Ký ức mùa trung thu: 'Trời chưa tối sao vội tắt đèn đóng cửa'

13/09/2019 13:00 GMT+7

Ngày nhỏ hay ấm ức và thắc mắc tại sao cứ đến mùa trung thu là mỗi nhà lại đóng cửa tắt đèn sớm. Chỉ vì cái nghèo cả thôi, không có tiền cho lân nên đành phải vậy.

Ngày xưa là như vậy, nhưng ngày xưa ấy qua lâu thật lâu rồi. Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, những đứa trẻ con ngày ấy giờ chỉ biết hoài niệm. Vì trung thu  ở thành phố bây giờ chẳng có lân đến nhà múa như ngày xưa để chứng kiến mẹ vội vàng đóng cửa tắt đèn, cũng chẳng còn những chiếc lồng đèn tự chế từ đủ mọi vật dụng bỏ đi, rồi vừa đi vừa lấy tay che lại để gió không thổi tắt ánh đèn cầy bên trong…

Trung thu ở quê giờ có còn như xưa?

Ký ức trung thu của những trẻ vùng quê nghèo ngày đó như tôi chỉ có những nỗi thèm khát được xem lân, được mẹ mở cửa cho lân vào nhà mình múa. Ôi thích lắm, vì toàn là những lũ bạn trong làng, trong xã đi múa lân, nên rất muốn mẹ cho lân vào nhà để làm oách với tụi nó là “nhà ta đó, mẹ ta cho tụi bây vào múa đó”. Thế nhưng, rất hiếm khi có được điều đó, vì ở quê tôi cứ đến mùa trung thu khi các đầu lân bắt đầu đi múa là lại nghe những điệp khúc quen thuộc: “trời chưa tối sao đã nỡ vội tắt đèn đóng cửa?”.

Cũng đúng thôi, mỗi dịp trung thu về là cả mấy chục cái đầu lân, đêm nào cũng đi múa, mà tụi nó múa sớm lắm, mới hơn đầu tháng 8 vài ngày là đã nghe tiếng trống lân rộn ràng khắp nơi rồi. Nhiều đầu lân quá nên nếu mở cửa là coi như cho tất cả múa, cứ đầu lân 5.000-10.000 đồng, mà cho hết mấy chục đầu lân thì nhà giàu cũng phải than. Dân làm nông kiếm từng đồng từ bó rau mớ cải, thì sao không tiếc tiền cho được.

Học sinh ở lớp học tình thương KP.Long Bửu (Q.9, TP.HCM) được nhận lồng đèn để vui trung thu

HOA NỮ

Nhưng giờ nghĩ lại mới hiểu được tại sao người dân quê mình ngày xưa lại như thế, chứ ngày còn nhỏ thì chỉ biết trách móc và giận dỗi người lớn.

Ngày đó, phải nói đúng ra là trốn lân, chỉ tắt điện khi có lân đi ngang, lân đi qua nhà rồi thì điện lại được bật lên. Những năm về sau, tụi múa lân biết được “chiêu” của các gia đình, thế là đi múa lân nhưng không đánh trống, để các gia đình không phát hiện ra. Có hôm cả nhà đang ngồi ăn cơm tối, bỗng lân rồi trống đùng đùng kéo vào nhà, mẹ trở tay không kịp. Và đó cũng là lần hiếm hoi, anh em tôi được xem lân múa ngay tại nhà.

Mẹ tôi lúc đó có vẻ rất bực mình vì tụi múa lân tự động xông vào nhà và lại phải tốn tiền để cho lân. Nhưng với anh em tôi thì vui mừng đến bỏ luôn bữa tối đang ăn.

Hôm qua gọi điện về cho mẹ, từ trong điện thoại nghe được tiếng lân đùng đùng. Bổng bao ký ức lại ùa về. Buộc miệng hỏi mẹ: “Trung thu ở quê giờ mọi người có còn đóng cửa tắt đèn sớm không mẹ?”, mẹ cười rồi nói: “Cuộc sống giờ khá hơn nên khác rồi con, mà giờ lân cũng ít, mấy đứa mới lớn lên không đi học thì cũng bỏ quê đi làm hết, đâu còn ai mà múa lân nhiều nữa. Chỉ có mấy đứa con nít, sắm những đầu lân nhỏ nhỏ rồi múa vui vui vậy đó con”.

Nghe mẹ nói mà nghẹn, có lẽ cuộc sống đổi thay và mọi thứ cũng khác, nhưng có lẽ ngày xưa của tụi trẻ con vùng quê, trung thu ý nghĩa hơn rất nhiều. Dù không dễ gì được mua cho lồng đèn mới, không dễ gì được mẹ cho lân vào nhà mình múa, nhưng sao ký ức về trung thu nhiều đến vậy và cứ muốn được quay ngược thời gian.

Nhớ những chiếc lồng đèn tự chế

Nhìn những chiếc lồng đèn đủ màu sắc của tụi nhỏ bây giờ mà bồi hồi nhớ những chiếc lồng đèn tự chế của tụi nít ranh chúng tôi ngày đó.

Chiếc lồng đèn đơn độc một màu từ giấy báo hay giấy vỡ đã học, rồi chuốt tre, đóng khung thành những chiếc lồng đèn ông sao. Có lẽ đó cũng là mẫu đèn được ưa chuộng nhất ngày đó, đứa nào sang hơn thì được mua giấy kiếng về dán lên nhìn cũng lung linh màu sắc.

Nhìn những tình nguyện viên tại lớp học tình thương KP.Long Bửu (Q.9, TP.HCM) hì hụi chuốt từng thanh tre để làm lồng đèn cho học sinh, khiến người viết bồi hồi nhớ về những chiếc lồng đèn tự chế ngày xưa

HOA NỮ

Còn mấy đứa con trai trong xóm, tụi nó không thích “bánh bèo” như tụi con gái nên tự chế từ những chiếc lon sữa bỏ đi. Tụi nó hì hụi đục, khoét các kiểu mới ra được chiếc lồng đèn. Nhưng là độc nhất vô nhị, chẳng thể đụng hàng được.

Rồi đến đêm trung thu, tất cả sản phẩm làm được sẽ đưa ra trình làng, tụi tôi khoe với nhau về những chiếc lồng đèn đã làm. Đứa nào được bình chọn là lồng đèn đẹp nhất sẽ thành tân hoàng tử hay công chúa lồng đèn của năm ấy. Nhưng thực ra chẳng có chiếc đèn lồng nào là ra dáng ông sao, dù là hoàng tử hay công chúa lồng đèn năm ấy cũng vậy, ông sao cũng xiên vẹo, méo mó các kiểu. Nhưng chẳng sao cả, chúng tôi vẫn vui tít mắt khi có lồng đèn để đi chơi.

Xong phần bình chọn, cả nhóm cùng nhau đi rước đèn trung thu. Nhưng ngày đó đi chơi vất vả lắm, phải đi thành một tóp và đi chụm vào nhau để che gió cho đèn cầy trong lồng đèn không bị tắt. Những chiếc lồng đèn trung thu bây giờ chạy bằng pin nên tụi trẻ con tha hồ cầm vui chơi, chạy nhảy mà không cần lo sợ đèn tắt làm mất đẹp, mất vui...

Các em nhỏ ở vùng quê nghèo hiện nay thường được các đội nhóm tình nguyện cùng về san sẻ yêu thương mỗi dịp trung thu

C.T.V

Vẫn còn nhớ từ trước đêm rằm nhiều ngày, ở trường, thôn, xóm hay trong tộc họ… mỗi đơn vị lại tổ chức phát quà bánh trung thu cho tụi trẻ con chúng tôi. Có bạn nào đã từng bon chen chạy ngồi vào hàng của thôn này mặc dù mình ở thôn khác chỉ để kiếm thêm một phần quà trung thu chưa? Chúng tôi thì đứa nào cũng đã từng, vì ngày đó thiếu thốn nên thèm bánh kẹo dữ lắm, chỉ đợi đến trung thu để được cho.

Trung thu bây giờ cũng không còn là mùa riêng của tụi trẻ con mà còn là dịp để người lớn bày tỏ sự biết ơn, thương yêu và trân trọng đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp… qua những hộp bánh trung thu đa kiểu dáng, mẫu mã.

Ở thành phố nhộn nhịp này, tôi không còn được nghe tiếng lân đùng đùng khắp các ngõ xóm về đêm, không còn nhìn thấy cảnh trẻ con lon ton chạy theo các đầu lân trên những con đường làng không đèn điện… Mà có lẽ cũng nhờ những đêm không đèn điện ấy nên trăng sáng tỏ từng ngõ ngách, những ánh lửa nhỏ trong mỗi chiếc lồng đèn thắp sáng như những vì sao lung linh trải khắp các con đường. Giờ trăng vẫn còn đấy, vẫn tròn mỗi dịp trung thu về, nhưng không hiểu sao vẫn thấy không sáng tỏ bằng thứ ánh sáng trong vắt xuyên qua mấy bụi tre làng trên những con đường thiếu vắng ánh điện đường của những ngày xưa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.