mỹ lập ra, khống chế một khu vực hoạt động rộng lớn 40.000 km2 của Bộ đội Trường Sơn. Thay thế sự bất lực của hàng rào điện tử Mc Namara, "hàng rào" này có tên gọi "Chiến dịch ngăn chặn mới" gồm hai cấu phần gắn liền với nhau: Igloo White (hiểu theo nghĩa bóng là thám sát tự động) và Commando Hunt (không kích tự động).
Hàng trăm loại thiết bị điện tử của các “thám tử” giấu mặt Igloo White được thả xuống các khu vực xác định, và "bọn này" lập tức báo ngay về sở chỉ huy (là hai cỗ máy điện tử khổng lồ, hiện đại đặt ở Utapao, Thái Lan) các dấu hiệu khác thường về nhiệt độ, âm thanh, ánh sáng, mùi vị (hiển thị cả mùi nước tiểu)…
Trong nháy mắt sau phân tích, "sở chỉ huy" ra lệnh cho các "chiến binh"Commando Hunt với đầy bom đạn trực sẵn xuất kích. Đó có thể là một phi đội máy bay B52 hoặc cường kích. Bình quân mỗi ngày có từ 200 đến 400 phi vụ cường kích và hai đến ba chục phi vụ B52. Thời gian đầu chúng đã gây cho Bộ đội 559 nhiều khó khăn và thiệt hại lớn.
Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã huy động mọi sức suy nghĩ và trước hết là lập các nhóm phát hiện các thiết bị thám báo trên cơ sở các dấu hiệu mang tính quy luật, dù rất khó khăn. Sau một tuần, tính quy luật của các thiết bị thám báo này được xác định và sau một tháng, bộ đội Trường Sơn đã có thể sử dụng nghi binh, quật ngược lại đối phương. Nhiều vụ B52 đánh vào chỗ không người, không lực lượng. Và khi địch thất vọng vì biết bị lừa thì ta lại chồng nghi binh lên nghi binh, khiến định đánh vào chỗ trống, còn nơi vốn là trọng điểm thì chúng lại bỏ qua. Ở những nơi này, bộ đội vận tải hoạt động suốt ngày đêm trước khi bị địch phát hiện trở lại. Bi kịch nhất là các biện pháp nghi binh của bộ đội 559 đã có lúc khiến chính các căn cứ Mỹ bị dội bom. Những tài liệu giải mật gần đây thậm chí cho thấy Mỹ đã từng tính tới khả năng tình báo Bắc Việt đã thâm nhập vào hệ thống thông tin chỉ huy của họ. Tướng Đồng Sỹ Nguyên nói với bộ đội: “Ta không có vũ khí điện tử hiện đại nhưng chúng ta có cái khôn ngoan của người Việt và cái khôn ngoan ấy đã chiến thắng”.

Tác chiến chống máy bay AC.130 - "Đường K"

AC.130 được cải tiến từ máy bay vận tải thành máy bay cường kích cánh quạt, không quân Mỹ đưa vào sử dụng từ mùa khô 1971 ở Trường Sơn. Ưu điểm: Thám sát hồng ngoại chính xác, trần bay tới 3 - 4 km trên tầm súng pháo cao xạ thông thường, quan sát rõ mục tiêu ban đêm (xe vận tải) nhờ thiết bị khuếch đại ánh sáng mờ, và nhờ khả năng tiếp dầu trên không nên chỉ cần 2 chiếc thay nhau mỗi đêm, với súng 40 ly và 20 ly cùng rất nhiều đạn dược, không quân Mỹ đã ở thế khống chế toàn tuyến vận tải chiến lược.
Thực tế đây là loại máy bay săn xe rất hiệu quả, chúng phát hiện và đuổi theo xe nào là xe ấy bị bắn cháy, hỏng. (Từng có một tiểu đoàn vận tải với 100 xe chạy từ đầu tuyến khi đến Bò Lạch chỉ còn 2 xe). Thiệt hại do AC.130 gây ra rất cao như vậy và cách săn đuổi của chúng được các chiến sĩ lái xe mô tả có phần không thống nhất, thậm chí đề cao đã khiến Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên quyết định vào cuộc. Ông bám theo các xe vận tải để đánh giá thực chất, rồi cuối cùng đưa một quyết định bất ngờ, táo bạo: Mở tuyến đường K (đường kín), cho xe chạy ban ngày.
Đường K là tuyến đường mở dưới mái che của rừng già, không để lộ lòng đường hoặc được ngụy trang liên tục, nghiêm ngặt, ở những khu vực nhất định. Kết quả không ngờ. Đến tháng 2.1972, với 800 km đường K đầu tiên được đưa vào sử dụng, xe ta chạy giữa ban ngày trong đội hình trung đoàn hàng trăm chiếc, và do vượt qua các cung tuyến cố định, tốc độ xe cũng nhanh hơn hẳn đã giúp giảm được hàng chục ngày hành quân mà lại rất an toàn. Các tuyến đường K (sau này được mở thêm và kéo dài đến vài ngàn km) đã làm phá sản chiến thuật sử dụng AC.130 của địch. Chẳng những vậy, tuyệt vời hơn là mở ra cơ hội cho bộ đội vận tải hành quân đi thẳng một mạch từ đầu đến cuối tuyến với đội hình hàng trăm xe, vài trăm xe.
Trong khi đó, tại các cung đường cũ, bộ đội 559 vẫn cho những chiếc xe bị hỏng hành quân hoặc dừng đỗ sát ven đường để bẫy AC.130 bay vào trận địa bày sẵn của bộ đội phòng không. Cũng vào thời gian này, ta đã cơ động được bộ đội tên lửa đến tuyến 559.
Ngày 29.3.1972, chiếc AC.130 đầu tiên bị lực lượng này quật ngã ở Sê Pôn, toàn bộ phi hành đoàn 15 tên bị tiêu diệt. Chiến công này làm nức lòng bộ đội vận tải và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đích thân gửi tặng đơn vị lập chiến công một chiếc đài bán dẫn.
Giữa tháng 8.1972, chiếc AC.130 thứ hai bị bắn rơi. Địch hoảng loạn, cho tạm ngừng rồi ngừng hẳn hoạt động đánh phá của loại máy bay này.
Từ năm 1973, đường K đã chạy được hai chiều toàn tuyến. Dù địch vẫn đánh phá, ngăn chặn nhưng khả năng của chúng đã giảm dần cho đến ngày thất bại hoàn toàn.
Quân đội Hoa Kỳ đã thừa nhận: Đường mòn Hồ Chí Minh là một trong những thành tựu kỹ thuật vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Tôi muốn thêm: Bởi chính các chiến sĩ Trường Sơn và vị Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.