Có một tầng lịch sử đã nằm bên dưới lớp gạch cổ hoàng cung suốt nửa thế kỷ, đó là trận chiến Tết Mậu Thân 1968 ngay trong kinh thành Huế.
Theo một thống kê từ phía Mỹ, Huế đã gần như bị san phẳng. 80% công trình bị phá hủy hoặc hư hỏng. Những người lính Trung đoàn 3 của nhà văn Thái Bá Lợi trong suốt hơn 20 ngày đêm ở Thành nội đã phải liên tục đội bom pháo Mỹ. Họ là những chiến binh đầy danh dự khi trực diện đối mặt với quân đội Mỹ một cách kiên cường, nhẫn nại. Nhưng họ chỉ có vũ khí nhẹ, thêm B40 và cối 82, mà cơ số đạn lại quá hạn chế. Sự áp đảo về hỏa lực của Mỹ ở trận chiến trong thành phố là một bất lợi lớn cho quân giải phóng. Những vòng cung xe tăng Mỹ khóa chặt các đường rút lên núi. Những cuộc ném bom không phân biệt khu dân cư với trận địa chiến đã khiến rất nhiều thường dân thiệt mạng. Nhưng rồi chính phía Mỹ đã phải công nhận trận chiến Mậu Thân ở Huế là trận chiến “khủng khiếp nhất” mà lính Mỹ phải trải qua. Dĩ nhiên, sự khủng khiếp ấy chia cho cả hai phía và cho cả những thường dân không kịp tản cư.
“Trong những ngày ấy, chúng tôi rất ít khi bước đi, mà chỉ chạy. Khiêng thương binh cũng chạy. Đến ăn cơm cũng không thể ngồi một chỗ mà ăn. Tôi nghĩ những ai đã trải qua cảnh này may còn sống sót, về sau sẽ rất bình tĩnh”, nhà văn Thái Bá Lợi nói. Tôi đã đọc tiểu thuyết Trùng tu của anh và hiểu cảm giác này. Để có thể sống bình tĩnh trong phần đời sau của mình, những người lính “sống sót” ấy đã phải nhiều lần vượt qua sự mất bình tĩnh.
|
Huế đã sống lại từ sau hòa bình năm 1975. Nhưng cũng phải rất nhiều năm sau, Huế mới hàn gắn dần những vết thương từ Mậu Thân. Bây giờ, nhìn những đoàn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến với Huế, nhà văn - cựu binh Thái Bá Lợi bỗng nảy ra một ý nghĩ. Anh nói với chúng tôi, làm sao Huế mở được một tour du lịch giúp du khách “trùng tu” được những thăng trầm của cố đô này. Không chỉ thăm những đền đài lăng tẩm, mà còn nghe được từng viên gạch trên những tường thành hoàng cung kể về một thời chiến tranh, về sức sống kỳ lạ của con người vượt qua những đau thương mất mát để làm cuộc hồi sinh cho kinh thành này. Những du khách là cựu binh Mỹ, nhất là những cựu binh từng tham chiến hồi Tết Mậu Thân ở Huế, cũng cần có dịp về thăm Huế, “đi ngược con đường ký ức” như người cựu binh Thái Bá Lợi đã đi, để nhớ lại và suy nghĩ. Vì sao những người lính Mỹ - Việt lại phải giết nhau, những người mà bao nhiêu năm sau may mắn còn gặp lại, họ đã ôm nhau như những người bạn?
Sau trận chiến kinh hoàng ở Huế Tết Mậu Thân 1968, hàng triệu người dân Mỹ đã xuống đường biểu tình, họ đòi chính phủ Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi lại hòa đàm như những người biết trọng danh dự.
Tiến sĩ Harish Mehta ở Đại học McMaster, Canada, một chuyên gia về quan hệ ngoại giao Mỹ và chiến tranh VN, đã viết: “Trận Tết Mậu Thân không chỉ dẫn tới biểu tình phản chiến bạo lực ở Mỹ mà còn tăng cường trao đổi văn hóa giữa Bắc Việt và người Mỹ. Do Hà Nội không có quan hệ ngoại giao “chính thức” với chính phủ Mỹ, họ tiến hành ngoại giao “phi chính thức” với nhân dân Mỹ, nhằm tác động gián tiếp tới chính phủ Mỹ để chấm dứt ném bom và đàm phán hòa bình” (theo BBC). Đó là chiến lược VN có từ Nguyễn Trãi và luôn luôn trong đó, văn hóa, văn hiến được đặt vào vị trí rất quan trọng.
Khi mọi thứ đã qua, có lẽ nên đi lại con đường làng quê, bây giờ đã được đổ bê tông sạch sẽ, con đường dẫn lên núi, lên “xanh” như hồi đó người Huế hay gọi, để tâm hồn được thấm sâu hơn, cảm xúc được chân thành hơn, và đôi mắt được nhìn rõ hơn cảnh hòa bình hôm nay đã phải trả bằng giá đắt đến thế nào.
Mấy anh em chúng tôi lại lang thang trong Thành nội. Buổi chiều thật dễ chịu, và chúng tôi tới quán cháo bò trên đường Hoàng Diệu để thưởng thức một chút hương vị Huế dân dã. Giá một tô cháo bò, hôm nay, vẫn rất mềm.
Bình luận (0)