Từ câu ca cũ, ta lại biết thêm mỗi làng đều có một công trình cổ mang tên “Miếu âm linh” hoặc “Âm linh nghĩa tự” thường được xây dựng ở một vị trí cao ráo, tôn nghiêm nơi đầu làng. Ở các làng trong tỉnh Quảng Nam, miếu âm linh lại thường xây trên gò đất bên cạnh một vài cây cổ thụ, gắn liền với một phế tích nào đó (chủ yếu là đền của người Chămpa)...
Bên cạnh miếu âm linh, có khi là những dãy mộ vô chủ bằng đất, hoặc đã xây nắm bằng gạch, có dạng hình tròn. Đó là những mộ vô danh đã tồn tại hàng trăm năm và vẫn được dân làng gìn giữ, hương khói, dọn dẹp hằng năm…
tin liên quan
Tháng 'Củ mật' âm lịch của người ViệtTrong sinh hoạt dân gian thì tháng cuối năm âm lịch là tháng “Củ mật”. Mọi thứ phải được tính toán chi ly, kiểm soát chặt chẽ.
Tôi đã ghi lại một bài văn cúng âm linh thường được đọc lên vào những ngày cúng âm linh 20 tháng Chạp ở vùng Điện Bàn. Xin trích lại như sau:
“…Ô hô… Nhớ âm linh xưa/Kẻ ở dưới trần sinh nơi tạo hóa/Kẻ sĩ kẻ nông kẻ thương kẻ quỳnh kẻ độc kẻ cô kẻ quả/Cũng có kẻ thi tửu cầm kỳ/Cũng có kẻ thị thành thôn dã… Tưởng những kẻ quân thần đầu thượng/Lúc bắc cầu khi mở núi gian truân/Cảnh ngộ nợ áo cơm nỡ đến hình hài…Thương những người ưu ái tánh trung, /Xông mũi đạn chịu đầu tên lỡ hội tao phùng/ Vì chinh chiến điêu linh mồ mả/Những kẻ anh hùng chí khí sống chết lẽ nào chưa biết/Gan trung thành lo vun đắp giang san/Thương những người chiến sĩ oai phong/Tử sanh coi cũng như không, lòng tiết liệt càng bền sắt đá... Tưởng những kẻ lên dương xuống dốc bị rủi ro mạng phải miệng hùm.
Tưởng những người lên bộ xuống thuyền vào lộng ra khơi vì song gió thây chôn bụng cá. Nhớ những kẻ qua sông lánh giặc, vì đạn rơi mà dòng nước nổi trôi. Thương những người hồ thỉ tang bồng, bất đắc chí cành cây vật vã. Lại thảm kẻ oan hồn yểu tử, bát nước nồi hương không ai gìn giữ, náu nương cùng cỏ rậm rừng hoang. Lại thảm kẻ túc trái tiền khiên lưu lạc với đèn tàn ba tạ…
Ôi thôi thôi! Sanh sanh hóa hóa, bóng bạch dương nghĩ cũng thêm buồn…
…Ngưỡng lạy âm linh phò trì chi gia huệ dã. Phục duy cẩn cáo!
tin liên quan
Quà tết Tây - Ta: Những khác biệt độc đáoCũng như Việt Nam, những món quà nhân dịp đầu năm mới là điều không thể thiếu với nhiều nước trên thế giới. Nâng niu giỏ quà trao gửi lời chúc tốt lành là cách thể hiện tấm lòng tri ân trước thềm năm mới.
Bài văn cúng ai oán mang âm hưởng của “Văn chiêu hồn”, “Văn tế thập loại chúng sinh” thống thiết và đậm chất nhân văn của dân tộc. Bởi vậy làng nào cũng có Miếu âm linh, có tảo mộ và cúng âm linh vào ngày 20 tháng Chạp là một nghĩa cử nhân văn tốt đẹp cần được lưu truyền, gìn giữ. Trong dịp này, ở làng tôi, thông thường được tổ chức rất trang trọng do các bô lão, hội người cao tuổi, đại diện các tộc họ và cả đại diện chính quyền các thôn chủ trì, tham gia. Nhiều bà con trong làng đi làm ăn xa cũng trở về với bánh trái, hương đèn cung kính lạy tạ. “Sau bao nhiêu năm đạn bom, ly tán, hoặc thiên tai hoạn nạn, gia đình nào cũng có người mất đi, mồ mả thất lạc, xiêu tán vì những hoàn cảnh khác nhau. Đó là nỗi đau chung. Cho nên lo cho người đã khuất cũng là lo cho người thân của mình. Cũng như phong tục cúng đất, tá thổ vậy, không thể bỏ được, mà phải gìn giữ để thể hiện cái tình người của chúng ta trên mảnh đất ông cha để lại…”, một cụ lão ở Điện Bàn nói về ý nghĩa tại một buổi lễ mà tôi được tham dự. Ngày xưa cụ Phan Kế Bính mô tả ở miền Bắc có Am chúng sinh và Lệ đàn để phân biệt nơi chúng sanh và tướng sĩ tử trận, cũng tương tự như Miếu âm linh ở miền Nam, đều là nơi rất thiêng liêng. Người xưa lại làm chay đàn cầu siêu sinh tịnh độ vào rằm tháng Bảy. Tuy nghi thức có khác ở phía nam, nhưng ý nghĩa vẫn giống nhau.
*****
Ngày nay, trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến nhiều làng quê mất đi các thiết chế văn hóa truyền thống. Nhưng may mắn là nhiều làng tuy mất đi không gian sống xưa cũ, vẫn còn giữ được các miếu xóm, đình làng từ xa xưa. Và vì vậy, ở nhiều khu dân cư vào ngày 20 tháng Chạp ta vẫn thấy lệ cúng xóm ở nhiều khu phố mang nội dung tưởng nhớ những người khai canh khai cư, cầu nguyện cho những oan hồn vô chủ. Có nơi lễ cúng âm linh vào ngày 20 tháng Chạp vẫn được tổ chức trang trọng ở miếu xóm, đình cổ. Cũng có nơi bà con đặt hương án giữa ngã ba trong một khu phố với đầy đủ lễ vật và mời vị cao niên đến chủ trì, đọc văn tế, vừa tưởng nhớ đến những ai đã mồ xiêu mả lạc, những oan hồn vất vưởng ở địa phương, nhưng cũng vừa là dịp để các cư dân trên địa bàn gặp nhau hàn huyên sau một năm bộn bề với công việc, vun bồi tình làng nghĩa xóm.
Tôi cho đây cũng là hoạt động tâm linh - xã hội mang tính nhân văn nên gìn giữ, khuyến khích trong những dịp cuối năm. Tuy nhiên cần củng cố về nội dung văn tế, hạn chế các biểu hiện nặng về mê tín và nạn chè chén say sưa quá đáng như thường gặp ở một số nơi…
tin liên quan
Người 'giữ hồn' ông Táo giữa Sài Gòn(TNO) 'Người giữ hồn ông Táo' là cụm từ mà nhiều người nhắc về ông Trần Văn Tiếp (ngụ quận 8, TP.HCM). Được biết, ông Tiếp đã có 30 năm làm nghề 'nặn' bếp lò đất.
Bình luận (0)