'Ký ức không phai': Những câu chuyện cảm động về 'ngày Bắc đêm Nam'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
23/11/2024 16:33 GMT+7

Những người con ở miền Nam ra Bắc, dù bằng phương tiện gì khi ấy đều phải thu xếp nỗi niềm riêng, cố gắng phấn đấu học tập và làm việc, trở thành một lực lượng hùng hậu để đóng góp xứng đáng cho công cuộc kiến thiết khi nước nhà còn tạm thời chia cắt.

Sáng 23.11 tại Đường sách TP.HCM, các tác giả - diễn giả: nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, TS Nguyễn Thị Hậu, nhà báo Nguyễn Thế Thanh... đã có buổi giao lưu cảm động về những kỷ niệm không thể nào quên của cán bộ, học sinh trên đất Bắc nhân dịp NXB Tổng hợp TP.HCM ra mắt tác phẩm mới Ký ức không phai.

'Ký ức không phai': Những câu chuyện cảm động về 'ngày Bắc đêm Nam'- Ảnh 1.

Tác phẩm Ký ức không phai (do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành)

'Ký ức không phai': Những câu chuyện cảm động về 'ngày Bắc đêm Nam'- Ảnh 2.

Buổi giao lưu ra mắt sách diễn ra thật ấm áp và cảm động

Ảnh: QUỲNH TRÂN

Hoài niệm về 'ngày Bắc đêm Nam'

Ký ức không phai là một phần rất nhỏ của bức tranh nhiều màu sắc về những người miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève. Họ là những cán bộ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau khi đi tập kết như sĩ quan quân đội Trần Văn Danh, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng (bác sĩ - nhà điện ảnh, nhà văn)... Họ còn là những học sinh tuổi vị thành niên như Đinh Miên (sau này là kỹ sư điện, Anh hùng Lao động) hay nhiều người tuổi đời tính chưa đủ 5 ngón tay, có người còn được ẵm trên tay như Trần Đức Hạnh (sau này là TS toán kinh tế), thậm chí còn nằm trong bụng mẹ khi xuống tàu tập kết như Huỳnh Dũng Nhân (hiện nhà báo, nhà văn, họa sĩ). 

Nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng kể lại ký ức làm phim ở tọa độ lửa vĩ tuyến 17: "Hai tháng ròng đoàn làm phim đêm ngủ ở địa đạo, sáng lên mặt đất, vũ khí chống lại với bom đạn Mỹ là 4 máy quay phim và lòng quyết tâm ghi lại những thước phim tố cáo tội ác chiến tranh trên đất Vĩnh Linh".

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh với câu chuyện Cuộc chu du kỳ diệu của một cây đàn violon của thiếu tướng tình báo quân đội Trần Văn Danh. Năm 1954, ông Danh tập kết ra Bắc để vợ con ở lại miền Nam. Bắt đầu thời kỳ 'ngày Bắc đêm Nam', công việc không xóa nhòa nỗi nhớ vợ con và quê nhà Hóc Môn, ông đã tìm mua cây đàn violon để vừa học vừa khuây khoải. Nhà báo Nguyễn Thế Thanh cho biết: "Sau khi được lệnh trở về miền Nam chiến đấu, ông đã gởi lại cây đàn violon cho người cháu là Lê Văn Cự (sau này là Tổng cục phó Tổng cục dầu khí) giữ giùm như một kỷ vật của ông những ngày trên đất Bắc".

'Ký ức không phai': Những câu chuyện cảm động về 'ngày Bắc đêm Nam'- Ảnh 3.

Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Lâm Đình Thắng (thứ tư từ trái qua) và bà Đinh Thị Thanh Thủy - nguyên giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM (thứ ba từ phải qua) chúc mừng thành công chương trình

'Ký ức không phai': Những câu chuyện cảm động về 'ngày Bắc đêm Nam'- Ảnh 4.

Ông Trần Đình Ba - Phó giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM tặng hoa cho các diễn giả tại buổi giao lưu

Ảnh: QUỲNH TRÂN

Cuốn sách còn ghi lại những cảm nhận của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam về những ngày đầu tiên đặt chân lên miền Bắc được đồng bào miền Bắc đón tiếp thân tình, nồng hậu ra sao; ký ức về những năm tháng "ngày Bắc, đêm Nam", về sự phấn đấu không mệt mỏi trong học tập, làm việc để góp phần đẩy nhanh ngày nước nhà thống nhất, gia đình đoàn tụ; cả những câu chuyện của tuổi học trò trong cuộc sống xa quê hương, gia đình, vắng cha thiếu mẹ…

Tác phẩm Ký ức không phai (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) có sự tham gia của các tác giả: Nguyễn Thị Xuân Phượng, Nguyễn Ngọc Bạch, Huỳnh Dũng Nhân, Lưu Đình Triều, Nguyễn Thế Thanh, Ngô Vương Anh, Kiều Mai Sơn, Nguyễn Thị Hậu, Lê Ngọc Lập, Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trâm Anh, Thu Hương, Võ Thị Ánh Tuyết, Tống Quang Anh, Phan Trọng Nghĩa, Nguyễn Quốc Thái, Vũ Phương Mai, Châu Nhật Sinh, Lê Tự Minh, Trần Ngọc Tư, Lê Văn Tân, Nguyễn Minh Quang, Huỳnh Xuân Thảo, Trần Đức Hạnh, Nguyễn Thị Bạch Mai, Phan Hoàng Phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.